Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh mà cha mẹ cần biết
Ngày 07/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Vào mùa lạnh, khí hậu và độ ẩm thay đổi đột ngột là một trong những yếu tố gây nên bệnh hen suyễn, đặc biệt là đối với trẻ em. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về bệnh hen suyễn cũng như cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh nhé.
Trẻ em có khả năng thích ứng với những biến đổi thời tiết chậm hơn người trưởng thành vì vậy khi trời chuyển lạnh trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh hen suyễn. Cha mẹ cần biết cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe của con.
Hen suyễn ở trẻ em là bệnh gì?
Bệnh hen suyễn hay còn được gọi là bệnh hen phế quản, đây là một trong những bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em. Hen suyễn ở trẻ em là tình trạng đường thở của trẻ bị viêm mạn tính dẫn đến tăng phản ứng với các tác nhân gây ra co thắt đường thở, phù nề và tăng tiết đờm. Vì đường thở của trẻ bị hạn chế nên luồng khí dẫn vào phổi bị hạn chế gây ra các triệu chứng hen như khó thở, thở khò khè, ho tái diễn hoặc nặng tức ngực.
Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh là bệnh hô hấp khá phổ biến, bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Thời tiết thay đổi hoặc thời điểm giao mùa từ mùa thu sang mùa đông: Đây là thời điểm thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ trong môi trường giảm khiến không khí trở nên ẩm ướt, cơ thể của trẻ chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này khiến trẻ dễ mắc bệnh hen suyễn.
Yếu tố di truyền từ gia đình: Trong trường hợp người thân trong gia đình như cha, mẹ, ông, bà,... từng mắc bệnh hen suyễn thì khả năng trẻ bị bệnh hen suyễn cao hơn so với những trẻ em khác.
Do cơ địa của trẻ: Trẻ bị chàm sữa, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản co thắt,... là những yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh hen suyễn.
Trẻ tiếp xúc với lông chó, mèo, bụi, phấn hoa, khói thuốc,... cũng là những nguyên nhân khiến bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh khởi phát.
Dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh
Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh là căn bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng, khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết của bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh?
Những dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh thường gặp mà cha mẹ cần lưu ý bao gồm:
Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, thở dốc, thở gấp, thở ngắt quãng, thở khò khè, hơi thở không đều. Đặc biệt khi trời trở lạnh vào giữa đêm hoặc sáng sớm, triệu chứng hen suyễn xuất hiện khiến trẻ khó thở, khó chịu, cản trở giấc ngủ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi thời tiết chuyển lạnh, trẻ thường dễ bị cảm lạnh kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, ho, đau họng và bệnh thường kéo dài mặc dù đã được điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác.
Trẻ thường hắt hơi, cảm lạnh, ho, sổ mũi,... lặp đi lặp lại vào một mùa cố định trong năm.
Đối với trẻ em bị hen suyễn nặng, cha mẹ có thể thấy con có triệu chứng như hắt hơi, ngứa họng, khó thở, tiếng thở khò khè, khi con thở cánh mũi phồng lên và đôi khi con phải dùng miệng để thở. Ngoài ra sắc mặt trẻ có thể bị tái nhợt, ngực nặng, môi tím tái, khi hít vào hoặc thở ra có tiếng rít lớn.
Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh mà cha mẹ cần biết
Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu không áp dụng các phương pháp chăm sóc đúng cách và chủ động phòng ngừa thì bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý về cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh mà cha mẹ có thể tham khảo như:
Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài
Không khí lạnh và khô sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh vì vậy khi đưa trẻ ra ngoài cha mẹ cần giữ ấm cho con bằng cách đeo khăn quàng cổ, mặc áo ấm, đeo khẩu trang,... Cha mẹ cũng nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi lạnh.
Kiểm soát độ ẩm trong phòng của trẻ
Độ ẩm trong phòng là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, nấm mốc và các tác nhân gây bệnh phát triển. Cha mẹ nên theo dõi và kiểm soát độ ẩm trong phòng của trẻ phù hợp, chỉ nên duy trì độ ẩm trong phòng khoảng từ 40 - 70%. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng máy sưởi hoặc máy điều hòa không khí để đảm bảo độ ẩm trong phòng phù hợp với trẻ.
Tạo môi trường thoáng mát cho trẻ
Cha mẹ cần giữ cho môi trường sống của trẻ được sạch sẽ và thoáng mát. Tuyệt đối không được hút thuốc lá trong nhà hoặc những nơi trẻ sinh hoạt. Cha mẹ nên vệ sinh chăn mền, gối, khăn trải giường của trẻ thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Cha mẹ cũng cần hạn chế nuôi vật nuôi như chó, mèo,... hoặc sử dụng thuốc xịt muỗi, thuốc xịt côn trùng, nước hoa xịt phòng trong không gian sống của trẻ.
Bệnh hen suyễn là bệnh lý khá phổ biến đặc biệt là đối với trẻ em khi vào mùa lạnh. Bệnh có thể thường xuyên tái phát với các con ho, thở khò khè, đau tức ngực hoặc thậm chí khiến trẻ mất ngủ và suy giảm sức khỏe. Trong trường hợp không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí màng phổi,... Chính vì vậy, cha mẹ nên biết cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh để đảm bảo sức khỏe cho con cha mẹ nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.