Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốc điện phá rung là gì? Trường hợp nào chỉ định?

Ngày 29/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốc điện phá rung là dạng sốc điện phổ biến trong cấp cứu cho người bị rối loạn nhịp tim nói chung, bằng cách sốc điện gây ra sự khử cực đối với tất cả các tế bào cơ tim đang bị kích thích, cắt đứt các vòng vào lại hoặc bất hoạt các ổ hoạt động ngoại vị.

Có lẽ chúng ta đã từng thấy hình ảnh máy sốc điện tim trong nhiều pha cấp cứu người bị ngưng tim trong nhiều bộ phim, hai vật giống như bàn ủi được dí lên ngực người bệnh chính là máy phá rung. Ở thực tế khi bệnh nhân bị loạn nhịp tim mức độ nặng, các sợi cơ tim không đồng điệu dẫn đến không co bóp đẩy máu đi được, bắt buộc phải sử dụng nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có máy sốc điện phá rung. Nguyên tắc hoạt động được hiểu cơ bản là máy sẽ phát ra một dòng điện có cường độ mạnh làm tim sốc và trở lại nhịp bình thường. Để hiểu hơn về khái niệm này, mời mọi người cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Sốc điện là gì?

Sốc điện là giải pháp dùng năng lượng điện để phục hồi nhịp tim trở lại bình thường, sở dĩ được sử dụng nhiều trong cấp cứu vì thao tác khá đơn giản lại mang tác dụng nhanh chóng trong nhiều trường hợp bị rối loạn nhịp nhanh như rung thất, nhịp nhanh thất, cuồng nhĩ, rung nhĩ,...

Có thể hiểu rằng sốc điện có khả năng làm tắt các rối loạn nhịp nhanh đang chiếm quyền chủ nhịp và giúp nhịp xoang lấy lại vai trò chủ nhịp. Tuy vậy có một số người hiểu lầm rằng sốc điện là kỹ thuật dùng dòng điện để kích thích tim đập, điều này là chưa đúng. Trong đó dòng điện máy sốc điện thường sử dụng là dòng điện 1 chiều, một số máy sốc điện phổ biến gồm:

  • Máy sốc điện ngoài lồng ngực tự động và bằng tay;
  • Máy sốc điện khi thực hiện phẫu thuật hở van tim;
  • Máy sốc điện chuyển nhịp và phá rung được cấy vào cơ thể;
  • Áo sốc điện ngoài lồng ngực.

Đặc biệt sốc điện là phương pháp hoàn toàn an toàn với mẹ bầu vì không gây ảnh hưởng tới nhịp tim và các vấn đề khác của thai nhi. Ngoài ra sốc điện được thực hiện trên những bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp hoặc máy phá rung tự động cũng rất an toàn, chỉ cần lưu ý một số kỹ thuật thực hiện.

Sốc điện phá rung là gì? Các trường hợp chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) 1
Phương pháp sốc điện phổ biến trong y tế nhờ thao tác đơn giản và mang lại hiệu quả cao

Sốc điện phá rung là gì?

Như đã đề cập, sốc điện phá rung là một dạng của sốc điện, trong đó sốc điện phá rung là sốc điện không đồng bộ, dòng điện được phóng ra từ tụ điện qua bản cực sốc ngay lập tức sau khi bác sĩ ấn nút phóng điện.

  • Các trường hợp được thực hiện sốc điện phá rung gồm: Rung thất và nhịp nhanh thất vô mạch.
  • Các trường hợp không được thực hiện sốc điện phá rung gồm: Vô tâm thu, nhịp tự thất rời rạc và hoạt động điện vô mạch.

Lưu ý: Khi thực hiện sốc điện phá rung, tuyệt đối không ấn vào sync vì sẽ làm dòng điện tích tụ ở tụ điện không được phóng ra. Bên cạnh đó mức năng lượng của sốc điện phá rung cũng được thiết kế với máy sốc điện 1 pha (360J) và máy sốc điện 2 pha (từ 120J - 200J tùy loại máy) bao gồm:

  • Thiết kế sóng dạng Rectilinear: 120J
  • Thiết kế sóng dạng Truncated Exponential: 150J
  • Nếu không biết rõ khuyến cáo của nhà sản xuất: Chọn 200J.

Nếu lần đầu tiên sốc điện thất bại, người thực hiện nên tăng mức năng lượng cho những lần sốc sau.

Sốc điện phá rung là gì? Các trường hợp chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) 2
Sốc điện phá rung là gì?

Các trường hợp chỉ định cấy máy sốc điện phá rung tự động (ICD)

Máy sốc điện phá rung tự động (ICD) thường được chỉ định cho các bệnh nhân sau đây:

  • Xuất hiện cơn rung thất hoặc tim nhanh thất gây rối loạn huyết động như nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn điện giải,...
  • Cơn rung thất hoặc tim nhanh thất khi thăm dò điện sinh lý học tim, bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc do tự phát.
  • Người có phân suất tống máu thất trái ít hơn 35% và nguy cơ cao bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất.

Lưu ý: Máy ICD được sử dụng với công dụng điều trị rung thất hoặc tim nhanh thất, người bệnh cần dùng kết hợp với các loại thuốc chống loạn nhịp thất để giảm số lần sốc và kéo dài tuổi thọ của máy.

Vị trí cấy máy ICD trên cơ thể người bệnh

Máy ICD thường được cấy dưới da hoặc dưới cơ ngực lớn với nguồn điện cực được đặt tại buồng thất phải và buồng nhĩ theo đường tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, còn có loại ICD cấy dưới da với các điện cực được đặt hoàn toàn dưới da và loại ICD được thiết kế dưới dạng một chiếc áo khoác mang đến sự tiện lợi cho người dùng trong thời gian ngắn.

Sốc điện phá rung là gì? Các trường hợp chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) 3
Máy ICD thường được chỉ định cấy dưới da hoặc dưới cơ ngực lớn

Một số rối loạn chức năng thường gặp của máy ICD

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cũng nên thực hiện kiểm tra thường xuyên vì máy ICD có thể bị rối loạn một số chức năng như:

  • Số lần sốc điện hoặc tạo nhịp không phù hợp: Máy đôi khi sẽ bị nhiễu điện do điện cực bị đứt, có thể tạo nhịp hoặc sốc điện không thích hợp khi bệnh nhân đang có nhịp nhanh trên thất, rung nhĩ, nhịp xoang,...
  • Không sốc và không tạo nhịp khi cần sử dụng: Khi máy bị hư pin, di lệch điện cực hoặc thân máy nhận cảm quá kém,...

Trước những vấn đề thường gặp của máy ICD, để đảm bảo máy đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh, cách tốt nhất là phải thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của máy có ổn định hay không trước khi xảy ra nhiều tình huống không mong muốn.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ hiểu được vì sao phương pháp sốc điện phá rung trong cấp cứu lại phổ biến như vậy. Qua đó bạn đọc sẽ có cái nhìn mới về khía cạnh này và có thêm cho mình những kiến thức hữu ích có thể sử dụng khi cần.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm