Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt cơn đau quặn thận điển hình và không điển hình

Ngày 29/05/2024
Kích thước chữ

Cơn đau quặn thận chủ yếu xuất phát từ việc sỏi kẹt trong niệu quản, làm tắc nghẽn đường tiểu và tạo áp lực tăng lên đối với đài thận. Điều này dẫn đến cảm giác đau quặn thận dữ dội khi các cơ bắp niệu quản cố gắng đẩy sỏi đi qua. Nhiều người thường nhầm lẫn cơn đau quặn thận điển hình và không điển hình. Hãy cùng tìm hiểu cách phân biệt chúng trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Cơn đau quặn thận là một triệu chứng điển hình của sỏi niệu quản, thường bắt đầu đột ngột sau khi thực hiện hoạt động mạnh mẽ hoặc lao động cường độ cao. Cảm giác đau trong cơn thường được miêu tả như cực kỳ cấp tính, thậm chí còn hơn cả cảm giác đau trong khi sinh nở, gãy xương hoặc bị bắn.

Cơn đau quặn thận diễn ra như thế nào?

Luồng nước tiểu bình thường xuống bàng quang chủ yếu là do sự co thắt của đài bể thận và niệu quản đoạn trên. Khi đài thận chứa đầy nước tiểu, áp lực tại đó tăng cao, thúc đẩy nước tiểu lưu chảy xuống phần trên của niệu quản. Khúc nối giữa niệu quản và đài thận sẽ tự động đóng lại, ngăn chặn việc nước tiểu trở lại đài thận.

phan-biet-con-dau-quan-than-dien-hinh-va-khong-dien-hinh 1.jpg
Nước tiểu xuống bàng quang do sự co thắt của đài bể thận và niệu quản đoạn trên

Niệu quản tiếp tục co thắt để đẩy nước tiểu xuống bàng quang. Sức chứa của đài bể thận nhỏ, vỏ thận khá cứng và ít co giãn, còn cơ của niệu quản mạnh mẽ. Do có nhiều dây thần kinh tập trung tại đài bể thận, niệu quản và cuống thận, điều này khiến chúng trở nên nhạy cảm và dễ bị kích thích. Khi niệu quản bị tắc nghẽn hoặc co thắt mạnh mẽ, nước tiểu sẽ ứ đọng lại, gây tăng áp lực đột ngột tại đài thận. Đồng thời, nước tiểu cũng có thể bị ngược dòng, gây ra cảm giác đau quặn thận. Áp lực tại đài thận trong khi cơn đau quặn thận xảy ra do sỏi niệu quản thường tăng lên khoảng 50 - 70 mmHg, so với mức bình thường chỉ khoảng 6 mmHg.

Phân biệt cơn đau quặn thận điển hình và không điển hình

Chẩn đoán cơn đau quặn thận dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng, phân biệt giữa các trường hợp điển hình và không điển hình.

Cơn đau quặn thận điển hình

Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, thường sau khi tham gia vào hoạt động nặng, vận động mạnh hoặc thể thao.

Trước khi cơn đau xảy ra, có những dấu hiệu báo trước như đau ở phía ngang thắt lưng, tiểu đau hoặc tiểu ra máu.

Trong cơn đau, cảm giác đau dữ dội như bị đâm, không thể giảm bớt bằng các tư thế hay thuốc giảm đau thông thường. Đau thường bắt đầu từ hố thắt lưng một bên, lan rộng ra phía trước, dưới hoặc đến vùng sinh dục ngoài hoặc mặt trong đùi.

Các triệu chứng đi kèm bao gồm đau vã mồ hôi, tái xanh da mặt, lo lắng, sợ hãi, sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiểu ra máu hoặc mủ. Cơn đau có thể kéo dài từ 1 - 2 giờ đến 1 ngày.

Sau cơn đau, bệnh nhân có thể tiểu nhiều hoặc tiểu khó, đôi khi kèm theo tiểu máu hoặc mủ. Cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như chướng bụng, táo bón, đau tinh hoàn hoặc nhiễm trùng tiết niệu.

phan-biet-con-dau-quan-than-dien-hinh-va-khong-dien-hinh 2.jpg
Sau cơn đau, bệnh nhân có thể tiểu nhiều hoặc tiểu khó

Khi thăm khám bệnh nhân cơn đau quặn thận điển hình, bác sĩ thường kiểm tra:

  • Điểm đau ở vị trí như điểm sườn thắt lưng, dưới xương sườn thứ 12, hoặc hố chậu.
  • Điểm ấn đau ở niệu quản trên hoặc giữa.
  • Gây đau bằng cách nhẹ nhàng vỗ vào hố thắt lưng, nếu bệnh nhân cảm thấy đau và giật nảy người.
  • Kiểm tra vùng bụng có thể phình lên ít và có âm thanh vang khi gõ.
  • Có thể quan sát các phản ứng của bệnh nhân như đau ở bên bụng đang đau.

Cơn đau quặn thận không điển hình

Đau nhẹ ở vùng thắt lưng và có thể thoáng qua.

Nếu sỏi niệu quản nằm ở phần dưới 1/3 của niệu quản, có thể gây ra triệu chứng tiểu nhiều lần nhưng chỉ ra ít nước tiểu hoặc không tiểu được.

Có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc tức nhẹ ở vùng cơ quan sinh dục ngoài khi tiểu.

Khi thăm khám bệnh nhân cơn đau quặn thận không điển hình, bác sĩ thường kiểm tra:

  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra có hồng cầu, bạch cầu, hay vi khuẩn.
  • Xét nghiệm máu để xác định có sự tăng cao của bạch cầu trong trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu.
  • Siêu âm ổ bụng, chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị, chụp UIV hay chụp CT để phát hiện sỏi niệu quản.

Điều trị cơn đau quặn thận

Cách điều trị cơn đau quặn thận phụ thuộc vào loại sỏi mà bệnh nhân đang gặp phải. Dưới đây là một số loại sỏi thường gặp và cách điều trị:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi phổ biến nhất, thường được tạo thành từ oxalat canxi.
  • Sỏi axit uric: Hình thành khi axit uric tập trung trong nước tiểu.
  • Sỏi cystine: Rất hiếm gặp, phát triển do rối loạn cystinuria.
  • Sỏi struvite: Loại sỏi ít gặp, gây ra bởi một loại vi khuẩn nhất định trong đường tiết niệu.

Hầu hết các viên sỏi nhỏ có thể di chuyển ra ngoài cơ thể theo nước tiểu, và đến 80% sỏi có thể tự thoát ra khỏi cơ thể qua quá trình này. Bác sĩ có thể đề xuất uống đủ nước và kê toa thuốc giảm đau để giảm cơn đau trong khi chờ đợi sỏi đi ra ngoài.

phan-biet-con-dau-quan-than-dien-hinh-va-khong-dien-hinh 3.jpg
Bác sĩ có thể đề xuất uống đủ nước và kê toa thuốc giảm đau

Có nhiều phương pháp giúp loại bỏ sỏi lớn hơn và giảm cơn đau quặn thận:

  • Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng: Thủ thuật phẫu thuật xâm lấn, bác sĩ sử dụng một ống mỏng có gắn đèn và máy ảnh để xác định vị trí sỏi và loại bỏ nó.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL): Sử dụng sóng xung kích tập trung vào vùng thận để phá vỡ sỏi thành mảnh nhỏ, sau đó chúng sẽ thoát ra ngoài qua nước tiểu.
  • Tán sỏi qua da: Thông qua việc mở một lỗ nhỏ ở phía sau hông – lưng, bác sĩ sử dụng ống nội soi để tiếp cận đường tiết niệu và sử dụng sóng siêu âm hoặc laser để phá vỡ viên sỏi.
  • Đặt stent: Bác sĩ có thể đặt một ống mỏng vào niệu quản để giúp làm giảm tắc nghẽn và thúc đẩy sỏi đi qua.
  • Phẫu thuật mở: Dành cho các viên sỏi quá lớn hoặc mắc kẹt, phương pháp này yêu cầu phẫu thuật mở để loại bỏ sỏi. Điều trị cũng có thể bao gồm sử dụng thuốc để giảm đau hoặc ngăn chặn sự tích tụ của sỏi.

Các biện pháp giảm cơn đau quặn thận tại nhà có thể bao gồm:

  • Chườm nóng: Để làm dịu cơn co thắt cơ và giảm đau.
  • Kiểm soát lối sống: Tăng cường uống nước, giảm lượng muối trong chế độ ăn uống, và ăn uống lành mạnh phong phú.

Những biện pháp này có thể giúp bạn đối phó với cơn đau quặn thận tại nhà, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời để giảm đau. Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thể phân biệt cơn đau quặn thận điển hình và không điển hình.Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo không thể thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Nếu bạn có gặp các triệu chứng cơn đau quặn thận thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.