Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu về về bệnh lý COPD: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 18/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lý COPD đặc trưng bởi sự thu hẹp dần đường thở, dẫn đến tắc nghẽn, gây khó thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên thế giới. Tuy nhiên lại có rất ít người có kiến thức về bệnh lý này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các kiến thức về bệnh COPD là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi là bệnh COPD, bệnh đặc trưng bởi sự thu hẹp dần và dẫn đến tắc nghẽn vĩnh viễn đường thở. Hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến COPD đó là hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể phòng ngừa, khôi phục và cải thiện cuộc sống cho người bệnh. Để hiểu rõ hơn bệnh COPD là gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý COPD, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh COPD là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD) là bệnh lý viêm niêm mạc đường thở mạn tính, gây ra tình trạng hẹp đường thở, suy giảm chức năng thông khí ở phổi, khiến người bệnh cảm thấy khó thở và có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp.

Các tổn thương ban đầu chủ yếu tập trung ở những nhánh nhỏ của phế quản, có đường kính dưới 2 mm và ở nhu mô phổi. Bệnh có thể được điều trị để làm chậm tiến triển bệnh nếu phát hiện ở những giai đoạn sớm, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

benh-copd-la-gi-tong-quan-ve-benh-ly-copd 1.jpg
COPD là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD được chia thành hai dạng chính:

  • Viêm phế quản mạn tính: Đặc trưng bởi tình trạng viêm ở lớp niêm mạc của các ống phế quản. Các lớp lót bên trong của phế quản phổi xuất hiện tình trạng sưng tấy, đỏ, đầy dịch nhầy và cũng chính các chất nhầy này là nguyên nhân dẫn đến hẹp đường thở.
  • Khí phế thũng: Bệnh lý gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương trong thời gian dài trở nên suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ thành không gian lớn hơn, khiến cho diện tích bề mặt phổi bị giảm đi, từ đó cũng làm giảm bớt lượng oxy đi vào máu để cung cấp cho các cơ quan.

Theo các nghiên cứu, COPD là bệnh lý rất phổ biến và đây cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh ở khoa hô hấp. Hơn thế nữa, tỷ lệ mắc bệnh COPD trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu được thống kê do nhiều người không có thói quen khám sức khỏe, chủ quan không đi khám khi có dấu hiệu.

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý hô hấp khác cho đến khi xuất hiện tình trạng tổn thương phổi. Bệnh thường trầm trọng theo thời gian và đặc biệt là khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc khói thuốc. Một số dấu hiệu ban đầu của COPD bao gồm:

  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi hoạt động thể chất, vận động mạnh;
  • Tức ngực;
  • Thở khò khè;
  • Ho, ho có đờm và thường kéo dài;
  • Thiếu năng lượng;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Sưng phù ở chân, mắt cá chân, bàn chân;
  • Có sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh…

Bệnh cạnh các triệu chứng bệnh mạn tính, người bệnh đôi khi cũng có khả năng xuất hiện các đợt cấp với biểu hiện của các triệu chứng hô hấp trở nên tồi tệ hơn và kéo dài trong vài ngày. Đợt cấp COPD là tình trạng biến đổi cấp tính của các triệu chứng hô hấp, từ ổn định chuyển sang xấu đột ngột, đòi hỏi cần có sự điều trị đặc biệt hơn các biện pháp điều trị thường quy ở bệnh nhân COPD. Một số trường hợp nặng phải nhập viện để hỗ trợ thở máy, điều trị bằng kháng sinh, corticoid… hay nghiêm trọng hơn là giảm sút chức năng hệ hô hấp, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Ở những giai đoạn ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, người bệnh thường chủ quan cho rằng đây chỉ là những cơn ho, khạc đờm do những bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Tuy nhiên, càng về sau cơn khó thở xuất hiện càng thường xuyên hơn và ở những giai đoạn cuối người bệnh sẽ cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi trên giường.

benh-copd-la-gi-tong-quan-ve-benh-ly-copd 2.jpg
Các triệu chứng bệnh không đặc trưng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp thông thường

Nguyên nhân gây bệnh COPD

Người ta chia các nguyên nhân dẫn đến bệnh COPD thành hai yếu tố chính:

  • Yếu tố nội tại bao gồm các tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen, chẳng hạn như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin;
  • Yếu tố ô nhiễm môi trường chẳng hạn như khói bụi, khói thuốc lá, khí thải độc hại, khí độc công nghiệp…

Trong đó, hơn 90% các trường hợp mắc bệnh có thói quen hút thuốc lá. Người ta ước tính, khoảng 20 - 30% số người hút thuốc với số lượng trên 20 điếu thuốc mỗi ngày sẽ xuất hiện các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.

Đối với các cơn cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu có thể do tiếp xúc với bụi bẩn nghề nghiệp, tỷ lệ mắc phải là khoảng 10%. Một số đối tượng như công nhân xây dựng, thợ mỏ, thợ dệt, công nhân làm việc lại các xưởng luyện kim, nông dân… thường xuyên phải tiếp xúc với những yếu tố gây kích thích với phế quản, làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD.

benh-copd-la-gi-tong-quan-ve-benh-ly-copd 3.jpg
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh lý COPD

Điều trị COPD như thế nào?

Tổn thương phổi do COPD gây ra là vĩnh viễn, nhưng điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của tình trạng này. Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc: Nguyên nhân chính gây ra bệnh COPD là hút thuốc lá. Do đó, việc ngừng hút thuốc chính là điều quan trọng nhất người bệnh cần thực hiện để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Sử dụng thuốc và ống hít: Có rất nhiều thuốc giúp cải thiện tình trạng hô hấp giúp thở dễ dàng hơn. Các thuốc giãn phế quản và corticoid sẽ được các bác sĩ lựa chọn và kê đơn cho người bệnh.
  • Kháng sinh: Bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh khi người bệnh có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn ở phế quản phổi.
  • Các thuốc hỗ trợ: Long đờm, dinh dưỡng, điều trị các bệnh đồng mắc giúp người bệnh nhanh cải thiện triệu chứng hơn.
  • Thở oxy, thở máy: Đối với các trường hợp COPD nặng, người bệnh sẽ được thở oxy hoặc thở máy hỗ trợ ít nhất 15 giờ mỗi ngày để cải thiện khả năng sống sót.
  • Phục hồi chức năng phổi: Một chương trình chuyên biệt về tập thể dục, tập thở, tập ho hiệu quả, vỗ rung và giáo dục sức khoẻ. Hoạt động thể chất thường xuyên và phù hợp là điều cần thiết để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Trên đây là thông tin liên quan đến bệnh COPD là gì. COPD là bệnh lý mạn tính nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng, nặng dần và dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Mặc dù hiện tại chưa có biện pháp để điều trị dứt điểm hoàn toàn bệnh lý này, tuy nhiên vẫn có những biện pháp để kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng bệnh, giảm đến mức tối thiểu sự ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chính vì thế, việc chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, quan tâm đến tình trạng cơ thể của chính bản thân mình để có thể sớm phát hiện bệnh lý COPD ở giai đoạn đầu, nâng cao khả năng điều trị bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin