Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách ép tim thổi ngạt cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp và một số lưu ý

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng ngừng tuần hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong những trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp, ép tim thổi ngạt đúng cách sẽ giúp duy trì sự sống trong lúc chờ xe cấp cứu. Vì thế, nắm vững các bước ép tim thổi ngạt là rất quan trọng trong các tình huống khẩn cấp.

Ép tim thổi ngạt là một trong những kỹ năng sơ cứu cơ bản trong những trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp. Kỹ năng này có thể áp dụng tại nhà, tại nơi làm việc hay những nơi công cộng. Kỹ thuật sơ cứu ép tim và thổi ngạt rất cần thiết trong các trường hợp xảy ra tai nạn hoặc tình huống khẩn cấp, nhất là khi bên cạnh không có các dụng cụ y tế hỗ trợ. Tuy nhiên có rất nhiều người không nắm vững kỹ thuật ép tim thổi ngạt hoặc thực hiện sai khiến việc sơ cứu không hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bước ép tim và thổi ngạt trong cấp cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp.

Khi nào cần ép tim thổi ngạt?

Trong cuộc sống có rất nhiều tai nạn có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn hô hấp như đuối nước, sốc phản vệ, điện giật, sét đánh, ngộ độc Aconitin,... hoặc một số bệnh lý như tai biến mạch máu não, nhiễm toan trong đái đường do tuỵ, suy thận, viêm phổi suy hô hấp, dị dạng mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính,...

Cách ép tim thổi ngạt cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp và một số lưu ý 1
Người bị đuối nước có thể rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn hô hấp cần ép tim thổi ngạt

Nguyên nhân ngừng tuần hoàn là do hoạt động bơm máu của tim bị gián đoạn đột ngột khiến các cơ quan quan trọng không được cung cấp đủ máu. Nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân có nguy cơ tử vong lên tới 90%. Trường hợp may mắn sống sót sẽ để lại nhiều di chứng tổn thương não vĩnh viễn. Ép tim thổi ngạt chính là biện pháp sơ cứu phổ biến trong những tình huống này.

Mục đích cuối cùng của ép tim thổi ngạt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là duy trì nhịp thở và sự vận hành bơm máu của tim, từ đó giúp giảm nguy cơ tổn thương não và các cơ quan khác trong cơ thể.

Vậy dấu hiệu người bị ngừng tuần hoàn hô hấp cần thực hiện ép tim và thổi ngạt cấp cứu là gì? Kỹ thuật này dùng trong các trường hợp nạn nhân xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Nạn nhân rơi vào tình trạng mất ý thức đột ngột, nằm bất động, không phản ứng khi gọi, toàn thân tím tái.
  • Có dấu hiệu ngừng thở, không nghe được tiếng thở, lồng ngực không di động. Bạn có thể kiểm tra bằng cách đặt tờ giấy mỏng hoặc miếng bông lên mũi của nạn nhân.
  • Không nghe thấy tiếng tim đập, mất mạch cảnh ở cổ và bẹn.
Cách ép tim thổi ngạt cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp và một số lưu ý 2
Nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có nguy cơ tử vong cao

Các bước ép tim thổi ngạt đúng cách

Phương pháp ép tim thổi ngạt không khó thực hiện nhưng có rất nhiều người lúng túng khi thực hành. Hơn nữa, hầu hết người Việt Nam đều không được học các kỹ thuật sơ cứu bài bản. Mặc dù ngừng tuần hoàn hô hấp là tình huống khẩn cấp cần cấp cứu càng sớm càng tốt nhưng nếu thực hiện ép tim và thổi ngạt sai cách có thể làm lỡ mất thời gian vàng và giảm hiệu quả sơ cứu. Thậm chí nhiều trường hợp sai kỹ thuật gây ra nhiều tổn thương khác cho nạn nhân, điển hình như gãy xương sườn. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, việc ép tim thổi ngạt cần đảm bảo nhanh chóng, đúng kỹ thuật theo các bước dưới đây.

Khai thông đường thở

Việc cần làm đầu tiên là cần giải phóng đường thở cho nạn nhân trong các trường hợp bị tắc nghẽn đường thở bằng cách đẩy dị vật ra ngoài và hà hơi thổi ngạt. Với từng trường hợp, kỹ thuật thực hiện sẽ khác nhau như lấy dị vật bằng tay, ấn giữ hàm, kỹ thuật Heimlich,... nhằm mục đích cuối cùng là lấy dị vật ra khỏi đường thở. Khai thông đường thở cần thực hiện càng sớm càng tốt trong những trường hợp nạn nhân bị tụt lưỡi, mắc dị vật hay tắc nghẽn dịch tiết. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ bạn nhân bị chấn thương cột sống cổ, bạn cần được cố định cột sống cổ trước khi tiến hành sơ cứu.

Cách ép tim thổi ngạt cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp và một số lưu ý 3
Nên đặt nạn nhân ở mặt phẳng thoáng

Thổi ngạt (hô hấp nhân tạo)

Thổi ngạt hay hô hấp nhân tạo thường được thực hiện qua 2 kỹ thuật phổ biến gồm thổi miệng - miệng hoặc thổi miệng - mũi. Trong đó, kỹ thuật thổi miệng - miệng trong ép tim thổi ngạt được nhiều người áp dụng hơn. Cách thực hiện như sau:

Đầu tiên hãy đặt một bàn tay lên trán của nạn nhân rồi ấn ngửa đầu ra sau. Đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi nạn nhân, tay còn lại nâng hàm dưới và mở miệng nạn nhân ra. Tiếp theo, hít một hơi thật sâu rồi thổi hơi vào vào miệng nạn nhân. Thao tác này cần được thực hiện nhanh và chính xác. Thổi ngạt đúng kỹ thuật sẽ khiến lồng ngực của nạn nhân nở phồng lên sau mỗi lần thực hiện.

Ép tim ngoài lồng ngực

Theo khuyến cáo, sơ cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cần kết hợp cả 2 kỹ thuật ép tim và thổi ngạt theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi. Mỗi chu kỳ sẽ gồm 30 lần ép tim xen kẽ 2 lần thổi ngạt.

Cách ép tim thổi ngạt cứu người ngừng tuần hoàn hô hấp và một số lưu ý 4
Các bước ép tim sơ cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cần thực hiện nhanh chóng và chính xác

Để thực hiện ép tim, bạn hãy đặt 2 tay chồng lên nhau sao cho gốc bàn tay dưới ở tại vị trí giữa lồng ngực, khuỷu tay để thẳng. Dùng tay ấn vuông góc sao cho ngực của nạn nhân lún xuống từ 5 đến 6cm. Sau đó nhấc tay lên để ngực trở về vị trí ban đầu và tiếp tục tục thực hiện ép tim. Tần số ép tim tốt nhất trong khoảng 100 đến 120 lần mỗi phút đối với người lớn, với trẻ con tần suất sẽ tùy vào từng độ tuổi khác nhau. Kỹ thuật ép tim cần được thực hiện liên tục cho tới khi có nhân viên y tế hoặc máy sốc điện tự động hỗ trợ.

Ngoài việc thực hiện đúng kỹ thuật ép tim thổi ngạt, bạn cần nắm rõ các dấu hiệu lâm sàng cho thấy việc sơ cứu có hiệu quả như môi ấm và hồng trở lại, đồng tử co lại, nhịp thở, nhịp tim đã xuất hiện trở lại,...

Bạn có thể dừng việc sơ cứu nếu:

  • Nạn nhân tự thở được;
  • Nhân viên y tế đã có mặt;
  • Tim nạn nhân vẫn không đập lại sau 30 đến 60 phút thực hiện sơ cứu.

Lưu ý khi thực hiện ép tim thổi ngạt

Việc sơ cứu người bị ngừng tuần hoàn hô hấp cần thực hiện kịp thời, chính xác. Do vậy, bên cạnh thực hiện đúng kỹ thuật ép tim và thổi ngạt, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Trước khi sơ cứu, bạn hoặc người xung quanh hãy gọi ngay cấp cứu chuyên nghiệp.
  • Trong lúc chờ cấp cứu, hãy đặt nạn nhân nằm ngửa, có thể dùng vải hoặc gỗ chèn để giữ đầu nạn nhân cố định. Điều này sẽ giúp giảm các tổn thương cột sống cổ.
  • Cần xác định chính xác điểm ép tim trước khi thực hiện. Điểm ép tim là điểm giao nhau giữa đường nối 2 đầu ngực và đường thẳng dọc xương ức. Đồng thời, đảm bảo ngực nạn nhân đàn hồi trở lại giữa 2 lần ép tim.
  • Khi thực hiện ép tim, cần dùng sức của cả 2 tay và ép vuông góc với cơ thể của nạn nhân.

Ngừng tuần hoàn hô hấp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và cần được sơ cứu ép tim thổi ngạt tại chỗ nhanh chóng, đúng cách trước khi đưa nạn nhân vào bệnh viện. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức về kỹ thuật sơ cứu và biết cách xử trí khi gặp những tình huống khẩn cấp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin