Tình trạng bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khi số lượng trẻ ở độ tuổi này bị trầm cảm đang ngày một tăng. Vậy làm thế nào để nhận diện bệnh trầm cảm từ giai đoạn đầu để hỗ trợ trẻ vượt qua? Bài viết sau đây sẽ chia sẻ đến quý phụ huynh những thông tin cần thiết.
Giai đoạn trẻ dậy thì là lúc tâm sinh lý trẻ có sự biến chuyển nhanh chóng. Theo các chuyên gia, đây cũng là thời điểm trẻ dễ bị trầm cảm, lo lắng, tự ti. Vậy cần làm gì để biết trẻ có mắc bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên không? Phương án hỗ trợ cho trẻ là gì?
Thế nào là bệnh trầm cảm?
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên, bạn cũng cần nắm được trầm cảm là bệnh như thế nào. Theo tài liệu y khoa, trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh lý về tâm thần, cụ thể hơn là tình trạng rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc.
Khi mắc bệnh trầm cảm, người bệnh sẽ cảm thấy buồn rầu, luôn luôn mất hoặc giảm hứng thú với những điều xung quanh, mất ngủ, sụt cân nhanh, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, hạn chế vận động,...
Khi bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên hay bất cứ độ tuổi nào tiến triển nặng hơn sẽ dẫn đến những suy nghĩ phạm lỗi và cảm thấy bản thân luôn không xứng đáng, mất tự tin,... và cuối cùng là hành vi tự sát.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên
Nắm rõ về nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên sẽ giúp bố mẹ, người thân, thầy cô giáo,... giúp đỡ trẻ tốt hơn, giải quyết dứt điểm nguồn cơn khiến trẻ rơi vào trầm cảm. Theo các chia sẻ từ chuyên gia tâm lý, bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên thường gặp nhất là do những tác nhân như:
Trẻ bị bắt nạt
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ tuổi thiếu niên dễ bị trầm cảm, thu mình hơn là do bị bắt nạt. Trẻ có thể bị bắt nạt tại trường lớp hoặc bất cứ môi trường nào mà ở đó, con không được bảo vệ và không tự bảo vệ được. Khi một đứa trẻ đến độ tuổi thiếu niên, thế giới lớn dần hơn, mở rộng hơn nên khiến vòng bạn bè quanh trẻ cũng nhiều lên.
Càng nhiều bạn bè, vòng bạn bè càng rộng trẻ sẽ dễ bị trầm cảm do bắt nạt. Khảo sát cho thấy có đến hơn 20% trẻ em đi học và bị bắt nạt, độ tuổi phổ biến nhất là từ 12 - 18 tuổi. Việc bắt nạt trẻ thiếu niên dẫn đến trầm cảm có thể bằng lời nói hoặc hành động.
Mạng xã hội
Công nghệ ngày một hiện đại và tiên tiến hơn, trẻ em bây giờ cũng đã được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội từ sớm, đây cũng là một trong những yếu tố gây nên tình trạng bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên ngày càng tăng. Tiếp xúc với mạng xã hội nhiều mà chưa biết chọn lọc thông tin dễ khiến trẻ đối mặt với việc bạo lực, bắt nạt qua mạng hoặc bị chê bai, chọc ghẹo, phê phán,...
Lạm dụng dưới nhiều hình thức gây bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên
Nói đến nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên thì không thể nào bỏ qua lạm dụng - một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và đang ngày càng được chú ý nhiều hơn. Việc lạm dụng hiện nay rất đa dạng, không còn là lạm dụng thân thể mà còn là tình cảm, tình dục, thể chất,...
Khi trẻ bị lạm dụng và bị đe dọa, tâm lý sợ sệt, mặc cảm, tự ti sẽ khiến trẻ không dám nói ra với bố mẹ, người thân, tự thu mình lại và từ đó dẫn đến trầm cảm. Xâm hại, lạm dụng trẻ thiếu niên không còn là qua hành động mà còn có thể qua lời nói, hành vi, cử chỉ,...
Nhìn chung, tác nhân, yếu tố dẫn đến bệnh trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên khá nhiều và đây là độ tuổi trẻ rất dễ tổn thương về cả thể chất và tinh thần nên bố mẹ cần quan sát con kỹ hơn, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường như trẻ buồn, chán ăn, chán nản, học tập sa sút,... nên trò chuyện, hỏi thăm, động viên con, tìm ra nguyên nhân và cùng con giải quyết.
Triệu chứng bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên
Việc ý thức và nhận biết được các triệu chứng, biểu hiện bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên càng sớm sẽ tăng khả năng điều trị thành công, giảm thiểu các tình huống không hay xảy ra. Tùy theo mức độ trầm cảm mà trẻ có thể xuất hiện những dấu hiệu như:
Thường xuyên cảm thấy tâm trạng buồn bã, bực bội không rõ lý do, đầu óc trống rỗng, dễ nổi giận.
Giảm hoặc không còn quan tâm đến việc học, công việc gia đình hoặc các sở thích cá nhân.
Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn một cách đột ngột cũng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên.
Trẻ thiếu niên ăn không ngon, giảm vị giác, bỏ bữa,...
Lo lắng nhiều, tâm trạng luôn trong trạng thái bồn chồn.
Cảm thấy bản thân không tự tin, bản thân không xứng đáng, cảm thấy mình như gánh nặng của bố mẹ và mọi người xung quanh.
Giảm hoặc mất khả năng tập trung, tâm trạng thất thường, hay ngẩn ngơ suy nghĩ,...
Giảm hoặc mất khả năng ghi nhớ, hay quên.
Mệt mỏi, uể oải, chán nản, không còn sinh lực, luôn cảm thấy khó khăn khi giải quyết, xử lý công việc nào đó.
Giai đoạn bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên tiến triển nặng còn có thể khiến trẻ thấy mình vô dụng, sống không có ý nghĩa và tìm cách để tự xâm hại, làm tổn thương bản thân hoặc thậm chí tự tử.
Gia đình nên làm gì để hỗ trợ trẻ thiếu niên bị trầm cảm?
Để giúp trẻ dễ dàng vượt qua bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên hơn, bố mẹ cần để ý đến hành vi, suy nghĩ của con nhiều hơn. Khi nghi ngờ con có biểu hiện của bệnh trầm cảm, bố mẹ, người thân cần:
Cùng trẻ tâm sự, chia sẻ, làm bạn với con để con dễ dàng bày tỏ vấn đề bản thân đang gặp phải, cùng con tìm ra phương án giải quyết hoặc đưa ra những lời khuyên có ích cho con.
Luôn hỏi han con về ngày hôm nay như thế nào, quan tâm đến cả niềm vui và nỗi buồn của trẻ, quan tâm, chia sẻ cùng trẻ.
Chia sẻ và cùng trẻ thảo luận nhằm giúp con vượt qua khó khăn.
Sắp xếp các hoạt động sinh hoạt trong gia đình sao cho phù hợp, tạo không khí gia đình luôn vui tươi, đầm ấm cũng là một cách để trẻ thấy an toàn hơn mỗi khi về nhà.
Nhận biết thấy trẻ có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên cần đưa con đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị lâu dài, hiệu quả.
Tình trạng bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, gây nên những hậu quả đáng tiếc, hối hận cho nhiều bậc phụ huynh. Để phòng ngừa trầm cảm cho trẻ, bố mẹ nên quan tâm con đúng cách, trò chuyện thường xuyên để biết được vấn đề của con và đồng cảm, thấu hiểu, không nên phán xét, chì chiết con trẻ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.