Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Covid-19 đã được WHO công nhận là một đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận là hơn 11 triệu bệnh nhân và rất nhiều bệnh nhân Covid-19 lo lắng về vấn đề tái nhiễm. Vậy người mới khỏi Covid có bị nhiễm lại không? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Do đó, rất nhiều người bệnh lo ngại về vấn đề mới khỏi Covid có bị nhiễm lại không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn, đồng thời cung cấp một vài thông tin quan trọng về việc tái nhiễm Covid-19.
Nhiều người sau khi bị Covid-19 thường nghĩ rằng mình đã có kháng thể mạnh và đã tiêm đủ ba liều vắc xin nên sẽ không lo bị nhiễm lại trong vòng 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có khá nhiều trường hợp sau khi điều trị khỏi Covid-19 bị nhiễm lần thứ hai chỉ hơn một tháng sau.
Tái nhiễm Covid-19 là khi người bệnh đã khỏi Covid-19 nhưng sau đó lại mắc bệnh lần nữa. Khả năng đáp ứng miễn dịch ở mỗi người là khác nhau. Một số người có thể duy trì miễn dịch bảo vệ khá lâu sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, một số khác có thể trải qua sự giảm nhanh nồng độ kháng thể bảo vệ, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm nhanh hơn.
Ngay sau khi khỏi bệnh, tỷ lệ người bệnh Covid-19 tái nhiễm là khá thấp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Tỉ lệ tái nhiễm sẽ tăng nếu tiếp xúc gần với các F0 đang trong thời kỳ ủ bệnh hoặc đang điều trị, chẳng hạn như ăn uống chung hoặc trò chuyện không đeo khẩu trang.
Trong tháng đầu tiên sau khi khỏi bệnh, khả năng tái nhiễm là dưới 2% do cơ thể đã sản sinh ra kháng thể để phòng ngừa. Tuy nhiên, không nên chủ quan. Người vừa khỏi bệnh vẫn cần hạn chế tiếp xúc gần nơi đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên.
Cho đến nay, Covid-19 đã liên tục biến đổi theo thời gian và xuất hiện nhiều biến thể như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron... Một người dù đã nhiễm chủng này vẫn có thể bị nhiễm chủng khác. Các triệu chứng trong lần tái nhiễm có thể nhẹ hơn hoặc nặng hơn so với lần đầu, tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được một người có thể tái nhiễm Covid-19 bao nhiêu lần. Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng Covid-19 sẽ tương tự như bệnh cúm, có khả năng tái nhiễm nhiều lần và tiêm vắc xin một lần sẽ không thể bảo vệ suốt đời.
Tình trạng của người bệnh tái nhiễm Covid-19 có nặng hơn lần trước hay không phụ thuộc vào biến chủng bị nhiễm, khả năng miễn dịch của cơ thể, khoảng cách giữa các lần nhiễm Covid-19 và tình trạng bệnh nền của bệnh nhân. Vì vậy, vẫn có một tỷ lệ nhất định người bệnh gặp biến chứng nghiêm trọng khi tái nhiễm Covid-19.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tái nhiễm Covid-19 nhiều lần gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Các nhà khoa học phát hiện rằng so với người không tái nhiễm, bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có nguy cơ nhập viện hoặc tỷ lệ tử vong cao hơn do nhiều nguyên nhân. Mỗi lần nhiễm Covid-19 tiếp theo sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, suy nội tạng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Rủi ro này rõ ràng hơn ở những người chưa được tiêm chủng hoặc đã tiêm một hoặc hai liều vắc xin trước khi tái nhiễm.
Mặt khác, việc cơ thể liên tục kích hoạt các phản ứng miễn dịch khi bị tái nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, dù tái nhiễm Covid-19 có thể không gây ra các triệu chứng nặng, nguy cơ Covid-19 kéo dài hoặc hậu Covid-19 vẫn tương tự như lần đầu. Càng nhiễm nhiều lần, nguy cơ mắc hậu Covid-19 càng cao.
F0 tái nhiễm thường có các triệu chứng nhẹ hơn so với những người chưa từng tiêm vắc xin Covid-19 khi nhiễm bệnh lần đầu, tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp trở nặng. Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
Đối với những người có triệu chứng nhẹ, chỉ cần điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Cụ thể hơn, người bệnh cần theo dõi các chỉ số bao gồm nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 hoặc các triệu chứng như mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh… Nếu có tiến triển xấu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được theo dõi. Ngoài ra, trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh cũng nên vận động nhẹ nhàng và đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để rút ngắn thời gian khỏi bệnh.
Đối với những người nhạy cảm có nguy cơ trở nặng, cần được điều trị tại bệnh viện theo cơ chế bệnh sinh dựa trên từng tổn thương cụ thể và sẽ áp dụng các biện pháp hồi sức khi xảy ra trường hợp nguy kịch.
Dưới đây là một vài hướng dẫn giúp bạn hạn chế nguy cơ tái nhiễm Covid-19:
Rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn: Rửa tay kỹ với xà phòng trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, sử dụng phòng tắm, sau khi trở về từ bên ngoài, sau khi sử dụng điện thoại, laptop, và các vật dụng thường xuyên cầm nắm trong nhà… Đảm bảo làm sạch bằng xà phòng lên đến cổ tay, các kẽ ngón tay, dưới móng tay khi rửa.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài: Bạn nên đeo khẩu trang tại những nơi đông người như siêu thị. Điều này giúp giảm nguy cơ lây lan virus qua đường hô hấp khi nói chuyện, ho, hoặc hắt hơi. Khi đeo khẩu trang, tránh chạm vào và điều chỉnh liên tục, vì bạn có thể truyền virus từ tay lên khẩu trang.
Dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh môi trường sống: Vệ sinh các bề mặt cứng trong nhà như tay nắm cửa, bồn rửa và mặt bàn, đồ nội thất, thiết bị điện tử và đồ chơi, sử dụng dung dịch khử trùng có chứa cồn một vài lần mỗi ngày. Đừng quên lau chùi cả những bề mặt mà bạn đã đặt các vật phẩm từ bên ngoài mang về nhà lên trên.
Vệ sinh vòm họng: Hầu hết virus, bao gồm cả Covid, thường xâm nhập qua đường mũi và họng. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, virus Covid-19 có khả năng nhân lên độc lập trong thanh quản của người nhiễm rồi lan sang cơ thể và lây lan nhanh chóng cho người khác. Do đó, vệ sinh vòm họng là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm.
Tập luyện thể dục thể thao: Tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, tăng cường sức đề kháng và sự bền bỉ của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch. Tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện sự lưu thông máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Đảm bảo dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày: Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và đủ chất dinh dưỡng làm tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp năng lượng và chất xây dựng cho cơ thể phục hồi và cải thiện sức đề kháng.
Hy vọng với những thông tin được đề cập trong bài viết đã giúp bạn trả lời được câu hỏi người bệnh mới khỏi Covid có bị nhiễm lại không. Mặc dù Covid-19 đã trôi qua được vài năm nhưng những hậu quả mà Covid-19 để lại là lâu dài. Hãy luôn thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ của bản thân để hạn chế nguy cơ tái nhiễm Covid-19.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.