Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mỡ nội tạng là gì? Làm sao để giảm mỡ nội tạng?

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mỡ nội tạng là loại chất béo được lưu trữ trong khoang bụng nên rất khó nhận biết. Loại mỡ này có thể gây ra nhiều bệnh lý và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, việc cải thiện mỡ ở nội tạng là vô cùng cần thiết.

Mỡ nội tạng nằm trong khoang bụng, bao quanh những cơ quan nội tạng. Mỡ quanh nội tạng có thể gây ra nhiều tác động nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng thấy được mỡ ở nội tạng cũng như không phải chỉ những người béo phì mới gặp tình trạng này. Ngay cả những người sở hữu vòng eo khá chuẩn vẫn có thể có mỡ ở khu vực nội tạng. Vậy loại mỡ này là gì và làm sao để giảm mỡ quanh nội tạng mà vẫn đảm bảo an toàn? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về mỡ ở nội tạng trong bài viết sau đây nhé.

Mỡ nội tạng là gì?

Mỡ nội tạng là phần chất béo nằm sâu bên trong bụng, bao bọc xung quanh các cơ quan nội tạng của cơ thể. Khác với lớp chất béo dưới da, mỡ quanh nội tạng không phải khi nào cũng có thể nhận biết được, phần mỡ này sẽ làm cho bụng của bạn nhô ra hoặc tạo cho bạn dáng người hình quả táo.

Thông thường, lượng mỡ ở quanh nội tạng chiếm khoảng 1/10 tổng lượng chất béo trong cơ thể. Mỡ quanh nội tạng càng nhiều thì càng gây nguy hiểm. Kể cả với những người gầy, nếu tỷ lệ mỡ ở khu vực nội tạng càng lớn thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe càng cao.

Mỡ nội tạng là gì? Làm sao để giảm mỡ nội tạng 1
Phụ nữ mãn kinh dễ tích mỡ nội tạng

Nguyên nhân tạo nên mỡ nội tạng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mỡ quanh nội tạng như:

  • Khi bạn nạp vào cơ thể quá nhiều calo nhưng lại ít vận động, ít tập luyện nên chất béo được tích tụ lâu ngày dẫn đến mỡ ở nội tạng. Ở một số người, lượng mỡ này thường tích tụ quanh bụng nhiều hơn ở hông do sự khác biệt về gen.
  • Phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, khối lượng cơ lúc này giảm đi, đồng thời lượng chất béo trong cơ thể lại tăng lên. Khi đó, khả năng chất béo nội tạng lưu trữ ở bụng cũng tăng cao hơn mặc dù không tăng cân.
  • Ở nam giới, mỡ nội tạng được hình thành do tuổi tác và yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, những người thường xuyên uống rượu, bia cũng sẽ có nhiều mỡ bụng hơn.

Mỡ nội tạng nguy hiểm đến đâu?

Việc tích trữ quá nhiều chất béo trong cơ thể, đặc biệt là ở khu vực nội tạng sẽ gây ra một số rủi ro nhất định đối với sức khỏe như:

  • Gia tăng tình trạng đề kháng insulin: Nguyên nhân nằm ở việc chất béo trong mỡ nội tạng làm cho các loại protein liên kết với retinol, gây tăng đề kháng insulin. Ngay cả khi bạn chưa mắc tiểu đường hay mới ở mức tiền tiểu đường thì vẫn có thể gặp phải tình trạng này.
  • Tăng phản ứng viêm trong cơ thể: Khi có mỡ quanh nội tạng, các tế bào mỡ sẽ giải phóng các cytokine gây viêm và khiến cho các căn bệnh trầm trọng hơn. Chất béo nội tạng gây khó khăn cho quá trình đào thải độc tố, dẫn tới các bệnh nghiêm trọng như: Đột quỵ, tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng
  • Ức chế hoạt động của hormone chất béo hay còn gọi là adiponectin: Hormone này hoạt động như một chất điều chỉnh đối với chất béo. Việc lượng hormone này quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể có thể là do quá thừa chất béo.

Ngoài ra, chỉ số mỡ ở nội tạng tăng cao bất thường còn có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như: Sa sút trí tuệ, hen suyễn, bệnh gút, ung thư vú, viêm xương khớp, đau lưng, Alzheimer

Làm thế nào để xác định chỉ số mỡ nội tạng?

Không dễ để nhận biết mỡ nội tạng, vậy làm thế nào để xác định chỉ số này? Bác sĩ sẽ dựa trên một số yếu tố sau đây để xác định chỉ số chất béo trong nội tạng:

Mỡ nội tạng là gì? Làm sao để giảm mỡ nội tạng 2
Chỉ số BMI giúp xác định mỡ nội tạng

Xác định chỉ số mỡ nội tạng dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI)

Chỉ số khối cơ thể (BMI) cho biết bạn nặng bao nhiêu so với chiều cao của mình. Chỉ số BMI từ 30 trở lên có nghĩa là bạn đang bị thừa cân và đây cũng là dấu hiệu của dư thừa mỡ bụng. Nếu BMI từ 23 trở lên, đây cũng được xem là vấn đề đáng lo ngại.

Kích thước vòng eo giúp đo chỉ số mỡ nội tạng

Kích thước vòng eo là một trong những cách đơn giản để ước tính lượng mỡ ở khu vực nội tạng. Bạn có thể dùng thước dây đo quanh eo mình. Nếu vòng eo phụ nữ từ 35 inch (khoảng 89 cm) trở lên thì đây là dấu hiệu của chất béo nội tạng. Với nam giới, chỉ số này là là 40 inch (khoảng 101 cm) trở lên. Chỉ số tính chất béo nội tạng đối với người gốc châu Á giảm xuống 35.5 inch (90 cm) đối với nam và 31.5 inch (80 cm) đối với nữ.

Xác định mỡ nội tạng dựa vào thân hình

Việc soi gương có thể giúp nhận biết những bộ phận trên cơ thể có khả năng tích trữ chất béo. Nếu bạn có dáng người tương tự hình quả táo với phần thân to và chân thon thì nhiều khả năng bạn đang tích mỡ bụng. Dáng người này thường phổ biến hơn ở nam giới, còn với phụ nữ thì thường là dáng quả lê với hông và đùi to hơn.

Chẩn đoán hình ảnh để đo chỉ số mỡ nội tạng

Cách kiểm tra chính xác lượng chất béo nội tạng có trong cơ thể là thực hiện các chẩn đoán hình ảnh. Bạn có thể áp dụng phương pháp chụp CT hoặc xét nghiệm MRI. Những phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ thấy được hình ảnh chi tiết để đưa ra chẩn đoán chính xác về lượng chất béo nội tạng có trong cơ thể bạn.

Mỡ nội tạng là gì? Làm sao để giảm mỡ nội tạng 3
Đo chỉ số mỡ nội tạng thông qua chẩn đoán hình ảnh

Cách giảm mỡ nội tạng khoa học

Giảm mỡ nội tạng là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều người nếu muốn có cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là những người mắc một số loại bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách giảm mỡ an toàn và khoa học. Nguyên tắc chung để giảm mỡ trong cơ thể là xây dựng chế độ uống hợp lý và tăng cường vận động.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để giảm mỡ nội tạng

Chế độ ăn uống là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng mỡ quanh nội tạng. Chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D sẽ giúp giảm chất béo nội tạng. Một số loại thực phẩm có lợi mà bạn có thể lựa chọn là: Cải thìa, rau bina, thực phẩm từ sữa, sữa chua, pho mát, cá mòi,... Ngoài ra, bạn cũng nên ưu tiên chế độ ăn uống lành mạnh với ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, bánh mì, thịt gà,...

Hãy hạn chế tiêu thụ các chất béo chuyển hóa có thể làm gia tăng lượng mỡ bụng như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán. Ngoài ra, hàm lượng đường cao trong chế độ ăn cũng khiến bạn tích trữ chất béo nội tạng nhanh chóng. Bạn nên hạn chế sử dụng nước ngọt, bánh kẹo và các thực phẩm nhiều đường khác.

Mỡ nội tạng là gì? Làm sao để giảm mỡ nội tạng 4
Đồ chiên rán có thể làm tăng mỡ nội tạng

Giảm mỡ nội tạng bằng cách tăng cường vận động

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao cũng là bí kíp giúp bạn loại bỏ mỡ quanh khu vực nội tạng. Thay vì tập các bài tập quá sức, bạn hãy đi bộ sau khi ăn, đạp xe hoặc rửa bát hay lau dọn bàn ghế,... Đặc biệt, mỗi ngày, bạn nên dành ít nhất 15 - 30 phút để tập các bài tập thể dục như yoga, chống đẩy,...

Mỡ nội tạng không tốt cho sức khỏe và càng nhiều mỡ nội tạng, nguy cơ bệnh tật càng cao. Với bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã mang đến kiến thức tổng quan về mỡ nội tạng, cách xác định lượng mỡ và giảm mỡ hiệu quả, an toàn. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn tham khảo và xây dựng cho mình chế độ sinh hoạt, ăn uống và luyện tập phù hợp để có được cơ thể khỏe mạnh và hạn chế lượng mỡ thừa nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm