Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngồi khoanh chân có ưu và nhược điểm gì? Đây có phải tư thế tốt không?

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Không ít người trong số chúng ta có thói quen ngồi khoanh chân. Tư thế này có cả những ưu điểm và một số hạn chế nhất định. Muốn biết đây có phải tư thế tốt cho sức khỏe không, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!

Ngồi khoanh chân là một tư thế ngồi quen thuộc của hầu hết chúng ta. Đặc biệt là khi ngồi trên mặt sàn, đây là tư thế giúp chúng ta giữ thẳng cột sống mà vẫn đảm bảo lịch sự hơn so với ngồi ngả lưng, ngồi duỗi chân… Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thường xuyên ngồi khoanh chân? Tư thế ngồi này có những điểm lợi và hại gì cho sức khỏe?

Tư thế ngồi khoanh chân có ưu điểm gì?

Từ xa xưa tư thế này đã quen thuộc với người Việt vì trước đây người Việt ngồi trên sàn, trên chiếu nhiều hơn ngồi trên bàn. Tư thế khoanh chân còn được gọi là tư thế ngồi xếp bằng. Tư thế ngồi khoanh chân không chỉ là tư thế ngồi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày mà còn là tư thế quen thuộc trong bộ môn yoga trị liệu. Với tư thế này, bạn ngồi đan hai chân vào nhau, mông chạm sàn, cột sống thẳng.

Trong trường hợp sức khỏe bình thường và bạn không gặp bất cứ vấn đề gì ở xương khớp chân, bạn có thể yên tâm ngồi ở tư thế này. Ngồi khoanh chân đúng cách còn giúp tăng cường sức mạnh, độ dẻo dai, linh hoạt của các cơ xương khớp thuộc chân. Nếu đang ngồi ở tư thế thõng chân hay duỗi chân quá lâu, thay đổi sang tư thế khoanh chân cũng giúp bạn đỡ mỏi hơn.

Ngồi khoanh chân có ưu và nhược điểm gì? Đây có phải tư thế tốt không 1
Nhiều người có thói quen khoanh chân khi ngồi

Tư thế ngồi khoanh chân có hạn chế gì?

Ngồi khoanh chân không hoàn toàn chỉ có ưu điểm. Nếu ngồi ở tư thế khoanh chân trong thời gian dài, bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề như:

  • Khi khoanh chân trong thời gian dài, khớp đầu gối sẽ được giữ ở vị trí uốn cong khá lâu làm giảm lượng dịch nhầy bôi trơn khớp. Chất lỏng cũng dễ tích tụ ở khớp gây sưng, đau.
  • Khi đầu gối bị uốn cong và xoắn quá mức hay quá thường xuyên cũng có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm nặng thêm tình trạng rách sụn khớp.
  • Người Việt Nam và một số nước châu Á có thói quen ngồi xếp bằng khoanh chân từ nhỏ. Thói quen này có thể là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng, gây mất thẩm mỹ nặng nề và mất tự tin trong cuộc sống.
  • Khi chúng ta ngồi ở tư thế khoanh chân, mắt cá cạnh chân sẽ bị chịu nhiều áp lực nên dễ bị sưng, đau. Những người ngồi ở tư thế này lâu năm còn bị chai cứng mắt cá chân.
  • Tư thế khoanh chân khiến chúng ta có xu hướng cong lưng khi ngồi. Nếu duy trì trong thời gian dài có thể khiến cơ, xương, khớp ở lưng căng tức và bị đau. Cùng với đó là việc xương cùng thắt lưng sẽ phải chịu áp lực quá mức khi chúng ta cong lưng dưới. Tư thế ngồi cong gập người cùng với việc trọng lượng cơ thể dồn vào thắt lưng trong thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm và làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
  • Ngồi khoanh chân quá lâu làm giảm lưu lượng máu lưu thông đến toàn bộ đôi chân và có thể gây tê chân tạm thời.
Ngồi khoanh chân có ưu và nhược điểm gì? Đây có phải tư thế tốt không 2
Tê chân sau khi ngồi khoanh chân

Sau khi ngồi khoanh chân bị tê chân cần làm gì?

Ngồi khoanh chân nếu duy trì ở mức độ vừa phải sẽ không gây ra những vấn đề nguy hiểm với sức khỏe. Vấn đề thường gặp hơn cả là tình trạng tê bì chân sau khi ngồi ở tư thế khoanh chân lâu. Tình trạng tê bì này sẽ sớm biến mất sau khi bạn duỗi thẳng thân và thử áp dụng những cách sau đây:

  • Khi cảm giác chân đang bị tê, bạn không nên cố ngồi yên ở tư thế cũ mà bên từ từ duỗi thẳng chân, co gập đầu gối kết hợp xoa bóp, massage chân. Việc này sẽ giúp máu nhanh chóng lưu thông xuống chân và làm giảm triệu chứng tê bì.
  • Nếu có thể đứng lên, bạn nên đứng dậy và kết hợp nắn bóp chân. Khi bạn đứng dậy, máu lưu thông đến chân sẽ nhanh hơn. Có thể bạn sẽ cảm nhận được rõ cảm giác dòng máu lưu thông trong đôi chân của mình và đầu gối nóng dần lên.
  • Khi cảm giác tê chân đã giảm, bạn có thể lắc lư, xoay hông vài lần để tăng lưu thông máu đến toàn bộ phần dưới cơ thể.
  • Sau đó, bạn có thể xoay nhẹ đầu gối, nâng gập chân từ từ kết hợp với siết các cơ bắp chân, cơ đùi để đôi chân trở lại linh hoạt như bình thường.
Ngồi khoanh chân có ưu và nhược điểm gì? Đây có phải tư thế tốt không 3
Không nên giữ nguyên tư thế ngồi khoanh chân quá lâu

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những tình huống bạn buộc phải ngồi khoanh chân. Đây vẫn là một tư thế ngồi đúng và mang đến những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên thay đổi tư thế thường xuyên để giảm tê bì chân hay cảm giác đau khớp, đau mắt cá chân do tì đè.

Không thể ngồi khoanh chân có sao không?

Việc bạn có thể dễ dàng ngồi khoanh chân thực chất là một tin vui vì điều đó chứng minh sức khỏe cơ, xương, khớp của bạn hoàn toàn bình thường. Ngược lại, nếu không thể khoanh chân, bạn có thể đang gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến: Cơ mông, dây thần kinh đệm, dân thần kinh cột sống, khớp gối, khớp cổ chân, cơ đùi, cơ bắp chân…

Vì vậy, nếu thấy mình gặp khó khăn trong việc ngồi ở tư thế khoanh chân, bạn nên lắng nghe cơ thể để tìm kiếm những dấu hiệu khác như sưng, đau, khó cử động đứng lên ngồi xuống… Và việc bạn cần làm ngay lúc này là đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để sớm tìm ra các vấn đề sức khỏe nếu có.

Ngồi khoanh chân có ưu và nhược điểm gì? Đây có phải tư thế tốt không 4
Ngồi khoanh chân đúng cách sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe

Tóm lại, ngồi khoanh chân không hoàn toàn có lợi cũng không hoàn toàn có hại. Nhưng ngồi khoanh chân quá lâu và quá thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề đau cơ xương khớp và là thói quen khiến chân cong mà chúng ta nên tránh. Thi thoảng ngồi khoanh chân và ngồi đúng cách sẽ giúp chúng ta đa dạng hóa chuyển động của đôi chân, của khớp hông. Và đừng quên, nếu cảm thấy bất kỳ triệu chứng khó chịu nào khi ngồi ở tư thế này hãy đi khám bác sĩ ngay bạn nhé!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm