Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có nguy hiểm không?

Ngày 01/10/2023
Kích thước chữ

Ngón tay bị sưng phù và ngứa nếu không được kiểm soát và điều trị có thể làm mất đi tính linh hoạt của tay, thậm chí dẫn đến liệt. Bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều gây đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân cần sớm nhận biết và điều trị khi phát hiện những triệu chứng lâm sàng để sớm phục hồi, hạn chế hậu quả đáng tiếc.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa là dấu hiệu của bệnh gì?

Tình trạng ngón tay bị sưng phù và ngứa tương đối phổ biến, đặc biệt là vào mùa đông. Hiện tượng này có thể là phản ứng bình thường của cơ thể dưới tác động của thời tiết nhưng cũng có thể là chỉ báo một số bệnh lý như sau:

Viêm khớp hoặc viêm khớp dạng thấp

Sưng và ngứa ở đầu ngón tay hoặc các khớp có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp ngón tay hoặc viêm khớp dạng thấp. Khi bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác nóng rát ở đầu các ngón tay. Khi viêm khớp nặng hơn, sụn khớp bị bào mòn, người bệnh sẽ bị đau đớn ngay cả khi không vận động tay chân.

Đây là bệnh cần điều trị để tránh biến chứng ảnh hưởng đến chức năng của tay. Việc luyện tập vật lý trị liệu và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể hỗ trợ điều trị bệnh.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có nguy hiểm không? 1
Viêm khớp khiến ngón tay bị sưng phù và ngứa

Ngón tay bị sưng phù và ngứa do hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý chèn ép dây thần kinh giữa, phổ biến hơn ở nữ giới. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay là: Ngứa ran, tê ở cổ tay và các ngón tay. Bệnh phát triển từ từ và có xu hướng nghiêm trọng dần lên theo thời gian.

Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng của tay, dẫn đến teo cơ hoặc tàn phế. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay khi nghi ngờ về dấu hiệu của bệnh.

Bệnh thần kinh ngoại biên khiến ngón tay sưng phù và ngứa

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể khiến ngón tay bị sưng phù và ngứa. Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh có liên quan đến bệnh tiểu đường. Bệnh này khiến lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương các dây thần kinh và ảnh hưởng đến tay, chân.

Sau đây là các dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra do bệnh tiểu đường:

  • Các ngón tay nhạy cảm hơn, đặc biệt là khi tiếp xúc.
  • Tê bì, mất cảm giác các ngón tay.
  • Ngón tay đau, yếu, run rẩy thường xuyên.
  • Khớp ngón tay bị sưng, ngứa.

Bệnh thần kinh ngoại biên có nguyên nhân do bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sưng ngứa ngón tay.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có nguy hiểm không? 2
Nhiều người lo lắng khi thấy ngón tay thường sưng phù và ngứa

Các bệnh lý về da gây sưng ngứa ngón tay

Các bệnh lý về da thông thường chỉ gây ngứa và nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, đôi khi mức độ của bệnh có thể nghiêm trọng hơn, gây sưng đỏ vùng da bị ảnh hưởng. Các bệnh lý phổ biến khiến ngón tay bị sưng phù và ngứa gồm:

  • Các bệnh viêm da;
  • Ngón tay bị nhiễm trùng;
  • Bệnh ghẻ;
  • Nhiễm virus Herpes, Felon hoặc Paronychia.

Sưng ngứa ngón tay do phù bạch huyết

Phù bạch huyết là tình trạng các chất lỏng bạch huyết (chứa chất thải, vi khuẩn hay virus) không thể thoát ra khỏi cơ thể. Khi đó, các chất lỏng tích tụ ở tay gây sưng phù và ngứa. Da sẽ căng hơn bình thường và người bệnh có thể bị sốt nhẹ.

Tình trạng phù bạch huyết có thể liên quan đến phẫu thuật hoặc xạ trị để chữa ung thư vú. Trong một số ít trường hợp, phù bạch huyết có thể xuất hiện do sự phát triển bất thường của hệ thống bạch huyết.

Tiền sản giật gây sưng ngứa ngón tay

Tiền sản giật là trạng thái sưng phù các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là mặt và đầu ngón tay ở phụ nữ mang thai. Đây là biến chứng thai kỳ do huyết áp cao và cần phải điều trị. Chậm điều trị có thể gây tổn thương gan và thận.

Theo các chuyên gia, tiền sản giật phổ biến ở thai phụ trên 40 tuổi và mang thai lần đầu. Tuy nhiên, tình trạng này cũng phổ biến ở những bà mẹ mang thai bị béo phì hoặc mang thai đôi, thai ba.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có nguy hiểm không? 3
Ngón tay bị sưng phù và ngứa có thể do bệnh lý về da

Sưng phù và ngứa ngón tay do bệnh Raynaud

Raynaud là tình trạng bệnh lý mà hệ thống động mạch của người bệnh bị thu hẹp. Bệnh thường gặp ở những người bị căng thẳng kéo dài. Người bị bệnh Raynaud bị sưng và ngứa ngón tay kèm theo thay đổi màu da, loét ngón tay.

Bệnh Raynaud có thể dẫn đến dị tật ngón tay, tắc nghẽn tuần hoàn máu, loét da hoặc hoại tử mô. Khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các vấn đề về gan, thận

Gan và thận đóng vai trò loại bỏ các chất độc hại, cặn bã không cần thiết cho cơ thể. Nếu các cơ quan này không khỏe, chất lỏng có thể tích tụ trong cơ thể và gây phù nề. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng phổ biến ở tay, khớp ngón tay, chân và mắt cá chân.

Viêm mô tế bào làm ngón tay sưng ngứa

Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng bề mặt da và các mô dưới da. Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh này là do vi khuẩn tụ cầu và liên cầu khuẩn. Bệnh này thường phát triển từ các vết thương hở và lây lan đến bàn tay, ngón tay do dòng máu mang vi khuẩn gây bệnh.

Viêm mô tế bào có thể khiến ngón tay bị sưng, ngứa và mềm khi chạm vào. Đôi khi cử động ngón tay cũng có thể gây đau đớn. Bệnh nhân cần điều trị để tránh nhiễm trùng sâu vào kết cấu da, gây hoại tử mô.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa có nguy hiểm không? 4
Viêm mô tế bào có thể gây đau ngay cả khi cử động ngón tay

Biện pháp xử lý khi ngón tay bị sưng phù và ngứa

Để biết chính xác nguyên nhân làm sưng ngứa ngón tay, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán. Các biện pháp xử lý sau có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ngón tay bị sưng và ngứa:

  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng có độ pH thấp hoặc xà phòng có nguồn gốc tự nhiên.
  • Lau khô tay bằng khăn sạch sau khi tiếp xúc với nước hoặc rửa tay.
  • Ngâm ngón tay trong nước mát hoặc chườm lạnh sẽ giúp giảm ngứa và hạn chế sưng, đau.
  • Hạn chế dùng các sản phẩm chăm sóc da có thể gây kích ứng, sản phẩm có mùi thơm hoặc màu hóa học.
  • Khi tiếp xúc với hóa chất hoặc khi thời tiết lạnh, khô, bạn cần đeo găng tay.
  • Dưỡng ẩm thường xuyên với kem dưỡng da tay. Để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất, bạn nên tham vấn bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn.

Khi bệnh nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm sau khi tự khắc phục tại nhà, người bệnh nên đi khám. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết và kê thuốc như:

  • Thuốc kháng sinh;
  • Thuốc kháng nấm;
  • Corticosteroid để thoa ngoài da;
  • Thuốc ức chế miễn dịch.

Ngón tay bị sưng phù và ngứa nếu không được kiểm soát và điều trị có thể dẫn đến bị liệt hoặc mất đi tính linh hoạt. Do đó, bạn cần cảnh giác và tìm hiểu ngay nguyên nhân khi phát hiện dấu hiệu này. Trong trường hợp cần thiết, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra liệu trình điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

Ngứa đầu ngón tay ngón chân: Nguyên nhân và cách chữa trị

Làm gì khi đầu ngón tay bị sưng và có mủ?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin