Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lipoprotein (a)​ là gì? Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch

Ánh Vũ

08/04/2025
Kích thước chữ

Lipoprotein (a) là một loại Lipoprotein trong cơ thể con người, có liên quan mật thiết đến các bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh tim và đột quỵ. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Lipoprotein (a) để giúp bạn hiểu rõ hơn về yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe tim mạch.

Lipoprotein (a) là một loại lipid (chất béo) trong máu được nghiên cứu rộng rãi trong những năm gần đây vì vai trò quan trọng của nó trong việc đánh giá nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, rất ít người biết đến sự tồn tại của Lipoprotein (a) và mối liên hệ của nó với sức khỏe tim mạch. Vậy Lipoprotein (a) là gì? Lipoprotein (a) cao có nguy hiểm không?

Lipoprotein (a) là gì?

Lipoprotein là một loại protein có vai trò vận chuyển cholesterol trong máu. Lipoprotein có hai loại chính là:

  • Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C);
  • Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C).

Cơ thể con người cần có một lượng cholesterol nhất định để hỗ trợ cho các hoạt động như duy trì cấu trúc tế bào hay sản xuất hormone steroid. Nếu nồng độ HDL-C cao có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngược lại nồng độ LDL-C cao có thể gây ra làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý tim mạch.

Lipoprotein (a) - Lp(a) là một dạng lipoprotein có cấu trúc tương tự như LDL-C và là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh lý tim mạch. Theo các nghiên cứu cho biết, Lp(a) là yếu tố thúc đẩy LDL-C hình thành các mảng bán trên thành động mạch, dẫn đến tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu và xơ cứng động mạch, từ đó là tăng nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch cũng như đột quỵ.

Bên cạnh đó, Lp(a) có thể ngăn chặn các enzyme có khả năng làm tan cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng động mạch.

Lipoprotein a​ là gì? Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch 1
Lipoprotein (a) là một dạng lipoprotein có cấu trúc tương tự như LDL-C

Lipoprotein (a) và mối liên hệ với bệnh tim mạch

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ Lipoprotein (a) cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc Lipoprotein (a) làm tăng mức độ cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó làm tăng khả năng hình thành các mảng bám trong động mạch. Sự tích tụ của mảng bám trong các động mạch có thể dẫn đến tắc nghẽn và cuối cùng là bệnh tim mạch.

Đặc biệt, những người có nồng độ Lipoprotein (a) cao trong máu sẽ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao hơn, do đó tăng khả năng mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ Lipoprotein (a) trong máu

Mức độ Lipoprotein (a) trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Di truyền: Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nồng độ Lipoprotein (a). Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh về tim mạch hoặc có mức Lipoprotein (a) cao, bạn cũng có thể có nguy cơ tương tự.
  • Tuổi tác: Nồng độ Lipoprotein (a) thường sẽ tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt là ở nam giới. Tuy nhiên, sự gia tăng này không phải lúc nào cũng là một yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với tất cả mọi người.
  • Giới tính: Phụ nữ thường có mức Lipoprotein (a) thấp hơn so với nam giới, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ miễn dịch với các vấn đề liên quan đến Lipoprotein (a).
  • Lối sống: Các yếu tố như chế độ ăn uống, thói quen tập thể dục và hút thuốc có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nồng độ Lipoprotein (a), mặc dù chúng không phải là yếu tố chính.
Lipoprotein a​ là gì? Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch 2
Mức Lipoprotein (a) trong máu liên quan đến yếu tố di truyền

Do đó, những trường hợp sau nên kiểm tra chỉ số Lipoprotein, bao gồm:

  • Các thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch, đột quỵ trước 55 tuổi (nam giới) hoặc 65 tuổi (nữ giới).
  • Đối từng được chẩn đoán bị bệnh van tim, đau tim, đột quỵ hoặc các vấn đề liên quan đến lưu lượng máu ở chi dưới trước 55 tuổi (nam giới) hoặc trên 65 tuổi (nữ giới).
  • Người có tiền sử bị đau tim hoặc đột quỵ nhiều lần.
  • Tiền sử gia đình có thành viên bị Lp(a) cao.
  • Có tiền sử bị đau tim hoặc đột quỵ mà không xuất phát từ nguyên nhân như đái tháo đường, LDL-C cao, cao huyết áp, hút thuốc lá hoặc cân nặng cao hơn cân nặng lý tưởng 14kg.
  • Sau khi sử dụng thuốc nhóm statin hoặc thuốc giảm LDL-C khác nhưng mức LDL-C vẫn cao.
  • Mắc phải chứng tăng cholesterol có tính di truyền.

Lipoprotein (a) cao có nguy hiểm không?

Mức Lipoprotein (a) tăng cao là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề của sức khỏe như:

  • Suy giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém;
  • Bệnh đái tháo đường không kiểm soát;
  • Bệnh thận;
  • Rối loạn chứng năng thận;
  • Hội chứng thận hư.

Trong một số trường hợp, mức Lipoprotein (a) tăng cao có thể là do nồng độ hormone estrogen thấp. Do đó, ở phụ nữ mãn kinh có thể sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số kiểm nhằm mục đích tầm soát nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch.

Lipoprotein a​ là gì? Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch 3
Lipoprotein (a) cao có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy giáp

Làm thế nào để giảm mức độ Lipoprotein (a)?

Tùy theo từng nguyên nhân gây tăng Lipoprotein (a) mà có hướng xử trí phù hợp. Nếu mức Lipoprotein (a) tăng cao do yếu tố di truyền thì hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị nào giải quyết triệt để tình trạng này.

Hiện nay, PCSK9 là thuốc ức chế có thể làm giảm nồng độ Lp(a), tuy nhiên loại thuốc này cần phải được nghiên cứu thêm nhằm xác nhận lại tác dụng này.

Việc loại bỏ Lipoprotein (a) tương tự như một quy trình lọc máu. Một máy có vai trò tách cholesterol ra khỏi huyết tương, từ đó loại bỏ Lp(a) và LDL-C ra khỏi máu. Bệnh nhân cần thực hiện quá trình này hàng tuần hoặc 2 tuần/lần nhằm loại bỏ cholesterol ra khỏi máu.

Mức Lipoprotein (a) tăng cao phần lớn bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, do đó bệnh nhân cần có những biện pháp hiệu quả để sống chung với tình trạng của bản thân.

Bên cạnh đó, mãn kinh cũng là một yếu tố làm tăng Lp(a), do đó việc sử dụng estrogen và niacin có thể giúp giảm được một phần mức Lp(a). Tuy nhiên, cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu nhằm xác nhận liệu rằng phương pháp này có hiệu quả không và có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch không.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần kết hợp thêm một số biện pháp nhằm mục đích giảm các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm việc giảm mức LDL-C.

Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể hỗ trợ giảm LDL để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Dưới đây là một có một số biện pháp giúp bạn kiểm soát hoặc giảm nồng độ Lipoprotein (a) trong máu:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa có thể giúp giảm mức cholesterol xấu (LDL) và gián tiếp làm giảm Lipoprotein (a).
  • Tập thể dục: Việc duy trì một lối sống năng động với các bài tập thể dục vừa phải giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát mức cholesterol trong cơ thể.
  • Kiểm soát cân nặng: Mức LDL giảm và HDL tăng khi trọng lượng cơ thể được kiểm soát phù hợp.
  • Giảm căng thẳng: Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể làm tăng mức LDL-C.
  • Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, bỏ hút thuốc là một cách bảo vệ sức khỏe tim mạch.
  • Giấc ngủ chất lượng: Nên ngủ đủ giấc (7 - 9 tiếng/đêm) để giúp tim mạch phục hồi.
  • Hạn chế bia rượu: Điều này giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Lipoprotein a​ là gì? Biện pháp giảm nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch 4
Giảm căng thẳng là một biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Lipoprotein (a) là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, đặc biệt là khi mức độ của nó trong cơ thể cao. Mặc dù không thể kiểm soát hoàn toàn mức độ Lipoprotein (a) vì phần lớn yếu tố này là di truyền, nhưng thông qua lối sống lành mạnh và các biện pháp điều trị, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự tư vấn y tế và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin