Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mắt lác ngoài: Cơ chế hoạt động, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Ngày 07/08/2024
Kích thước chữ

Mắt lác ngoài là tình trạng lòng đen của mắt bị lệch ra phía bên ngoài khi nhìn thẳng, khiến hai mắt nhìn về hai hướng khác nhau, gây mất thẩm mỹ cho mắt. Vậy mắt lác ngoài là do đâu, có gây nguy hiểm gì không? Có thể điều trị tình trạng mắt lác ngoài không?

Tình trạng mắt lác ngoài có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, mắt lác ngoài có thể gây biến chứng như sụp mí, nhược thị, suy giảm thị lực,... nếu không được điều trị đúng cách. Vậy mắt lác ngoài là gì? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu đầy đủ thông tin về hiện tượng này.

Kiến thức chung về mắt lác ngoài

Mắt lác ngoài là gì?

Mắt lác ngoài là tình trạng lòng đen của mắt bị lệch ra bên ngoài về phía tai khiến cho hai mắt không thể nhìn cùng một hướng, mà theo hai hướng khác nhau. Khi bị mắt lác ngoài, một bên mắt nhìn thẳng về phía trước, bên mắt còn lại nhìn lệch ra ngoài. Hiện tượng nhìn thẳng và nhìn lệch có thể hoán đổi luân phiên vị trí cho nhau.

Hiện tượng mắt lác ngoài xuất hiện nhiều hơn khi người bệnh tập trung quan sát các vật ở xa và có thể xảy ra ở một mắt hoặc hai mắt.

Mắt lác ngoài: Cơ chế hoạt động, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị 1
Mắt lác ngoài là tình trạng một mắt nhìn thẳng về phía trước, bên còn lại nhìn lệch ra phía ngoài

Cơ chế hoạt động của mắt lác ngoài

Phần lớn trường hợp lác ngoài là do dây thần kinh số 3 tác động. Đây là dây thần kinh vận nhãn chung có nhiệm vụ chi phối đến vận động của nhóm cơ liên quan đến cơ nâng mí. Hiện tượng lác ngoài thường gặp ở người lớn hơn là trẻ em.

Tình trạng mắt lác khiến hai mắt nhìn theo hai hướng, tiêu điểm của hai mắt tập trung vào các vật thể khác nhau dẫn đến tầm nhìn đôi. Lúc này não bộ sẽ loại bỏ dần các tín hiệu của con mắt yếu hơn để hạn chế triệu chứng của chứng song thị.

Ở một số ít trường hợp, dù bị mắt lác ngoài nhưng thị lực của người bệnh vẫn tốt. Hai mắt được sử dụng đan xen, luân phiên cho các thời điểm khác nhau, đường dẫn truyền thị giác ở mỗi mắt phát triển đều. Còn có trường hợp mắt tốt hơn giữ vai trò thị giác chính, não bộ loại bỏ tín hiệu ở con mắt yếu hơn khiến nó không thể phát triển đường dẫn truyền thị giác như bình thường, dẫn đến biến chứng nhược thị. Đây là một trong các bệnh về mắt phổ biến ở trẻ em, làm giảm thị lực, có thể gây mù lòa.

Mắt lác ngoài có nguy hiểm không? 

Mắt lác ngoài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp y tế phù hợp, thậm chí đe dọa thị lực của người bệnh. Một số tác hại phổ biến của mắt lác ngoài như:

  • Nhược thị: Trẻ em trong giai đoạn phát triển thị giác bị mắt lác ngoài có thể gây hại nghiêm trọng như bị chứng nhược thị khiến việc chữa trị càng phức tạp và khó khăn hơn.
  • Hai mắt mất thị giác: Mắt không còn khả năng nhận thức chiều sâu, khả năng ước tính khoảng cách giữa hai vật giảm sút, khi đi cầu thang dễ vấp té, bước hụt.
  • Thị trường mắt hạn chế: Mắt lác ngoài khiến cho thị trường quan sát ở một bên mắt bị thu hẹp.
  • Ảnh hưởng cơ nâng mi: Mắt lác ngoài thường đi kèm với tình trạng sụp mí mắt cùng nhiều triệu chứng khác liên quan đến cơ nâng mi.
Mắt lác ngoài: Cơ chế hoạt động, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị 2
Lác ngoài nếu xảy ra ở trẻ em trong giai đoạn phát triển thị giác có thể gây tác hại nghiêm trọng

Dấu hiệu nhận biết người bị lác ngoài

Tình trạng mắt lác ngoài rất dễ nhận biết với dấu hiệu đặc trưng là lòng đen của một hoặc cả hai con mắt bị lệch ra phía ngoài, về hướng tai khi nhìn thẳng. Tình trạng này khá dễ để nhận biết. Ngoài việc tự quan sát, bạn có thể phát hiện hai mắt lệch nhau thông qua một số biểu hiện đi kèm khác như:

  • Mắt bị lác ngoài có thị lực thường xuyên kém hơn con mắt còn lại, có thể không nhìn rõ, nhìn mờ hơn nên người bệnh thường phải nghiêng đầu khi muốn nhìn rõ sự vật hơn.
  • Thường xuyên nhức, mỏi mắt, suy giảm khả năng tập trung.
  • Lác ngoài xảy ra đột ngột ở người lớn có thể dẫn đến hiện tượng song thị.
  • Với các trường hợp lác ẩn, người bệnh sẽ khó phát hiện ra các dấu hiệu bệnh, vì thế cần đi khám chuyên khoa để xác định bệnh chính xác.

Nguyên nhân gây mắt lác ngoài

Nguyên nhân chính gây mắt lác ngoài là do ảnh hưởng từ những thương tổn ở dây thần kinh số 3. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác như một trong các cơ vận nhãn không còn phối hợp đồng bộ với nhau do thương tổn ở các cơ vận nhãn. Nguy cơ mắt lác ngoài có thể gia tăng do một số yếu tố dưới đây:

  • Bệnh do bẩm sinh, trẻ nhỏ có thể bị di truyền mắt lác ngoài từ gia đình, hiện tượng mắt lác ngoài ở trẻ sơ sinh thường diễn tiến ngay trong giai đoạn 6 tháng đầu đời.
  • Do biến chứng của các bệnh lý ở mắt khác như bất đồng khúc xạ, đục thủy tinh thể.
  • Hậu quả của biến chứng sau phẫu thuật mắt, chấn thương mắt.
  • Biến chứng của các bệnh lý khác như Basedow, tiểu đường.
  • Biến chứng của các tật khúc xạ mắt như cận thị nặng, viễn thị.
Mắt lác ngoài: Cơ chế hoạt động, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị 3
Nguyên nhân gây mắt lác ngoài có thể do biến chứng của các bệnh lý tại mắt khác như đục thủy tinh thể

Có điều trị được mắt lác ngoài không?

Mắt lác ngoài có chữa được không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Với tình trạng lác ngoài cũng như các loại lác khác, nếu được phát hiện sớm và có phương pháp chữa trị phù hợp sẽ mang lại kết quả khả quan, có thể giữ được thị lực tốt cho người bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhãn khoa sẽ chỉ định những phương pháp can thiệp phù hợp tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể, thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân.

Mục đích của quá trình điều trị mắt lác ngoài là cải thiện, bảo vệ thị lực cho bên mắt lác, điều chỉnh con mắt bị lác quay lại vị trí cân bằng, cải thiện tính thẩm mỹ cho người bệnh. Một số phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay như:

  • Đeo kính: Người bị mắt lác ngoài kèm theo các tật khúc xạ mắt khác như cận thị thường được chỉ định đeo kính. Vì kính giúp chỉnh độ ở mắt, hỗ trợ thị lực của người bệnh sáng rõ hơn, hồi phục điều tiết ở thị giác, kiểm soát độ lác tốt hơn.
  • Bịt mắt, kích thích mắt lác: Mục đích của phương pháp này là làm mờ tạm thời bên mắt còn tốt, đánh lừa não bộ, kích thích bên mắt lác hoạt động bằng cách dùng bịt mắt, kính chuyên dụng hoặc nhỏ thuốc làm giãn đồng tử. Bệnh nhân bị lác ngoài đã biến chứng sang nhược thị thường dùng phương pháp này.
  • Tập luyện mắt: Bệnh nhân được chỉ định thực hiện thêm một số bài tập luyện mắt để hai mắt hình thành khả năng nhìn tập trung vào một hướng. Kiên trì tập luyện các bài tập dành cho mắt lác ngoài sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho mắt tốt hơn.
  • Phẫu thuật lác: Phương pháp này được chỉ định cho trường hợp bị lác ngoài nặng trong khi các phương pháp khác không thể giúp cải thiện hay tăng cường tầm nhìn ở mắt. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉ định phẫu thuật chỉnh lại trục nhãn cầu. Bằng cách can thiệp vào vùng cơ mắt, bác sĩ sẽ điều chỉnh cho mắt về vị trí cân bằng.
Mắt lác ngoài: Cơ chế hoạt động, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị 4
Người bị lác ngoài kèm theo các tật khúc xạ khác ở mắt như cận thị thường được chỉ định đeo kính 

Lưu ý là phẫu thuật mắt lác ngoài không giúp hồi phục thị lực cho mắt bị lác. Người bệnh vẫn cần kiên trì thực hiện các bài tập bịt mắt, luyện mắt giúp kích thích thị giác cho bên con mắt yếu hơn.

Nhìn chung, mắt lác ngoài không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu bị mắt lác ngoài, bệnh nhân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám ở chuyên khoa mắt nhằm can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin