Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?
Ngày 28/04/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường khá lo lắng vì sẽ làm suy giảm tuổi thọ. Vậy tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh và giải đáp thắc mắc trên.
Với các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2, vấn đề tuổi thọ luôn là nỗi lo lắng ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Không ít người luôn thường trực câu hỏi liệu tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu và làm thế nào để gia tăng tuổi thọ? Thực ra, điều này không hoàn toàn quá khó nếu bạn tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, kiểm soát chế độ ăn khoa học và sinh hoạt điều độ.
Tiểu đường tuýp 2 là bệnh gì?
Tiểu đường type 2 còn có tên gọi khác là bệnh đái tháo đường type 2. Lý giải trên góc độ khoa học, đây là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate, dẫn đến tình trạng cơ thể không thể tạo ra hoặc sử dụng tốt insulin. Insulin được hiểu là “cầu nối” đưa glucose vào bên trong tế bào để tế bào sử dụng và sản sinh ra năng lượng cho cơ thể.
Khi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2 có nghĩa là người bệnh đang đứng trước những nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe. Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu không điều trị đúng cách, bệnh rất dễ xảy ra các biến chứng như:
Bệnh tim và động mạch: Khi thiếu hụt Insulin sẽ làm xuất hiện các mảng bám trong động mạch, làm chậm lưu lượng máu, từ đó làm tăng nguy cơ đông máu, gây xơ vữa động mạch, khiến người bệnh dễ bị rối loạn nhịp tim hoặc đột quỵ.
Biến chứng thận: Đây là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh suy thận hiện nay.
Tổn thương ở mắt: Lượng glucose trong máu cao làm tăng nguy cơ làm hỏng các mạch máu nhỏ vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến võng mạc, ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.
Tổn thương dây thần kinh ngoại biên: Khi xuất hiện biến chứng này, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ran, tê, đau, nhất là ở ngón tay, bàn tay, ngón chân hoặc bàn chân.
Biến chứng răng lợi: Lượng đường trong máu cao tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra mảng bám, dẫn đến sâu răng, sưng nướu.
Biến chứng trong thai kỳ: Với phụ nữ mang thai mắc tiểu đường tuýp 2, lượng đường trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, phòng ngừa tiểu đường thai kỳ là việc làm cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?
Ngoài những biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân tiểu đường còn đứng trước nguy cơ bị sụt giảm về tuổi thọ. Vậy tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu? Thực ra, không có bất kỳ một đáp án chính xác nào cho câu hỏi trên, bởi con số tuổi thọ tăng hay giảm, nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cách từng người đối diện bệnh và tìm cách “làm chủ” bệnh. Nếu so sánh với tiểu đường tuýp 1 thì người mắc tiểu đường tuýp 2 phần lớn có tuổi thọ kéo dài hơn và cũng không quá ít so với người có sức khỏe bình thường.
Do đó, khi bác sĩ chẩn đoán bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn không nên quá lo lắng và phải bình tĩnh để tìm hiểu về bệnh, từ đó hiểu bản thân cần làm gì để đối phó với bệnh và gia tăng tuổi thọ.
Thực tế, những người chủ động đến các cơ sở y tế để xét nghiệm đường huyết định kỳ, phát hiện bệnh sớm và có những giải pháp kiểm soát bệnh hiệu quả thì tuổi thọ vẫn không còn là vấn đề đáng lo ngại. Vì thế, bạn không nên lấy tuổi thọ của bất kỳ một bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nào để làm thước đo cho tuổi thọ của mình nếu được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Thái độ tích cực, lối sống lành mạnh chính là “chìa khóa” quyết định, nắm giữ chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Người tiểu đường tuýp 2 cần làm gì để tăng tuổi thọ?
Vậy người tiểu đường tuýp 2 cần thực hiện các giải pháp như thế nào để kéo dài tuổi thọ? Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài tinh thần lạc quan, người bệnh cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và không cần lo lắng đến việc suy giảm tuổi thọ:
Điều chỉnh lối sống
Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người mắc tiểu đường tuýp 2 kiểm soát đường hiệu quả. Bạn nên áp dụng các chế độ như sau:
Chế độ ăn uống: Bạn nên tham khảo thật kỹ các chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường, giảm thực phẩm chứa đường như cơm, bún, miến, nước ép trái cây, kẹo… Đồng thời chú ý ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu để tránh tăng lượng đường huyết nhé!
Chế độ tập luyện: Bên cạnh việc ăn uống, bạn cũng nên thực hiện chế độ tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp, vừa giúp duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân, béo phì vừa giữ tinh thần thoải mái.
Chỉ định của bác sĩ: Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị đó là bạn phải tuyệt đối tuân thủ và phối hợp tốt cùng bác sĩ. Bởi thực tế, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi lượng đường trong máu và quá trình xử lý để tránh biến chứng.
Kiểm soát các bệnh lý khác
Như thông tin đã nêu ở trên, những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 rất dễ gặp phải nhiều biến chứng. Do đó, trong quá trình điều trị, bạn cần phải kiểm soát tốt các bệnh lý mắc kèm. Nếu bạn thường xuyên bị huyết áp cao, gặp vấn đề về thận hay đau tim, bạn nên trao đổi với bác sĩ để sớm tìm ra phương án giải quyết, tránh các rủi ro.
Như vậy, với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng như giải đáp được băn khoăn “tiểu đường tuýp 2 sống được bao lâu?”. Bạn hoàn toàn có thể làm chủ được bệnh nếu tinh thần thoải mái và có sự điều chỉnh hợp lý trong chế độ sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, thay vì lo lắng hãy đối diện với bệnh để tìm ra cách giải quyết hợp lý bạn nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.