Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện như thế nào?

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Siêu âm ổ bụng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh, sử dụng sóng siêu âm để quan sát bên trong vùng bụng. Phương pháp này có thể được sử dụng để chẩn đoán hay sàng lọc nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Vậy siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì?

Siêu âm ổ bụng được sử dụng để đánh giá các cơ quan bên trong vùng bụng bằng cách sử dụng sóng siêu âm. Nhờ đó, có nhiều tình trạng bệnh lý của các cơ quan trong bụng có thể được quan sát một cách trực quan hơn. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp cho bạn siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện của phương pháp này nhé.

Mục đích của siêu âm ổ bụng

Siêu âm ổ bụng là phương pháp cung cấp hình ảnh một cách nhanh chóng, trực quan về các cơ quan trong ổ bụng, hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi tình trạng sức khỏe. Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để ghi lại hình ảnh và những chuyển động bên trong cơ thể. Những sóng này sẽ phản ánh các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Sau đó, máy siêu âm sẽ thu lại những tín hiệu phản hồi và tiến hành phân tích, sau đó hiển thị kết quả bằng hình ảnh siêu âm. 

Những hình ảnh siêu âm này là một phương tiện hữu ích giúp bác sĩ quan sát và đánh giá được các cơ quan và cấu trúc bên trong ổ bụng. Kỹ thuật này an toàn và không gây đau đớn cho người bệnh, do đó ngày càng được ứng dụng phổ biến trong y học. Do sự thuận tiện của kỹ thuật, nhiều người bệnh quan tâm rằng siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quá trình thực hiện như thế nào.

Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện như thế nào? 1
Siêu âm là một phương pháp đánh giá phổ biến trong y khoa

Hình ảnh của siêu âm được ghi lại theo thời gian thực, cho thấy cấu trúc và sự chuyển động của các cơ quan nội tạng cũng như dòng máu chảy trong các mạch máu. Vùng bụng chứa nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể và thường cần được theo dõi. Do đó, kỹ thuật siêu âm rất quan trọng trong việc giúp bác sĩ xác định các vấn đề ở bụng, chẳng hạn như viêm ruột thừa hoặc sỏi thận.

Sử dụng siêu âm ổ bụng có thể tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong ổ bụng, giúp xác định các vấn đề tại vùng bụng gây ra các triệu chứng của người bệnh. Bên cạnh các cơ quan, siêu âm ổ bụng có thể quan sát các cấu trúc quan trọng khác trong bụng, chẳng hạn như mô, mạch máu và một số sự phát triển bất thường. Trong một số trường hợp, siêu âm Doppler có thể được sử dụng. Đây là loại siêu âm có thể phát hiện những thay đổi trong lưu lượng máu qua bụng.

Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì?

Siêu âm ổ bụng được thực hiện để đánh giá các tạng trong ổ bụng, chẳng hạn như thận, gan, túi mật, ống mật, tuyến tụy, lách, động mạch chủ bụng và các mạch máu khác của bụng. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán nhiều tình trạng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Đau bụng hoặc chướng bụng;
  • Chức năng gan bất thường;
  • Các khối bất thường tại vùng bụng;
  • Sỏi thận;
  • Sỏi mật;
  • Phình động mạch chủ bụng.
Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện như thế nào? 2
Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì là một câu hỏi phổ biến

Ngoài ra, siêu âm có thể được sử dụng để phục vụ cho một số thủ thuật khác chẳng hạn như định hướng trong quá trình lấy sinh thiết, chọc hút dịch ổ bụng…

Bên cạnh siêu âm thông thường, siêu âm Doppler ổ bụng cũng có thể được sử dụng, giúp bác sĩ quan sát và đánh giá một số tình trạng sau:

  • Tắc nghẽn mạch (chẳng hạn như do cục máu đông);
  • Hẹp mạch;
  • Khối u mạch và dị tật mạch máu bẩm sinh;
  • Giảm hoặc không có dòng máu đến các cơ quan, chẳng hạn như tinh hoàn hoặc buồng trứng;
  • Tăng lưu lượng máu đến một số cơ quan, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Quy trình thực hiện siêu âm ổ bụng

Người bệnh thường quan tâm rằng siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện của kỹ thuật này. Về quy trình thực hiện, siêu âm ổ bụng thông thường sẽ cần ít sự chuẩn bị từ trước. Các lưu ý cho người bệnh chuẩn bị trước khi thực hiện sẽ khác nhau tùy thuộc vào mỗi tính chất vấn đề khác nhau. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh không nên ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi thực hiện siêu âm ổ bụng.

Để thực hiện siêu âm ổ bụng, người bệnh sẽ nằm ngửa trên bàn siêu âm. Trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ bôi gel lên vùng da bụng. Điều này giúp sóng âm được truyền qua hiệu quả hơn và hỗ trợ việc di chuyển đầu dò của máy siêu âm được thuận tiện hơn. Đây là loại gel gốc nước và có thể dễ dàng làm sạch sau khi thực hiện siêu âm.

Sau đó, bác sĩ sẽ đặt đầu dò lên da vùng bụng và di chuyển thiết bị xung quanh khu vực đó để quan sát hình ảnh các cơ quan nằm sâu trong ổ bụng trên màn hình máy siêu âm. Đầu dò có thể sẽ ấn nhẹ vào bụng, tuy nhiên quá trình này thường sẽ không gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện như thế nào? 3
Quá trình siêu âm ổ bụng thường không gây khó chịu cho bệnh nhân

Một số loại siêu âm có thể phát ra âm thanh trong quá trình thực hiện. Ví dụ như siêu âm Doppler sẽ phát ra âm thanh để mô tả bất kỳ sự thay đổi nào trong lưu lượng máu.

Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi bác sĩ nhận đủ thông tin để đánh giá các cơ quan qua hình ảnh siêu âm. Những hình ảnh siêu âm này hiển thị ngay lập tức và có thể được chụp lại phục vụ cho kiểm tra sau này. Sau khi siêu âm xong, gel trên da bụng sẽ được lau sạch sẽ và người bệnh có thể quay trở lại hoạt động bình thường.

Siêu âm ổ bụng có gây hại không?

Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), kỹ thuật siêu âm nói chung hay siêu âm ổ bụng nói riêng gần như có độ an toàn tuyệt đối. Siêu âm ổ bụng rất khó có thể gây ra bất kỳ tác động tiêu cực hoặc biến chứng nào. Nguy cơ xảy ra các biến chứng hay tác dụng phụ là rất thấp so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác được sử dụng trong y tế.

Kỹ thuật này an toàn hơn nhiều so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp CT hoặc chụp X-quang. Điều này là do chụp CT và X-quang có sử dụng bức xạ ion hóa. Trong một số trường hợp, bức xạ ion hóa này có thể có tác dụng phụ đối với cơ thể và gây ra phản ứng không mong muốn. Trái lại, siêu âm lại không sử dụng bất kỳ loại bức xạ nào và không gây ra những rủi ro tương tự.

Siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện như thế nào? 4
Siêu âm là một kỹ thuật y tế an toàn

Tuy nhiên, siêu âm có thể có một số tác động nhỏ lên cơ thể, chẳng hạn như làm tăng nhiệt độ của các mô xung quanh. FDA cũng cảnh báo rằng hiện nay vẫn còn chưa rõ ảnh hưởng về lâu dài của kỹ thuật siêu âm ổ bụng. Mặc dù đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn nhưng phụ nữ đang mang thai vẫn nên hạn chế số lần siêu âm để đề phòng nguy cơ.

Bài viết đã cung cấp thông tin cho câu hỏi siêu âm ổ bụng phát hiện những bệnh gì và quy trình thực hiện phương pháp này. Nhìn chung, siêu âm ổ bụng là một phương pháp an toàn, cung cấp hình ảnh một cách nhanh chóng, trực quan về các cơ quan trong ổ bụng. Đây là một phương tiện hữu ích, cho phép hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi rất nhiều tình trạng sức khỏe.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm