Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và hậu quả của cong vẹo cột sống

Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ

Trong bài viết này, hãy cùng các chuyên gia y tế tìm hiểu thông tin về tình trạng cong vẹo cột sống, hậu quả của cong vẹo cột sống, các biện pháp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống nhé!

Vẹo cột sống là tình trạng cong vẹo bất thường của cột sống, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù cong vẹo cột sống có thể gây khó khăn nhất định, chúng ta có nhiều phương pháp can thiệp hiệu quả để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp họ hoạt động bình thường và giảm thiểu sự bất tiện.. Cong vẹo cột sống có điều trị được không? Hậu quả của cong vẹo cột sống là những điều người bệnh hay người nhà của bệnh nhân quan tâm.

Thế nào là cong vẹo cột sống?

Cột sống bình thường có đường cong giống chữ “S" khi nhìn ngang. Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, đường cong có thể hướng về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống), hoặc lệch sang một bên (cong cột sống). 

Tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ mà có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Có thể điều trị bằng cách điều chỉnh tư thế, mang áo chỉnh hình, mổ nắn chỉnh hình,...

Hau-qua-cua-cong-veo-cot-song 1.png
Cong vẹo cột sống làm hai vai không đều

Cong vẹo cột sống có các dạng thường gặp là vẹo cột sống chữ C và chữ S. Vẹo cột sống chữ C thường xảy ra ở các vị trí như thắt lưng, bắt đầu từ dưới ngực hay từ lồng ngực. Vẹo cột sống chữ S thường xảy ra ở vị trí lưng trên, đường cong thắt lưng, thường hiếm gặp hơn dạng chữ C. Việc điều trị vẹo cột sống chữ S sẽ phức tạp hơn.

Các triệu chứng của tình trạng cong vẹo cột sống bao gồm:

  • Hai vai không bằng nhau
  • Nổi rõ một bên lưng khi cúi người về phía trước.
  • Vòng eo không đều.
  • Một bên hông cao hơn bên hông còn lại.
  • Một bên lồng ngực có xương sườn nhô về phía trước.

Khi những biến đổi này được phát hiện sớm, chúng ta có thể hợp tác với các chuyên gia y tế để đánh giá và áp dụng các giải pháp điều trị thích hợp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến các chức năng quan trọng của cơ thể như tim và phổi, cải thiện khả năng hô hấp và duy trì chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống khá đa dạng, nhưng khoảng 80% là vẹo cột sống vô căn, tức không tìm ra nguyên nhân. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi đối tượng như trẻ em, người lớn, người cao tuổi,... Các nguyên nhân gây cong vẹo cột sống được các chuyên gia xác định gồm:

  • Bẩm sinh
  • Di truyền
  • Sau phẫu thuật
  • Bệnh lý về thần kinh cơ
  • Chiều dài hai chân không đều
  • Thoái hoá
  • Loãng xương

Bẩm sinh

Trường hợp cong vẹo cột sống bẩm sinh, còn gọi là bệnh cột sống bẩm sinh, là dạng rối loạn mà trẻ có ngay từ khi sinh. Những vấn đề này có thể phát sinh do sự phát triển bất thường của cột sống trong thời kỳ thai nghén. Các yếu tố có thể bao gồm các vấn đề về di truyền, thiếu hụt dinh dưỡng, hoặc tiếp xúc với hóa chất hoặc dược phẩm nhất định. Trường hợp cong vẹo này thường được phát hiện qua các cuộc kiểm tra sớm sau khi trẻ sinh.

Di truyền

Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học chính thức xác định, tỷ lệ người bị cong vẹo cột sống trong các gia đình có tiền sử mắc phải tình trạng này cho thấy khả năng di truyền cao. Điều này cho thấy rằng các yếu tố gen có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh, dù cơ chế chính xác vẫn chưa được làm rõ.

Sau phẫu thuật

Cong vẹo cột sống có thể phát triển như một biến chứng sau các cuộc phẫu thuật cột sống, đặc biệt là sau những can thiệp phức tạp như phẫu thuật chữa trị chấn thương hoặc loại bỏ khối u. Trong một số trường hợp, sự ổn định cột sống có thể bị ảnh hưởng do loại bỏ hoặc sửa đổi một phần cấu trúc xương, dẫn đến tình trạng cong vẹo sau này.

Bệnh lý về thần kinh cơ

Các rối loạn thần kinh cơ như bại não, loạn dưỡng cơ, và teo cơ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát cơ và cấu trúc xương. Suy yếu của các nhóm cơ hỗ trợ cột sống có thể dẫn đến dị dạng và cong vẹo do mất cân bằng cơ.

Chiều dài hai chân không đều

Sự khác biệt đáng kể về chiều dài của hai chân có thể tạo ra sự mất cân bằng trong cách phân bổ trọng lượng trên cột sống, dẫn đến sự căng thẳng và áp lực lên cấu trúc xương, cuối cùng gây ra cong vẹo cột sống.

Thoái hóa cột sống

Quá trình thoái hóa tự nhiên của cột sống do tuổi tác có thể gây ra sự suy giảm chức năng của các khớp, cũng như mất độ bền của đĩa đệm và xương, dẫn đến biến dạng cột sống và các vấn đề liên quan đến sự ổn định.

Loãng xương

Loãng xương làm suy yếu xương bởi mật độ xương thấp và cấu trúc xốp, làm tăng nguy cơ gãy xương và cong vẹo cột sống dưới áp lực bình thường hoặc do chấn thương nhẹ.

Những hậu quả của cong vẹo cột sống

Hậu quả của cong vẹo cột sống là vấn đề khiến người nhà bệnh nhân hay người bệnh lo lắng. Vậy những tác hại của cong vẹo cột sống là gì? Bệnh tiến triển từ từ nên ít ai để ý, thường đến khi trở nặng mới phát hiện. Nếu phát hiện sớm hoặc mức độ vẹo cột sống nhẹ thì có thể điều trị khỏi, nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng, bao gồm:

  • Về hô hấp: Trường hợp nặng, lồng ngực sẽ bị lép do xương sườn xẹp, ép vào tim, phổi, có thể làm giảm dung tích phổi, suy hô hấp, suy tim, khó thở.
  • Đau lưng: Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng trở nặng có thể dẫn đến đau lưng mãn tính khi trưởng thành.
  • Vẻ ngoại hình: Tình trạng vẹo cột sống trở nên trầm trọng hơn có thể gây ra những thay đổi về dáng đi và ngoại hình, sẽ khiến người bệnh tự ti về ngoại hình của mình.
Hau-qua-cua-cong-veo-cot-song 2.png
Những trường hợp cong vẹo cột sống nghiêm trọng

Biện pháp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống

Các dạng cong vẹo cột sống có thể chữa trị thành công, giai đoạn nhẹ có thể cải thiện bằng cách luyện tập thể thao và tập vật lý trị liệu. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể điều trị bằng cách phẫu thuật.

Lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa và hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống, cụ thể như sau:

  • Chế độ ăn uống và tắm nắng: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và tắm nắng trong khoảng thời gian phù hợp không chỉ giúp phòng chống suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ em mà còn tăng cường sức mạnh cho xương, góp phần vào một cấu trúc cột sống vững chắc.
  • Tư thế vận động đúng: Việc duy trì tư thế ngồi thẳng, đi đứng không khom lưng, và không mang vác vật nặng sai cách sẽ giúp bảo vệ cột sống, ngăn ngừa tình trạng căng thẳng không cần thiết và hỗ trợ cấu trúc xương khỏe mạnh.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Đảm bảo có đủ thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể phục hồi và duy trì khả năng làm việc của cột sống.
  • Duy trì tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất đều đặn không chỉ cải thiện tổng thể sức khỏe mà còn là yếu tố quan trọng trong việc duy trì cấu trúc và chức năng tối ưu của cột sống.
  • Bổ sung canxi đúng liều lượng: Việc bổ sung canxi phù hợp là thiết yếu để duy trì sức khỏe xương và hỗ trợ cấu trúc cột sống.
Các biện pháp này không chỉ giúp phòng ngừa và hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống mà còn khuyến khích một lối sống lành mạnh, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.
Hau-qua-cua-cong-veo-cot-song 3.png
Không nên cho trẻ mang vác cặp sách quá nặng và hãy hướng dẫn cho trẻ cách mang cặp đúng

Với những thông tin được chia sẻ trong bài, mong rằng có thể giúp người bệnh hiểu thêm về tình trạng cong vẹo cột sống, giải đáp được băn khoăn về hậu quả của cong vẹo cột sống. Nếu thấy sự bất thường về dáng đi hay tư thế ngồi hãy nhanh đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, hãy trang bị cho bản thân lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ cong vẹo cột sống nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin