Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Nấm Maitake: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe

Ngày 28/12/2024
Kích thước chữ

Nấm Maitake, hay còn gọi là nấm khiêu vũ, là một loại nấm tự nhiên quý hiếm với nhiều lợi ích sức khỏe. Không chỉ sở hữu hương vị thơm ngon, nấm Maitake còn chứa thành phần dưỡng chất dồi dào, phong phú. Vì thế, loại nấm này ngày càng được ưa chuộng trong ẩm thực và y học.

Ước tính trên thế giới có khoảng 2000 loài nấm có thể ăn được. Trong đó, nấm Maitake nổi bật với “ngoại hình” độc đáo và những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. Loài nấm này không chỉ là một thực phẩm mà còn là một vị thuốc quý, được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn khám phá thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của loài nấm hoang dã ăn được mang tên Maitake.

Nguồn gốc, phân bố và đặc điểm của nấm Maitake

Nấm Maitake còn được biết đến với tên gọi nấm khiêu vũ, là một loại nấm quý hiếm có nguồn gốc từ các khu rừng già ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Tên gọi "Maitake" trong tiếng Nhật có nghĩa là "nấm khiêu vũ", xuất phát từ hình dáng đặc biệt của chúng khi mọc thành từng cụm lớn, xòe rộng như những vũ công. Nấm Maitake đã được sử dụng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh từ hàng ngàn năm trước ở các quốc gia châu Á.

Về môi trường sống, nấm Maitake thường mọc ký sinh trên rễ hoặc gốc của các cây gỗ cứng như sồi, cây phong, hoặc cây óc chó. Chúng thường xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu, khi khí hậu ẩm ướt và mát mẻ. Do nhu cầu cao và môi trường sống bị thu hẹp, nấm Maitake ngày càng trở nên quý hiếm trong tự nhiên.

Nấm Maitake: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 1
Nấm Maitake là loại nấm quý, được ưa chuộng trên thị trường

Nấm Maitake mọc thành từng cụm lớn, mỗi cụm có thể nặng tới hàng chục kilogam. Mỗi cây nấm riêng lẻ có hình dạng giống như một chiếc lá, xếp chồng lên nhau tạo thành một khối lớn. Màu sắc của nấm Maitake thường là nâu xám hoặc nâu vàng, tùy thuộc vào điều kiện môi trường.

Hiện nay, nhờ các kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, nấm Maitake đã được nhân giống thành công và cung cấp ra thị trường rộng rãi. Tuy nhiên, nấm Maitake tự nhiên vẫn được coi là quý hiếm và có giá trị cao hơn so với nấm nuôi trồng.

Thành phần dinh dưỡng của nấm Maitake

Nấm Maitake không chỉ nổi tiếng với hương vị thơm ngon và hình dáng độc đáo mà còn là một nguồn cung cấp dinh dưỡng vô cùng phong phú. Trong thành phần của nấm Maitake, chúng ta có thể tìm thấy một loạt các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.

Trong 100g nấm Maitake tươi chứa các chất dinh dưỡng chính sau:

  • Năng lượng: 31 - 35 calo, mức rất thấp, phù hợp với chế độ ăn giảm cân;
  • Chất đạm: Khoảng 1.9 - 2.0g;
  • Chất béo: 0.1 - 0.2g, chủ yếu là chất béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe;
  • Carbohydrate: Khoảng 7.0 - 7.5g, bao gồm đường tự nhiên và polysaccharides hỗ trợ cung cấp năng lượng từ từ, ổn định;
  • Chất xơ: 2.7 - 3.0g.

Loại nấm quý này còn cung cấp các vitamin và khoáng chất đa dạng như:

  • Vitamin D2: 28 - 30 IU;
  • Vitamin B2: 0.3 - 0.4mg;
  • Vitamin B3: 6.8 - 7.0mg;
  • Vitamin B5: 1.1 - 1.3mg;
  • Kali: 204 - 210mg;
  • Phốt pho: 68 - 70mg;
  • Magie: 8 - 10mg;
  • Sắt: 0.3 - 0.4mg;
  • Kẽm: 0.5 - 0.6mg;

Chưa hết, nấm Maitake còn chứa các hợp chất sinh học đặc biệt khác như: Beta-glucans (1,3/1,6), ergothioneine, D-fraction,…

Nấm Maitake: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 2
Không khó hiểu khi loại nấm này được thị trường ưa chuộng

Công dụng của nấm Maitake đối với sức khỏe

Với bảng thành phần dinh dưỡng phong phú như đã kể đến bên trên, lợi ích nấm khiêu vũ là gì?

Tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư

So với các loại nấm thông thường, nấm Maitake nổi bật với hàm lượng beta-glucan cao hơn hẳn. Beta-glucan là một loại polysaccharide có khả năng kích thích tế bào bạch cầu. Từ đó nó phát huy tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.

Trong một nghiên cứu, beta-glucan từ nấm Maitake đã ức chế sự tiến triển di căn, kích thước khối u cũng giảm. Nấm Maitake còn chứa các hợp chất như D-fraction và SX-fraction, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các liệu pháp điều trị ung thư.

Nấm Maitake giúp giảm cholesterol, bảo vệ tim mạch

Loại nấm quý này có thể giúp giảm cholesterol và huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Beta-glucans trong nấm có khả năng giảm cholesterol LDL bằng cách liên kết với cholesterol trong ruột và ngăn chặn sự hấp thụ của nó vào máu. Nấm Maitake kích thích hoạt động của enzyme lecithin-cholesterol acyltransferase (LCAT), một enzyme quan trọng trong quá trình chuyển hóa cholesterol HDL.

Một số nghiên cứu cũng cho thấy loại nấm này có thể giúp giảm mức triglyceride trong máu. Triglyceride là một loại chất béo khác trong máu, mức độ cao của nó cũng liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nấm Maitake: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 3
Nhiều người có thể bất ngờ khi tìm hiểu công dụng của nấm khiêu vũ

Có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường loại 2

Một số nghiên cứu cho thấy nấm Maitake có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, giúp các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin và hấp thụ đường hiệu quả hơn.

Enzyme alpha-glucosidase có vai trò phân hủy carbohydrate phức tạp thành đường đơn (glucose) trong ruột non. Nấm Maitake được cho là có khả năng ức chế hoạt động của enzyme này. Từ đó nó làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu sau bữa ăn, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết đột ngột.

Ngoài ra, chất xơ hòa tan beta-glucans có trong nấm Maitake cũng góp phần vào việc kiểm soát đường huyết bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate. Bên cạnh đó, các polysaccharide tìm thấy trong nấm Maitake được chứng minh có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Nấm Maitake có thể bảo vệ não của bạn

Đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nấm Maitake giúp bảo vệ tế bào thần kinh. Nó có thể góp phần ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Khả năng chống viêm của nấm Maitake

Glyceride và sterol thực vật được chiết xuất từ ​​nấm Maitake có thể ức chế cyclooxygenase(COX) enzyme gây viêm. Nhờ đó, nó giúp giảm viêm nhiễm, đau khớp và các bệnh liên quan đến viêm mãn tính.

Nấm Maitake: Thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 4
Thật đáng tiếc nếu không thêm nấm khiêu vũ vào chế độ ăn lành mạnh

Cách sử dụng nấm Maitake phát huy tối đa công dụng

Mặc dù nấm Maitake mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng chúng ta vẫn cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

  • Nấm Maitake có hình dáng khá đặc trưng, nhưng để tránh nhầm lẫn với các loại nấm độc, bạn nên mua nấm tại các cửa hàng uy tín. Khi mua nấm Maitake, bạn nên chọn những cây nấm tươi, có màu nâu nhạt, mũ nấm căng mọng, không bị dập nát.
  • Nhiều người bị dị ứng khi ăn nấm. Nếu bạn từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại nấm nào, hãy hết sức cẩn trọng khi ăn nấm Maitake. Sau khi ăn nấm, nếu bạn bị ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác của phản vệ, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Nấm Maitake có độ an toàn cao nhưng nếu ăn sống nó có thể gây khó tiêu, rối loạn tiêu hóa đối với một số người.
  • Nấm Maitake có thể tương tác với thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường, thuốc điều trị cholesterol cao hay thuốc chữa huyết áp cao.
  • Không có liều lượng chính xác cho việc sử dụng nấm Maitake. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ và tăng dần để cơ thể thích nghi.

Trong ẩm thực, nấm Maitake là một nguyên liệu vô cùng hấp dẫn, bổ dưỡng, ngon miệng với kết cấu giòn dai và hương vị đậm đà. Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa và các hợp chất sinh học quý giá, nấm Maitake cũng được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và hiện đại. Hãy bổ sung nấm Maitake vào thực đơn hàng ngày để tăng cường sức khỏe ngay từ hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin