Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Làm sao để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường?

Ngày 30/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sụt cân là biểu hiện thường gặp ở người tiểu đường do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng đã kém đi. Vậy làm thế nào để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường? Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm giải pháp bạn nhé!

Tiểu đường khiến người bệnh khó khăn trong việc hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó dẫn đến việc bị sụt cân. Ngoài ra, việc sụt cân ở bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể khiến bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi. 

Nguyên nhân khiến người tiểu đường bị sụt cân đột ngột?

Trước khi tìm ra cách hạn chế sụt cân ở người tiểu đường, chúng ta cần hiểu rõ vì sao có sự sụt cân đột ngột này và tình trạng sụt cân liên quan như thế nào đến bệnh tiểu đường.

Bước vào giai đoạn trung niên, cân nặng của bạn thường sẽ không thay đổi nhiều. Việc cân nặng tăng giảm một vài cân là điều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn đột ngột giảm từ 4,5kg hoặc giảm 5% trọng lượng cơ thể trở lên dù cho không cố tình ăn kiêng thì đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý nào đó. 

Sụt cân đột ngột cũng là một trong những triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân trước khi được chẩn đoán mắc tiểu đường type 1 hoặc có thể ảnh hưởng đến người tiểu đường type 2.

Làm sao để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường? 1
Sụt cân đột ngột là dấu hiệu đáng báo động của nhiều bệnh lý

Các tế bào trong cơ thể người bình thường sẽ sử dụng glucose (trong thức ăn) để làm nguồn năng lượng trực tiếp cho các hoạt động sống. Trong khi đó, ở bệnh nhân tiểu đường, tế bào không thể sử dụng glucose nên luôn bị đói năng lượng dù cho lượng đường trong máu lại tăng cao. Vì thế buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo và cơ bắp để lấy năng lượng, từ đó gây sụt giảm cân nặng nghiêm trọng.

Ngoài ra, khi bị tiểu đường thì thận cũng phải làm việc cật lực hơn để loại bỏ đường dư thừa theo đường nước tiểu. Do đo việc đi tiểu nhiều lần cũng khiến cân nặng của bạn giảm đi đáng kể.

Ở một số phương diện khác, sụt cân có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton đối với bệnh nhân tiểu đường. Đây là biến chứng cấp tính, có thể dẫn tới hôn mê, cần được lưu ý và điều trị sớm.

Khi nào người tiểu đường bị giảm cân cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn vô tình phát hiện bản thân giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể, hay giảm 4 đến 5 kg trong vòng 6 đến 12 tháng thì nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân khiến bạn giảm cân đột ngột, một trong số những nguyên nhân có thể là do: Tiểu đường, ung thư đường tiêu hóa, rối loạn trao đổi chất, tuyến giáp,… Từ đó, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên và chỉ định để giúp bạn hạn chế tình trạng sụt cân, đặc biệt là ở người tiểu đường.

Phương pháp hạn chế sụt cân ở người tiểu đường

Vì sao cần hạn chế tình trạng sụt cân ở người tiểu đường?

Nghe có vẻ mâu thuẫn khi mà một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường type 2, vậy tại sao nên hạn chế sụt cân ở người tiểu đường?

Thực tế, thừa cân là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến bệnh tiểu đường hay các biến chứng của bệnh tiểu đường. Do đó, đối với những người thừa cân thì việc giảm cân và quản lý cân nặng là tốt, mang lại những lợi ích đáng kể đặc biệt là ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Tuy nhiên, sụt cân đột ngột lại là câu chuyện khác. Đây là dấu hiệu cho thấy đường huyết của bạn không được ổn định, dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng,… do vậy mà nên hạn chế và cần được giải quyết sớm.

Cân nặng có hợp lý hay không phải dựa trên chỉ số BMI, không phải càng gầy là càng tốt. Bạn nên tính toán cân nặng phù hợp với bản thân và tìm cách hạn chế sụt cân ở người tiểu đường nhé!

lam-sao-de-han-che-sut-can-o-nguoi-tieu-duong.-1.jpeg
Có thể dùng chỉ số BMI để quản lý cân nặng

Vậy làm cách nào để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường?

Bệnh nhân tiểu đường không thể gấp rút muốn tăng cân bằng cách ăn nhiều chất béo bão hoà, như vậy sẽ làm bệnh tiểu đường trầm trọng hơn, thậm chí gia tăng nguy cơ tim mạch. Thay vào đó, bác sĩ sẽ có thể chỉ định bệnh nhân dùng insulin hoặc một số biện pháp khác để xây dựng lối sống lành mạnh. Các biện pháp đó như sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Thay vì ăn 3 bữa chính, bệnh nhân tiểu đường có thể chia nhỏ thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Tốt nhất nên cố định thời gian biểu cho các bữa ăn này, ăn kể cả khi bạn không thấy đói. Trong mỗi bữa ăn này cần đa dạng các loại thực phẩm trong 5 nhóm thực phẩm chính để không làm tăng đường huyết.
  • Bổ sung protein và năng lượng cho các bữa ăn: Một số loại thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít làm tăng lượng đường trong máu như: Thịt gà, cá, trứng, quả bơ, bơ đậu phộng,…

Ngoài ra, bên cạnh việc kiểm soát chế độ ăn uống, bạn cũng nên xây dựng một chế độ sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao đều đặn để hạn chế đột ngột sụt cân ở người tiểu đường. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, ổn định đường huyết, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Làm sao để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường? 3
Tập luyện thể thao giúp nâng cao sức khoẻ hiệu quả

Bệnh nhân tiểu đường cần hết sức lưu ý đến cân nặng của bản thân, dù bạn tăng hay giảm cân đột ngột đều đáng quan tâm. Để hạn chế sụt cân ở người tiểu đường, hãy duy trì một lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn giàu protein nạc và ăn nhiều rau, củ, quả.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm