Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh nền là gì? Những điều cần lưu ý khi mắc bệnh nền

Ngày 31/10/2022
Kích thước chữ

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, chúng ta thường nghe nhắc đến bệnh nền cũng như nguy cơ diễn biến nặng đối với người có bệnh nền khi mắc Covid-19. Vậy bệnh nền là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Ở những người có bệnh lý nền, sức đề kháng cũng như hệ thống miễn dịch yếu nên sẽ dễ bị vi khuẩn-virus tấn công. Mặt khác, việc điều trị cho những người có bệnh nền thường sẽ kéo dài, diễn biến bệnh cũng phức tạp hơn so với người khỏe mạnh. Vậy bệnh nền là gì?

Bệnh nền là gì?

Bệnh nền hay chính xác hơn là tình trạng y khoa nền (underlying medical condition), có thể được hiểu là những vấn đề về sức khỏe đã có sẵn. Do đó khái niệm về bệnh nền rất rộng, không chỉ bao gồm các bệnh lý mạn tính mà còn có cả các khuyết tật, thói quen có hại cho sức khỏe. 

Nhìn chung, khi người có bệnh nền mắc một bệnh cấp tính nào đó đều có nguy cơ tiến triển nặng hơn người khỏe mạnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm virus như Covid-19. 

Bệnh nền là gì?"Bệnh nền là gì?" là thắc mắc của rất nhiều người.

Theo quyết định số 4038/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế đã ban hành danh mục các bệnh nền nếu người dân mắc 1 trong số những bệnh này sẽ có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19.

Vậy bệnh nền là những bệnh gì? dưới đây là danh mục 20 bệnh nền gồm có:

  • Tiểu đường, cả type 1 và type 2;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác như tăng áp phổi, giãn phế quản, bệnh phổi nghề nghiệp… và cả bệnh phổi sau lao;
  • Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác). Người có bệnh lý ác tính đang trong thời kỳ hóa trị có sức đề kháng kém và thường diễn tiến nặng nếu bị nhiễm khuẩn;
  • Bệnh thận mạn tính ở tất cả các giai đoạn đặc biệt là trường hợp phải lọc máu định kỳ;
  • Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Đa số người được ghép tạng phải dùng thuốc chống thải ghép hằng ngày, đó thường là các thuốc ức chế miễn dịch nên ảnh hưởng đến sức đề kháng;
  • Béo phì, thừa cân không phải là một tình trạng bệnh lý nhưng cũng làm gia tăng rõ rệt nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc các bệnh cấp tính;
  • Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim);
  • Bệnh lý mạch máu não. Các bệnh lý cấp tính làm rối loạn chức năng đông máu như Covid-19 hay sốt xuất huyết có thể làm nặng thêm bệnh lý mạch máu não và gây ra những biến chứng nghiêm trọng;
  • Hội chứng Down;
  • HIV/AIDS, đặc biệt người bệnh ở giai đoạn AIDS;
  • Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ) thường khiến cho người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc, phòng chống bệnh tật;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác;
  • Hen phế quản dù đang được kiểm soát tốt vẫn có khả năng vào cơn nếu mắc viêm nhiễm ở phổi;
  • Tăng huyết áp dù đang được điều trị ổn định có thể trở nên bất ổn khi có thêm bệnh lý cấp tính;
  • Thiếu hụt miễn dịch;
  • Bệnh gan;
  • Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện;
  • Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác;
  • Các bệnh hệ thống;
  • Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh - mắc phải.

Cách chăm sóc người mắc bệnh nền là gì?

Đến đây hẳn bạn đã có có khái niệm bệnh nền là gì rồi. Bệnh nền có thể làm nặng thêm bệnh cấp tính và ngược lại hoặc thuốc điều trị bệnh nền tương tác làm giảm tác dụng thuốc chữa bệnh cấp tính. Do đó, ngoài những biện pháp phòng ngừa bệnh hàng ngày, những người mắc bệnh nền cần phải đặc biệt tuân thủ những điều lưu ý sau:

  • Cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mãn tính của mình;
  • Luôn mang theo các loại thuốc bệnh mãn tính trong người, ít nhất đủ dùng cho 30 ngày;
  • Trao đổi về tình trạng bệnh lý nền của bản thân thường xuyên hơn với bác sĩ, liên hệ cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường;
  • Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ khoảng cách 2m ở những khu vực tập trung;
  • Đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm và viêm phổi để hạn chế tình trạng xấu đi như trong trường hợp nhiễm Covid-19.
Cách chăm sóc người bệnh nền Người có bệnh nền cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, bệnh mãn tính của mình.

Thực dưỡng cho người mắc bệnh nền

Bên cạnh việc phải điều trị bệnh tích cực, người có bệnh nền còn cần phải áp dụng chế độ dinh dưỡng bệnh lý cũng như xây dựng cho mình một lối sống tích cực.

Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng chung cho những người mắc bệnh nền:

Bệnh suy thận

Trường hợp bị suy thận, kiêng ăn quá nhiều thức ăn giàu canxi, giàu đạm (nghêu, sò, tôm, cua..), hạn chế ăn mặn để tránh cho cơ thể bị giữ nước, tăng gánh nặng cho thận. Ngoài ra, cần tránh ăn ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ…); thực phẩm giàu phốt pho (phomat, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).

Uống nhiều nước để giúp thận lọc chất độc, cặn bã ra ngoài. Tuy nhiên, bệnh nhân ở giai đoạn suy thận nặng thì hạn chế uống nước để giảm áp lực cho thận và không dùng nhiều đồ uống lợi tiểu.

Thực dưỡng cho người mắc bệnh nền suy thận Người có bệnh nền suy thận cần kiêng thức ăn giàu canxi.

Bệnh tăng huyết áp

Ở bệnh nhân tăng huyết áp, nếu không thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý thì việc dùng thuốc hạ huyết áp sẽ không đạt hiệu quả. Chế độ ăn phải cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ăn ít natri, giàu kali, calci, magie, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu, giảm acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo, giảm chất kích thích…

Tránh ăn thực phẩm nhiều cholesterol, chẳng hạn như óc, lòng, tim, gan, thận,…tránh uống rượu bia, các thức uống có cồn…

Thay vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín, các thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật, gạo lật nẩy mầm, cá hồi, cá thu vài bữa/tuần; dùng dầu mỡ từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương…

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Người mắc bệnh tiểu đường nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để sử dụng. Bên cạnh đó, kiểm soát chế độ ăn uống để duy trì đường huyết ổn định, tránh các thức ăn làm tăng đường huyết. 

Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đường, các món ăn chiên rán, món xào, nghiện rượu. Nếu không sẽ khiến bệnh nặng hơn, gây nhiều biến chứng như suy thận, tăng huyết áp, suy tim

Thực dưỡng cho người mắc bệnh nền tiểu đường Người mắc tiểu đường nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, chiên xào...

Thực phẩm nên ăn như các loại thịt, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải; các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt. 

Thực phẩm nên hạn chế là các hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu Hà Lan). Ngoài ra, không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng các loại bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều như mít khô, vải khô, nhãn khô. Riêng gạo thì ăn với số lượng khống chế theo tư vấn của bác sĩ.

Bệnh gout

Người có bệnh gout (gút) cần xây dựng chế độ ăn thích hợp, vừa có thể giúp giảm tổng hợp axit uric vừa tăng đào thải axit uric qua thận. 

  • Nên chọn thức ăn ít chứa nhân purin, chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả… với số lượng vừa phải. 
  • Nên hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, nội tạng, bầu dục, đậu đỗ…
  • Kiêng không uống rượu, bia, cà phê,... vì các thức uống này sẽ làm giảm khả năng bài xuất axit uric qua thận dẫn đến làm tăng lactat máu.
  • Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, việc giảm cân (nếu có) cũng phải tiến hành từ từ. 
Thực dưỡng cho người mắc bệnh nền gout Bệnh lý nền khác nhau sẽ cần được thiết lập chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được bệnh nền là gì cũng như cách chăm sóc người có bệnh nền ra sao rồi. Mỗi bệnh nhân có bệnh lý nền khác nhau sẽ cần được thiết lập chế độ dinh dưỡng khác nhau. Ngoài việc khám sức khỏe định kỳ, điều trị theo phác đồ của bác sĩ người có bệnh nền còn phải chú ý giữ vững tinh thần lạc quan, không hoang mang, lo lắng hay suy nghĩ tiêu cực khiến bệnh trở nên trầm trọng.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.