Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? Cần chuẩn bị những gì?

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ

Siêu âm dạ dày là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường gặp giúp bác sĩ phát hiện những bất thường tại dạ dày. Ưu điểm của kỹ thuật này là không xâm lấn và an toàn. Trước khi siêu âm, người bệnh thường thắc mắc siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? Nên chuẩn bị gì khi thực hiện siêu âm dạ dày?

Siêu âm dạ dày là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng được áp dụng phổ biến ở các bệnh viện hiện nay để kiểm tra, chẩn đoán các bệnh lý về dạ dày. So với nội soi dạ dày thì biện pháp này không xâm lấn, không gây đau hay khó chịu cho người siêu âm. Khi được chỉ định siêu âm dạ dày, người bệnh thường thắc mắc: "Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không?".

Siêu âm dạ dày là gì?

Siêu âm dạ dày là phương pháp được dùng để kiểm tra các vấn đề về dạ dày và tầm soát chứng bệnh ung thư tại dạ dày. Đồng thời, phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ngay giai đoạn đầu và có khả năng chẩn đoán những bệnh lý khác liên quan đường tiêu hóa. Nhờ phương pháp siêu âm này đã giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Khi tiến hành siêu âm, bác sĩ đưa đầu dò tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, di chuyển đầu dò và quét xung quanh khu vực vùng thượng vị, sau đó chuyển hình ảnh siêu âm trực tiếp lên màn hình.

Giải đáp: Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? 1
Siêu âm dạ dày được dùng để kiểm tra các vấn đề về dạ dày và tầm soát bệnh ung thư dạ dày

Để kiểm tra, phát hiện các bệnh lý dạ dày, có rất nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng. Tuy phương pháp siêu âm không gây khó chịu cho người bệnh và cho kết quả nhanh nhưng lại không thể phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày hay không có khả năng quan sát chi tiết được mức độ tổn thương do viêm loét nếu có. Vì thế, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chỉ định người bệnh thực hiện siêu âm dạ dày.

Về cơ bản, bác sĩ chỉ định siêu âm dạ dày định kỳ để kiểm tra tình trạng của dạ dày, nếu sức khỏe ổn thì chỉ cần kiểm tra để theo dõi cơ quan tiêu hóa, gồm dạ dày. Trường hợp bạn vẫn nghi ngờ kết quả siêu âm, bạn có thể đề nghị bác sĩ cho nội soi dạ dày để kiểm tra, chẩn đoán chính xác hơn.

Đối tượng được chỉ định siêu âm dạ dày

Siêu âm dạ dày được chỉ định đối với những trường hợp sau:

  • Người bệnh có vấn đề về sức khỏe tiêu hóa cần được kiểm tra, chẩn đoán bệnh.
  • Người bệnh không thể thực hiện phương pháp nội soi.
  • Những người bị bệnh cấp tính về dạ dày như xung huyết tá tràng, xuất huyết dạ dày,...
  • Người bệnh bị viêm thực quản, đau dạ dày nghiêm trọng.
  • Người có tiền sử chẩn đoán phì đại dạ dày, bị viêm teo, loét tá tràng, polyp dạ dày,...
  • Bệnh nhân bị rối loạn các chức năng của dạ dày, có dị vật trong dạ dày.
  • Bệnh nhân bị sa dạ dày cấp tính, bị các dị tật bẩm sinh tại ống tiêu hóa.

Lưu ý: Những bệnh nhân bị vi khuẩn HP gây nên tình trạng viêm loét dạ dày sẽ không phát hiện được sự có mặt của vi khuẩn HP trong dạ dày và tìm ra nguyên nhân cụ thể.

Siêu âm phát hiện đau dạ dày được không?

Đau dạ dày là một trong những bệnh lý ngày càng phổ biến, đối tượng nào cũng có thể mắc căn bệnh này. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên tới các cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh chuyển nặng thêm gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Giải đáp: Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? 2
Hình ảnh siêu âm phát hiện thủng dạ dày

Nhiều người bệnh băn khoăn liệu phương pháp siêu âm có thể phát hiện được bệnh đau dạ dày hay không. Thực chất, siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng phổ biến, sử dụng các công cụ và máy móc chuyên biệt để áp dụng trong khám chữa bệnh. Thông qua siêu âm, các bác sĩ sẽ phát hiện ra những bất thường ở vùng bụng, từ đó có phương án điều trị phù hợp. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu trong việc chẩn đoán, phát hiện bệnh đau dạ dày. Khi bệnh nhân khám và điều trị các bệnh lý về dạ dày, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp khác để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Ưu và nhược điểm của kỹ thuật siêu âm dạ dày

Phương pháp siêu âm dạ dày có ưu điểm là cho kết quả nhanh chóng, không gây đau, khó chịu cho bệnh nhân và chi phí lại thấp.

Nhược điểm của phương pháp này là không thể giúp bác sĩ quan sát chi tiết được mức độ tổn thương do viêm loét, nhất là không thể phát hiện vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày qua thiết bị siêu âm. Lúc này, nội soi dạ dày là giải pháp tối ưu.

Nếu muốn kiểm tra sức khỏe dạ dày hoặc phát hiện dấu hiệu bất ổn thì bạn chỉ cần siêu âm định kỳ hàng năm để kiểm tra dạ dày và đường tiêu hóa.

Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? Cần chuẩn bị những gì?

Siêu âm dạ dày có mục đích là kiểm tra tình trạng bệnh lý tại dạ dày, vì thế để kết quả thu được đảm bảo tính chính xác nhất thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ dặn dò bệnh nhân nhịn ăn trước khi thực hiện siêu âm.

Bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân bệnh nhân cần nhịn ăn là giúp cho thiết bị siêu âm có thể quan sát rõ hơn tình hình bên trong dạ dày. Ngoài việc nhịn ăn, người bệnh siêu âm dạ dày còn phải uống nhiều nước để giúp cho quá trình siêu âm diễn ra dễ dàng, thuận tiện hơn. Trong trường hợp bệnh nhân gặp phải những triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý nguy hiểm nào đó hay bị đau vùng thượng vị dữ dội thì không cần phải nhịn ăn.

Giải đáp: Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? 3
Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không là thắc mắc của người bệnh đang cần siêu âm

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành siêu âm cho người bệnh vào buổi sáng hoặc ngay sau khi bạn thức dậy vì lúc này dạ dày đã rỗng sau một đêm nghỉ ngơi, có thể quan sát dạ dày rõ hơn.

Quy trình siêu âm dạ dày diễn ra thế nào?

Ngoài quan tâm đến vấn đề siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không, người bệnh cũng thường hỏi bác sĩ về quy trình siêu âm thế nào.

Chuẩn bị trước siêu âm

Trước khi tiến hành siêu âm dạ dày, ngoài việc nhịn ăn, bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ dặn dò người bệnh các vấn đề cần thiết khác như:

  • Nên mặc quần áo rộng rãi, giúp người bệnh thoải mái khiến quá trình siêu âm dạ dày được diễn ra nhanh và thuận tiện hơn.
  • Giữ tinh thần thoải mái, không nên căng thẳng, lo lắng quá mức vì dẫn đến co bóp dạ dày mạnh hơn, gây đau dạ dày.

Thực hiện siêu âm

Quá trình siêu âm dạ dày không gây đau và diễn ra vô cùng nhanh chóng. Khi bước vào phòng siêu âm, người bệnh sẽ được các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên trong phòng siêu âm yêu cầu vén áo lên để chừa phần bụng ra.

Lúc này, bác sĩ sẽ thoa lớp gel lên bụng của người bệnh. Sau đó, bác sĩ đặt đầu dò của máy siêu âm trên vùng bụng của người bệnh và di chuyển một cách chậm rãi. Hình ảnh ở vùng bụng sẽ được thu lại trên máy tính.

Sau khi quá trình siêu âm diễn ra khoảng 3 - 5 phút kết thúc, điều dưỡng phát khăn giấy để người bệnh lau sạch lượng gel dính trên bụng. Người bệnh ra ngoài chờ kết quả.

Giải đáp: Siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không? 4
Quá trình siêu âm dạ dày không gây đau và diễn ra vô cùng nhanh chóng

Sau khi siêu âm dạ dày, người bệnh không cần phải nghỉ ngơi hay lưu lại bệnh viện và có thể về nhà ngay do đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, không xâm lấn hay gây đau.

Kết quả

Người bệnh thường nhận kết quả siêu âm dạ dày trong ngày. Sau khi lấy kết quả, người bệnh gửi lại bác sĩ chuyên môn để đọc kết quả siêu âm, chẩn đoán bệnh và kê toa điều trị hoặc có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác nếu cần thiết.

Bài viết về vấn đề khi siêu âm dạ dày có cần nhịn ăn không đã chia sẻ một số thông tin hữu ích nhằm giúp người bệnh thực hiện phương pháp này suôn sẻ hơn. Khi gặp vấn đề bất thường về dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định siêu âm nếu cần thiết.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin