Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Một số cách khắc phục tình trạng cảm lạnh khi nhiễm nước mưa

Ngày 12/07/2024
Kích thước chữ

Vào thời điểm chuyển mùa, những cơn mưa đột ngột dễ dẫn đến cảm lạnh. Vậy triệu chứng cảm lạnh khi bị mắc mưa là như thế nào và làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khỏi những cơn cảm lạnh khi nhiễm nước mưa? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu trả lời nhé!

Mùa mưa là mùa đặc biệt khiến cơ thể bạn yếu đi do gió rét, từ đó bạn dễ mắc những căn bệnh vặt hơn. Đặc biệt đối với chứng cảm lạnh khi nhiễm nước mưa, nó gây ảnh hưởng nhiều đến chế độ sinh hoạt hàng ngày của bạn. Qua bài viết sau, nhà thuốc Long Châu sẽ mách cho bạn những mẹo đơn giản để phòng trừ cảm lạnh mùa mưa.

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là một bệnh lý thường gặp và có thể xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể con người dễ mắc cảm lạnh khi nhiễm nước mưa. Tần suất mắc bệnh cảm ở trẻ nhỏ là 4 - 8 lần một năm, ở người lớn là 2 - 4 lần một năm. Khi vào mùa mưa, sức đề kháng của cơ thể dễ bị yếu đi, từ đó dẫn đến sự tấn công của virus.

Bệnh cảm lạnh thông thường không phải một loại bệnh nguy hiểm, có khả năng tự khỏi trong vòng 7 - 10 ngày đối với người lớn, với trẻ nhỏ là 10 - 15 ngày mà không cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh trừ bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên xem thường bệnh cảm lạnh, nếu bệnh trở nặng mà không được điều trị sẽ dẫn đến bội nhiễm, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm xoang,…

Triệu chứng cảm lạnh do mắc mưa: Mách bạn các mẹo đơn giản để chữa cảm lạnh khi bị nhiễm nước mưa 1
Cơ thể con người dễ mắc cảm lạnh khi nhiễm nước mưa

Nguyên nhân và triệu chứng khi mắc cảm lạnh

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh cảm lạnh bao gồm những điều sau:

Nguyên nhân

Bệnh cảm lạnh là một loại bệnh lý do virus gây ra, những chủng virus thường gặp gây ra căn bệnh này là Rhinovirus hoặc Enterovirus. Những loại virus này thâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, mắt, mũi và miệng; khi người bệnh ho hoặc hắt hơi sẽ làm lây lan những virus này vào không khí. Một loại lây nhiễm ít gặp là virus xâm nhập do dùng hoặc chạm vào đồ của người bệnh.

Các triệu chứng

Cơ thể bắt đầu biểu hiện các triệu chứng sau khi đã bị nhiễm virus từ 2 - 3 ngày, người bệnh sẽ có biểu hiện của bệnh tác động lên các cơ quan hô hấp như xoang, mũi, họng. Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 3 - 7 ngày và 3 ngày đầu là thời gian virus dễ lây nhiễm nhất. Những triệu chứng thường thấy có thể kể đến những điều sau:

  • Ho, đau họng.
  • Nghẹt mũi và khó thở.
  • Chảy nước mũi, nước mắt.
  • Ngứa họng, hắt hơi liên tục.
  • Đau đầu và đau nhức toàn thân.
  • Cơ thể suy nhược và có biểu hiện sốt nhẹ.

Một số người bệnh có thể bị mất vị giác và mắc các bệnh lý như sưng hạch bạch huyết. Tuy đây là một loại bệnh cơ thể có khả năng tự đẩy lùi, nhưng bạn vẫn nên chú ý theo dõi và điều trị để tránh những rủi ro không đáng có đối với sức khỏe.

Triệu chứng cảm lạnh do mắc mưa: Mách bạn các mẹo đơn giản để chữa cảm lạnh khi bị nhiễm nước mưa 2
Hắt hơi là một trong những triệu chứng cảm lạnh khi nhiễm nước mưa

Cách chữa cảm lạnh khi nhiễm nước mưa

Dưới đây là một số cách chữa cảm lạnh khi nhiễm nước mưa mà bạn có thể tham khảo:

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Để chữa cảm lạnh khi nhiễm nước mưa, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ. Một số lưu ý khi uống thuốc bạn cần ghi nhớ là:

  • Với người lớn: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt và các loại thuốc khác. 
  • Với trẻ nhỏ: Sử dụng thuốc hết sức thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bác sĩ.

Ăn các loại cháo giải cảm

Ăn cháo giải cảm giúp cơ thể tiết mồ hôi nhiều hơn, giúp cơ thể phục hồi sức khỏe. Cháo giải cảm nên nấu cùng hành tăm và thịt băm, vừa giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể vừa giúp cơ thể ấm lên, tăng tiết mồ hôi để đẩy lùi cơn cảm lạnh. Bạn có thể thay thế hành tăm bằng hành tía tô và nấu với thịt nạc hoặc trứng gà. Hơi nóng của cháo và hành tăm, tía tô có tác dụng lớn trong việc giúp cơ thể ấm lên.

Xây dựng chế độ sinh hoạt tích cực

Không chỉ áp dụng những hình thức giải cảm dân gian, bạn cũng nên thay đổi chế độ sinh hoạt hàng ngày để phù hợp với tình trạng cơ thể, một số điều bạn nên làm bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ: Giúp cải thiện hệ miễn dịch và bổ sung sức khỏe để chống bệnh tật.
  • Nghỉ ngơi đủ: Giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
  • Cải thiện đau rát cổ họng: Bạn nên súc miệng bằng nước muối và ngậm viên trị đau họng để làm dịu cơn đau.
  • Duy trì độ ẩm trong phòng: Tránh cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và tấn công cơ thể.

Xông hơi bằng nước lá đun sôi

Một phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng để giải cảm là xông người với nước đun lá. Bạn có thể sử dụng các loại vỏ bưởi, sả, lá tía tô, kinh giới,… Chuẩn bị một nồi nước lá sôi, xông người từ 5 -10 phút để cơ thể ra mồ hôi. Sau đó lau khô người và đắp kín chăn, nằm nghỉ và không để cơ thể tiếp xúc với gió lạnh.

Theo các nghiên cứu Đông Y, việc xông hơi giúp dược liệu theo đường hô hấp vào phế nang, giúp thông suốt đường thở, giảm đau đầu và mệt mỏi.

Uống trà gừng nóng và cạo gió bằng gừng tươi

Một cốc trà gừng nóng có thể dễ dàng làm dịu đi cơn cảm lạnh trong cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gừng tươi để cạo gió. Bạn cần giã nhỏ gừng tươi, cuộn với tóc rối và cho vào miếng vải thưa buộc lại, bạn cạo gió xuôi từ trên xuống sẽ nhanh chóng giúp đẩy lùi cơn cảm lạnh. Lưu ý bạn không nên cạo gió vào các hạch bạch huyết nằm ở mang tại, nách, bẹn và bên trong các khuỷu tay chân.

Triệu chứng cảm lạnh do mắc mưa: Mách bạn các mẹo đơn giản để chữa cảm lạnh khi bị nhiễm nước mưa 3
Một cốc trà gừng nóng có thể dễ dàng làm dịu đi cơn cảm lạnh trong cơ thể

Các biện pháp phòng tránh cảm lạnh khi nhiễm nước mưa

Để bảo vệ sức khỏe khỏi các loại virus gây bệnh, bạn cần thực hiện những điều sau khi đi mưa về để hạn chế bị cảm lạnh:

  • Lau người với khăn sạch: Bạn nên lau khô toàn thân và tóc ngay khi về, không để cơ thể bị ướt quá lâu. Sau khi lau khô người thì bạn nên tắm lại với nước ấm để giữ ấm cơ thể và khử lạnh do dầm mưa.
  • Làm sạch tay chân với xà phòng: Tay và chân là những bộ phận dễ bị ướt khi đi mưa, bạn nên thấm khô và làm sạch tay chân với xà phòng để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
  • Giữ ấm cơ thể từ bên trong: Sau khi đã lau khô và tắm lại bằng nước ấm, bạn nên uống các thức uống nóng như trà gừng để giữ ấm cơ thể từ bên trong. Không nên uống nước đá hay các loại nước giữ lạnh để tránh tạo điều kiện cho virus thâm nhập cơ thể.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin: Nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể, bạn nên tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin thường xuyên để cơ thể phòng bệnh hiệu quả hơn.
  • Tập luyện thể thao: Tập thể thao giúp củng cố sức khỏe của bạn, nâng cao sức đề kháng giúp hạn chế bệnh tật.
  • Chủ động tránh ướt mưa: Thay vì dầm mưa thì bạn nên chủ động chuẩn bị áo mưa hoặc trú mưa ở nơi khô ráo để tránh tiếp xúc nhiều với nước mưa.

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng cảm lạnh và các phương pháp để trị cảm lạnh khi nhiễm nước mưa. Vào mùa mưa, cơ thể rất dễ nhiễm bệnh, bạn cần biết cách chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin