Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng mất cân bằng cán cân cung – cầu oxy của cơ tim thứ phát do bệnh lý động mạch vành. Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ tính mức độ tổn thương tim và hướng tới điều trị nguyên nhân cơ bản, ngăn ngừa sự tiến triển thêm của bệnh, giúp cải thiện chức năng tim mạch và điều trị triệu chứng liên quan. Có thể khuyến cáo kết hợp thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các can thiệp khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng tim bị thiếu oxy do lượng máu cung cấp cho nó giảm. Thường là do sự tích tụ mảng bám trên thành của các động mạch cung cấp máu cho tim, được gọi là động mạch vành. Khi mảng bám phát triển, dần dần chiếm chỗ lưu thông của dòng máu khiến tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.

Mảng bám cũng có thể bong ra đột ngột khỏi thành động mạch, khiến cục máu đông hình thành rất nhanh làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu chảy. Khi điều đó xảy ra, các tế bào tim hoàn toàn không nhận được máu sẽ ngừng hoạt động và chết. Đây là trường hợp nhồi máu cơ tim, gây đau ngực dữ dội; nhịp tim không đều có thể gây đột tử; suy tim hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Một số người bệnh tim thiếu máu cục bộ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào (thiếu máu cơ tim thầm lặng).

Các triệu chứng phổ biến nhất là tức ngực hoặc đau ngực, điển hình là ở bên trái cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau cổ hoặc hàm;
  • Đau vai hoặc cánh tay;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Khó thở khi bạn hoạt động thể chất;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Vã mồ hôi;
  • Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim: Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn gây thiếu máu và oxy cung cấp cho tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, bệnh nghiêm trọng và có thể gây tử vong.
  • Rối loạn nhịp: Nhịp tim bất thường có thể làm tim bạn yếu đi và đe dọa tính mạng.
  • Suy tim: Theo thời gian, các đợt thiếu máu cục bộ lặp đi lặp lại có thể dẫn đến suy tim.
BTTMCB 4.jpeg
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến bệnh viện khẩn cấp nếu bạn bị đau ngực dữ dội hoặc đau ngực kéo dài không thuyên giảm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các nguyên nhân có thể gây bệnh tim thiếu máu cục bộ, bao gồm:

  • Bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch: Các mảng bám chủ yếu là cholesterol tích tụ trên thành động mạch và hạn chế dòng máu lưu thông. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Huyết khối: Các mảng bám hình thành trong xơ vữa động mạch có thể bong ra tạo cục máu đông. Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn động mạch và dẫn đến thiếu máu cơ tim đột ngột (nhồi máu cơ tim) và nghiêm trọng.
  • Co thắt động mạch vành: Sự co thắt tạm thời của các cơ trong thành động mạch có thể làm giảm hoặc thậm chí ngăn chặn lượng máu đến tim trong thời gian ngắn. Co thắt động mạch vành là nguyên nhân hiếm gặp gây thiếu máu cơ tim.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ?

  • Nam giới > 45 tuổi, nữ giới > 55 tuổi.
  • Người hút thuốc lá.
  • Người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
  • Người ít vận động, hay căng thẳng, lo lắng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim thiếu máu cục bộ, bao gồm:

  • Thuốc lá: Hút thuốc lá và tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) có thể làm tổn thương lớp trong của thành động mạch. Tổn thương này có thể khiến cholesterol và các chất khác tích tụ lại và làm cản trở lưu thông máu trong động mạch vành. Hút thuốc lá làm cho động mạch vành co thắt và cũng có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2 có liên quan đến việc tăng nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.
  • Tăng huyết áp: Theo thời gian, huyết áp cao có thể đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến tổn thương động mạch vành.
  • Rối loạn mỡ máu: Cholesterol là thành phần chính gây hẹp động mạch vành. Mỡ máu "xấu" (LDL-c) cao trong máu có thể là do di truyền hoặc chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Triglycerides, một loại mỡ máu khác, cũng có thể góp phần gây xơ vữa động mạch.
  • Béo phì: Béo phì có liên quan đến bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu.
  • Chu vi vòng eo: Số đo vòng eo trên 35 inch (89cm) đối với phụ nữ và 40 inch (102cm) ở nam giới làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp và bệnh tim.
  • Lối sống tĩnh tại: Không tập thể dục góp phần gây béo phì và có liên quan đến rối loạn mỡ máu cao hơn. Những người tập thể dục thường xuyên có sức khỏe tim tốt hơn, điều này có liên quan đến việc giảm nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ và nhồi máu cơ tim. Tập thể dục cũng có thể giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.
BTTMCB 5.jpeg
Lối sống tĩnh tại là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bác sĩ sẽ lấy bệnh sử của bạn và thực hiện thăm khám, đồng thời họ có thể sẽ đề nghị các xét nghiệm chuyên sâu hơn để đưa ra chẩn đoán. Ví dụ:

  • Xét nghiệm máu để đo mức cholesterol trong máu của bạn.
  • Hình ảnh học, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp MRI hoặc CT scan.
  • Siêu âm tim để đánh giá giải phẫu và chức năng tim của bạn bằng sóng siêu âm.
  • Điện tâm đồ (ECG) để ghi lại hoạt động điện tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức để theo dõi khả năng của tim khi nó phải làm việc chăm chỉ hơn.
  • Chụp mạch vành để kiểm tra tình trạng thu hẹp bên trong động mạch của bạn.
  • Sinh thiết cơ tim để lấy và phân tích một mẫu mô nhỏ từ cơ tim của bạn.

Phương pháp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ

Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ thường tập trung vào việc phục hồi lưu thông máu và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Phương pháp điều trị không xâm lấn:

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bạn có thể được cải thiện lưu lượng máu bằng các phương pháp điều trị không xâm lấn. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để kiểm soát bệnh tim thiếu máu cục bộ và giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác.

Thuốc:

Bác sĩ có thể kê toa để:

  • Giảm mỡ máu;
  • Ổn định huyết áp;
  • Điều trị các bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường;
  • Phòng ngừa huyết khối.

Thay đổi lối sống:

  • Có chế độ ăn uống tốt cho hệ tim mạch;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Tăng cường hoạt động thể chất;
  • Giảm cân nếu thừa cân;
  • Giảm căng thẳng;
  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Giảm uống rượu bia.

Phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật:

Tùy thuộc vào các triệu chứng, bạn có thể được chỉ định phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật, chẳng hạn như:

  • Máy khử rung tim;
  • Can thiệp mạch vành qua da;
  • Liệu pháp tái đồng bộ tim;
  • Phẫu thuật xơ vữa động mạch;
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
BTTMCB 6.jpeg
Người bệnh tim thiếu máu cục bộ không nên hút thuốc lá

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh bệnh tim thiếu máu cục bộ cần tuân thủ một chế độ sinh hoạt có lối sống lành mạnh và cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt cho người bệnh tim thiếu máu cục bộ:

  • Giảm cân (nếu cần thiết): Nếu bạn có cân nặng vượt quá mức lý tưởng, giảm cân có thể giúp giảm tải lên tim và cải thiện lưu thông máu.
  • Vận động thể lực: Thực hiện các hoạt động vận động như đi bộ, bơi lội, chạy bộ hoặc tập thể dục nhẹ đều đặn. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ tập luyện mới nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
  • Hạn chế stress: Học cách quản lý stress và áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, hoặc tham gia các hoạt động giúp giảm căng thẳng.
  • Ngừng hút thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc lá, hãy cố gắng ngừng sử dụng hoàn toàn. Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị các vấn đề tim mạch.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đường huyết không ổn định hoặc mỡ máu cao. Tuân thủ đúng đơn thuốc và hẹn tái khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi và điều chỉnh các yếu tố này.
  • Tuân thủ đúng đơn thuốc: Uống đúng liều thuốc và tuân thủ đúng hẹn tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Lưu ý rằng điều quan trọng nhất là tham khảo ý kiến và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ tim mạch để đảm bảo chế độ sinh hoạt phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

BTTMCB 7.jpeg
Người bệnh bệnh tim thiếu máu cục bộ nên kiểm soát cân nặng

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm các yếu tố sau đây:

  • Hạt và ngũ cốc nguyên hạt: Tiêu thụ các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, hoa quả khô và hạt chia. Chúng giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Rau xanh và hoa quả: Ăn nhiều rau xanh như rau cải, bông cải xanh, cải xoăn, rau chân vịt, cà chua, cà rốt, và các loại hoa quả tươi như dứa, cam, dâu tây, quả mâm xôi. Chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, kali, chất xơ và vitamin.
  • Các nguồn chất béo lành mạnh: Tìm kiếm các nguồn chất béo không bão hòa, như dầu ô-liu, dầu hạt lanh, dầu hạt chia, đậu phộng, cá hồi, cá ngừ, hạt hướng dương và hạt óc chó. Không sử dụng hoặc hạn chế chất béo bão hòa.
  • Các nguồn protein lành mạnh: Chọn nguồn protein chất lượng cao như cá, thịt gia cầm không da, đậu và hạt. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ chiên và đồ ngọt.
  • Hạn chế muối: Giảm tiêu thụ muối để kiểm soát huyết áp. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và gia vị có chứa nhiều muối.
  • Giới hạn đường: Hạn chế tiêu thụ đường và các sản phẩm có chứa đường như đồ ngọt, bánh, nước ngọt có ga và các sản phẩm có đường thêm vào.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì cân bằng cơ thể và tốt cho sức khỏe tim mạch.
  • Giảm tiêu thụ rượu bia: Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ cồn. Nếu uống, hãy uống với mức độ vừa phải và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Luôn luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có được chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của riêng bạn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ hiệu quả

Những thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng tương tự như trên có thể giúp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ cũng có thể giúp phòng ngừa bệnh này phát triển ngay từ đầu. Thực hiện lối sống lành mạnh tốt cho tim có thể giúp giữ cho hệ động mạch của bạn khỏe mạnh, đàn hồi và trơn tru, đồng thời cho phép lượng máu lưu thông tối đa.

Nguồn tham khảo
  1. Ischemic heart disease: https://www.advocatehealth.com/health-services/advocate-heart-institute/conditions/ischemic-heart-disease
  2. Ischemic Cardiomyopathy: Symptoms, Causes, and Treatment: https://www.healthline.com/health/ischemic-cardiomyopathy
  3. Myocardial ischemia: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/myocardial-ischemia/symptoms-causes/syc-20375417
  4. Myocardial Ischemia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17848-myocardial-ischemia
  5. What is Ischaemic Heart Disease?: https://www.victorchang.edu.au/heart-disease/ischaemic-heart-disease 

Các bệnh liên quan

  1. Suy tim mạn tính

  2. Suy tim trái

  3. Suy tủy xương

  4. Bướu sợi tuyến Birads 2

  5. Viêm đa xoang

  6. Phình mạch máu não

  7. Viêm cầu thận Lupus

  8. tiểu đường không phụ thuộc insulin

  9. Bệnh nến xương

  10. Phì đại tuyến vú