Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mất vị giác khi bị cảm có đáng lo không? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 27/10/2024
Kích thước chữ

Cảm cúm không còn là bệnh lý quá xa lạ với nhiều người. Bệnh thường biểu hiện thành các triệu chứng cụ thể như sốt, ho, sổ mũi, ăn không ngon miệng, khó tiêu, mệt mỏi. Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng mất vị giác, khiến người bệnh lo lắng về tình trạng hiện tại của mình. Vậy mất vị giác khi bị cảm có thật sự nguy hiểm và cách khắc phục ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Có nhiều loại virus khác nhau gây ra bệnh cảm cúm với các triệu chứng đa dạng, bao gồm mất vị giác. Tình trạng này có thể thuyên giảm sau vài ngày hoặc gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến cơ thể. Để hiểu rõ hơn liệu mất vị giác khi bị cảm có nguy hiểm không và cách khắc phục ra sao, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Mất vị giác khi bị cảm là như thế nào?

Mất vị giác là tình trạng lưỡi không thể cảm nhận được hương vị của các loại thực phẩm khi ăn. Người ta thường chia mất vị giác thành các loại sau:

  • Thuyên giảm vị giác hoặc vị giác ma, tức bạn có thể cảm nhận được một vị nào đó trong khi thực tế lại không có;
  • Mất vị giác hoàn toàn;
  • Chỉ mất một hoặc một vài vị nhất định.

Trên bề mặt lưỡi có hàng ngàn nụ vị giác vô cùng nhỏ, chịu trách nhiệm nhận biết các vị cơ bản bao gồm mặn, ngọt, chua, cay, đắng và hương vị thơm ngon. Từng vị sẽ được phát hiện và có sự nhạy cảm ở những vị trí nhất định khác nhau trên bề mặt lưỡi. Sau đó các xung thần kinh từ nụ vị giác sẽ truyền tín hiệu đến não bộ, giúp con người nhận biết các loại vị một cách chính xác.

mat-vi-giac-khi-bi-cam-co-that-su-nguy-hiem-va-cach-khac-phuc 1.jpg
Bề mặt lưỡi có khả năng nhận biết nhiều mùi vị khác nhau

Khi bị cảm, các triệu chứng của bệnh như sốt cao, khô niêm mạc miệng… có thể dẫn đến tình trạng rối loạn vị giác hoặc thậm chí là mất vị giác. Việc mất vị giác đôi khi cũng do các nguyên nhân khác nhau, không chỉ riêng cảm cúm. Vì vậy khi xuất hiện triệu chứng mất vị giác khi bị cảm, bạn cần chú ý tình trạng sức khoẻ và kiểm tra cơ thể để phát hiện các nguyên nhân khác cũng gây mất vị giác.

Triệu chứng mất vị giác khi cảm cúm thường xuất hiện ở trẻ em hơn người lớn. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, tình trạng mất vị giác có thể hồi phục khi hết cảm cúm. Tuy nhiên, trong các trường hợp triệu chứng này kéo dài, bạn cần đến gặp các bác sĩ chuyên gia để được điều trị phù hợp, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một khối u trong mũi họng hay dấu hiệu nhiễm trùng khác mà chưa được điều trị.

Hơn thế nữa, khi mất vị giác mà không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng, khiến cơ thể bị thiếu chất, không đủ năng lượng để hoạt động trong một ngày dài. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể sẽ gây suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, trong những ngày khí hậu oi bức, người bệnh sẽ khó phát hiện tình trạng thức ăn bị ôi thiu, dễ gây ngộ độc thực phẩm, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, đừng chủ quan với tình trạng mất vị giác khi bị cảm để không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.

mat-vi-giac-khi-bi-cam-co-that-su-nguy-hiem-va-cach-khac-phuc 2.jpg
Mất vị giác khi bị cảm khiến người bệnh khó khăn trong việc ăn uống

Cách khắc phục mất vị giác khi bị cảm cúm

Khi bị cảm cúm, sức đề kháng của cơ thể có sự suy giảm đáng kể, việc bổ sung nhiều dưỡng chất và vitamin cho cơ thể là cách tốt nhất để điều trị bệnh cũng như điều trị triệu chứng mất vị giác.

  • Lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hoá: Việc lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu sẽ góp phần giúp cho hệ tiêu hoá dễ hoạt động và hoạt động nhanh hơn, tạo cảm giác nhanh đói, thèm ăn và ăn ngon miệng hơn. Những thực phẩm bạn nên lựa chọn cho người bệnh cúm như các loại rau củ chứa nhiều vitamin, khoáng chất, acid hữu cơ, chất xơ…
  • Chia nhỏ bữa ăn: Mất vị giác cộng thêm cảm giác mệt mỏi do bệnh cúm gây ra khiến người bệnh không có cảm giác ăn ngon. Chính vì thế, bạn nên chia nhỏ bữa ăn từ 3 bữa chính thành 4 - 5 bữa nhỏ hơn. Ăn ít và chia nhiều bữa sẽ giúp tạo cảm giác no bụng, kích thích hệ tiêu hoá hoạt động nhanh chóng hơn.
  • Chú ý màu sắc, hương vị và hình thức trình bày món ăn: Những món ăn có màu sắc và hình thức trình bày bắt mắt sẽ dễ thu hút người dùng hơn. Điều này sẽ góp phần kích thích cảm giác thèm ăn, kích thích dạ dày tăng tiết acid, tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn cho những người bệnh mất vị giác do cúm.

Bên cạnh các biện pháp tập trung trên đường tiêu hoá, bạn cũng nên xây dựng môi trường ăn uống thoải mái, ánh sáng đầy đủ, nhiệt độ vừa phải, chén đũa sạch sẽ, bày trí đẹp mắt… sẽ tác động lớn đến việc đánh bay cảm giác chán ăn, kích thích vị giác, tạo sự vui vẻ khi ăn uống. Hơn thế nữa, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng, thúc đẩy cảm giác đói bụng, thèm ăn. Việc tập thể dục sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn, nhanh chóng đánh bay các virus gây bệnh cúm trong cơ thể.

mat-vi-giac-khi-bi-cam-co-that-su-nguy-hiem-va-cach-khac-phuc 3.jpg
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng giúp người mất vị giác do cúm khắc phục triệu chứng này hiệu quả

Mất vị giác khi bị cảm có thực sự đáng lo ngại không?

Mất vị giác khi bị cảm là một triệu chứng khá phổ biến và thường không nguy hiểm nếu xuất hiện ngắn hạn trong giai đoạn bệnh. Khi bị cảm, viêm mũi hoặc viêm xoang, các đường dẫn mùi và vị có thể bị tắc nghẽn do viêm nhiễm và dịch nhầy, dẫn đến mất hoặc giảm khả năng cảm nhận mùi và vị. Điều này thường chỉ là tạm thời và sẽ hồi phục khi tình trạng viêm và dịch nhầy giảm.

Tuy nhiên, mất vị giác kéo dài hoặc mất hoàn toàn khả năng ngửi và nếm có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Trong một số trường hợp, mất vị giác kéo dài có thể là dấu hiệu của:

  • Covid-19: Triệu chứng mất vị giác và khứu giác thường gặp ở những người nhiễm Covid-19 và có thể kéo dài sau khi các triệu chứng khác đã khỏi.
  • Các bệnh lý thần kinh: Những bệnh lý thần kinh như Alzheimer, Parkinson, hoặc một số bệnh thoái hóa thần kinh khác cũng có thể gây mất vị giác và khứu giác.
  • Rối loạn chức năng khứu giác: Do viêm nhiễm tái diễn hoặc tổn thương thần kinh khứu giác, dẫn đến khả năng phục hồi kém sau một số loại viêm mũi, xoang mạn tính.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có tác dụng phụ gây giảm hoặc thậm chí mất vị giác, ví dụ như các chất ức chế men chuyển angiotensin, chất ức chế HMG-CoA…
  • Hội chứng Ageusia: Đây là bệnh lý mà người bệnh bị mất hoàn toàn mùi vị, không thể cảm nhận bất kỳ hương vị nào. Bệnh lý này khá hiếm gặp, ước tính chỉ có khoảng 3% người bị mắc hội chứng này trong tổng số các trường hợp bị mất vị giác.

Bên cạnh các bệnh lý kể trên, những người từng có phẫu thuật ở miệng, vùng cổ họng, mũi hoặc tai hay các bệnh liên quan đến răng miệng cũng có thể khiến người bệnh bị mất vị giác trong một khoảng thời gian nhất định.

Khi nào cần đi khám?

Mất vị giác khi bị cảm thường không nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng này kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường, nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

  • Trường hợp mất vị giác kéo dài hơn 2 - 3 tuần mà không có dấu hiệu hồi phục. 
  • Triệu chứng mất vị giác đi kèm với các triệu chứng bất thường khác, như mất cân bằng, yếu cơ, hoặc rối loạn hành vi.
  • Có tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như mắc Covid-19 hoặc viêm mũi, xoang mạn tính.

Nhìn chung, mất vị giác khi bị cảm thường là hiện tượng tạm thời và sẽ hết khi cơ thể hồi phục. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường, hãy đi khám để được tư vấn và chẩn đoán kỹ hơn. Hãy làm chủ sức khỏe của bản thân mình cũng như người thân xung quanh bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cảm cúmCúm