Nguyên nhân chóng mặt khi mang thai và cách khắc phục hiệu quả nhất
Ngày 25/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Chóng mặt khi mang thai là hiện tượng thường gặp ở các mẹ bầu. Vậy nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này và cách khắc phục hiệu quả nhất là gì? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Chóng mặt khi mang thai là một hiện tượng có thể xuất hiện trong thai kỳ. Hiện tượng này có thể chỉ xuất hiện trong một số giai đoạn nhất định nhưng cũng có thể xuất hiện trong suốt thời gian mang bầu. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt khi mang thai và cách khắc phục như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời chi tiết nhất.
Bà bầu thường bị chóng mặt ở giai đoạn nào?
Thông thường, đa số mẹ bầu gặp tình trạng chóng mặt khi mang thai ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Hầu hết thai phụ sẽ phải trải qua tình trạng ốm nghén và buồn nôn trong thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Những triệu chứng này làm giảm lượng đường trong máu và gây mất cảm giác ngon miệng, khiến bà bầu mệt mỏi, chán ăn từ đó gây thấy chóng mặt và buồn ngủ. Tuy nhiên, có những trường hợp, mẹ bầu bị chóng mặt trong suốt thai kỳ. Điều này xảy ra khi em bé phát triển nhanh và gây áp lực lên các mạch máu.
Một số nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai
Tùy vào từng giai đoạn mang thai, mà các cơn chóng mặt có thể phát sinh do những nguyên nhân khác nhau. Hiện tượng này chủ yếu do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ, gây giãn nở các mạch máu và hạ đường huyết. Đây chính là nguyên nhân khiến mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy chóng mặt và choáng váng. Nếu hiện tượng chóng mặt xuất hiện trong 3 tháng cuối thai kỳ chủ yếu là do lượng máu trong cơ thể mẹ tăng 30 - 50% để nuôi thai nhi gây tăng huyết áp và mẹ sẽ cảm thấy chóng mặt.
Ngoài các nguyên nhân đã nêu trên, tình trạng hoa mắt chóng mặt khi mang thai còn có thể do:
Mẹ bầu gặp tình trạng chán ăn, mất nước gây thiếu hụt dưỡng chất và lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Một số mẹ bầu có thể gặp tình trạng tiền sản giật đe dọa sức khỏe mẹ và thai nhi.
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, khi thai đã lớn và mẹ bầu nằm ngửa, áp lực lên mạch máu làm cản trở lưu thông máu, dẫn đến tình trạng chóng mặt.
Các hành động như ho, đi tiểu, và đi tiêu nhiều lần cũng có thể làm giảm huyết áp và khiến mẹ chóng mặt.
Khi mang thai, nhu cầu máu của mẹ tăng cao để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi, tuy nhiên lượng hemoglobin không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến chóng mặt, hoa mắt và mệt mỏi.
Cách khắc phục tình trạng chóng mặt khi mang thai
Nếu đột nhiên mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, đầu óc choáng váng, cần thực hiện ngay những việc dưới đây để khắc phục hiệu quả:
Mở cửa sổ, cửa ra vào để không khí được thông thoáng.
Mẹ bầu hãy tranh thủ nằm xuống và nên nằm nghiêng về phía bên trái giúp cải thiện lưu thông máu lên não. Từ đó giúp xoa dịu bớt cơn chóng mặt và mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Mẹ bầu nên ngồi với tư thế cúi đầu vào khoảng giữa hai đầu gối cho đến khi cảm thấy đỡ hơn, mẹ có thể đứng dậy từ từ. Tuy nhiên mẹ cần nhớ rằng, phải đứng lên từ từ và không được chuyển động đột ngột vì có thể khiến tình trạng hoa mắt chóng mặt nặng nề hơn, thậm chí gây té ngã rất nguy hiểm.
Mẹ bầu hãy cố gắng uống một cốc nước lọc, nước trái cây hoặc ăn nhẹ một chút bánh ngọt để có thêm năng lượng và cải thiện tình trạng hoa mắt chóng mặt.
Nếu có thể, mẹ bầu nên tắm khi cảm thấy cơ thể trong trạng thái lâng lâng, việc làm này giúp cơ thể và tinh thần sảng khoái hơn.
Biện pháp phòng ngừa chóng mặt khi mang thai
Tình trạng chóng mặt trong thai kỳ khiến mẹ vô cùng mệt mỏi và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, mẹ bầu hãy áp dụng một vài biện pháp dưới đây:
Hạn chế đứng quá lâu trong một thời gian dài, thay vào đó, bạn nên ngồi nhiều để hạn chế chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột.
Khi đang ngồi, mẹ bầu nên đứng lên từ từ, không được đứng dậy đột ngột.
Tuy việc ngồi sẽ tốt hơn đứng nhưng mẹ bầu cũng không nên ngồi một chỗ quá lâu mà thỉnh thoảng hãy đứng dậy và vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu.
Mẹ bầu không nên nằm ngửa trong 6 tháng cuối thai kỳ, thay vào đó hãy nằm nghiêng bên trái sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nhằm đảm bảo đủ năng lượng, tránh hạ đường huyết vì nó gây chóng mặt, choáng váng. Trong khẩu phần ăn bạn cũng nên hạn chế chất béo, tinh bột, thực phẩm quá mặn hoặc ăn quá ngọt…
Uống đủ nước để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước, tránh mất nước, nhất là khi mẹ bầu bị ốm nghén.
Mẹ bầu nên lựa chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, không nên mặc quần áo bó.
Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về các nguyên nhân khiến bà bầu bị chóng mặt khi mang thai và cách khắc phục. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích và có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai tốt nhất. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết sức khỏe mới nhất nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm