Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không?

Ngày 19/02/2024
Kích thước chữ

Tuy là loại thuốc thông thường có thể tự sử dụng nhưng chúng ta cần lưu ý khi phải dùng hạ sốt cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. Nhiều bà mẹ mới thấy trán bé nóng đã vội cho con dùng thuốc hạ sốt mà không hay biết rằng điều này có thể gây hại cho trẻ. Vậy trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không?

Sử dụng thuốc hạ sốt là thói quen của nhiều phụ huynh khi thấy trẻ bị sốt dù chưa thật sự cần thiết. Điều này chủ yếu do họ chưa hiểu đúng khi nào nên dùng loại thuốc này và cách dùng sao cho đúng. Chính vì vậy, rất nhiều người quan tâm thắc mắc trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không?

Sốt là gì?

Để giải đáp thắc mắc trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không, trước tiên bạn cần hiểu sốt là gì? Sốt là khi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Nhiệt độ cơ thể trung bình nằm ở mức 37°C. Thân nhiệt trung bình của bạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị này và cũng có thể dao động nhẹ trong suốt cả ngày. Những biến động nhiệt độ cơ thể thường thay đổi theo độ tuổi hay mức độ hoạt động của bạn và thường cao nhất vào buổi chiều. Thân nhiệt tăng cao hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang trong quá trình chống lại nhiễm trùng. Đây thường không phải là một nguyên nhân để báo động.

Trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không?
Nhức mỏi, đau đầu, ớn lạnh là triệu chứng chung liên quan đến sốt

Nhiệt độ bằng hoặc cao hơn mức dưới đây cho thấy bạn đang bị sốt:

  • Người lớn và trẻ em: 38°C (miệng).
  • Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: 37,2°C (nách) hoặc 38°C (trực tràng).

Các triệu chứng chung liên quan đến sốt có thể bao gồm: Nhức mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đổ mồ hôi hoặc cảm thấy đỏ bừng, mất nước, chán ăn, yếu hoặc thiếu năng lượng.

Bố mẹ lưu ý nếu trẻ bị sốt cao sau 3 ngày nổi phát ban kèm các triệu chứng đau cơ, sưng hạch bạch huyết thì đó có thể là dấu hiệu bệnh lý sốt xuất huyết. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ nhỏ, hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết sớm nhất tại Long Châu!

Trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt?

Muốn xác định con có đang bị sốt hay không trước tiên ba mẹ cần dùng đo nhiệt độ cơ thể trẻ bằng nhiệt kế. Khi lên cơn sốt có thể là dấu hiệu cho biết hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động để chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Ở những trường hợp này, sốt không phải là bệnh mà còn được xem là một phản ứng tốt. Với một số trường hợp khác, sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm bên trong cơ thể trẻ. Do tâm lý lo lắng, rất nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình chớm sốt, liền tìm mọi cách để hạ sốt cho con ngay lập tức trong đó có cách sử dụng thuốc hạ sốt.

Vậy trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không? Trường hợp trẻ có thân nhiệt ở mức 38°C được xem là sốt nhẹ và không nên dùng thuốc hạ sốt. Thay vào đó, ba mẹ hãy dùng khăn chườm nước ấm để lau các khu vực như: Cổ, nách, trán, bẹn… của con cứ 15 phút một lần cho tới khi trẻ hạ sốt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho bé mặc đồ thoáng mát hoặc cởi bớt, nới lỏng quần áo cho con. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần tăng số lần bú để hạ nhiệt và bù nước cho cơ thể. Trẻ trên 6 tháng có thể cho uống thêm nước Oresol bù điện giải bên ngoài việc bú mẹ.

Trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không? 1
Trẻ sốt 38 độ không nên cho uống thuốc hạ sốt

Trẻ sốt bao nhiêu độ mới nên dùng thuốc hạ sốt?

Sau khi băn khoăn trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt được giải đáp thì chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng quan tâm muốn biết trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc hạ sốt? Sốt thông thường là biểu hiện có lợi, giúp cơ thể tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh. Mục đích sử dụng thuốc hạ sốt không phải để làm mát mà là nhằm giúp bé cải thiện sự khó chịu.

Về cơ bản, trẻ sốt dưới 38,5°C chưa cần dùng tới thuốc hạ sốt mà chỉ nên dùng khi bé sốt trên 38,5°C. Mặt khác, việc dùng thuốc hạ sốt cũng không nên tiến hành một cách tùy tiện. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe con, tốt nhất ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn đúng loại thuốc và đúng liều lượng. Đặc biệt, trẻ sốt trong khoảng 39 - 40°C được xem là sốt cao, nguy cơ co giật lớn nên cần được đưa đến cơ sở y tế sớm để có phương án xử trí kịp thời.

Lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt

Trên thị trường hiện nay, thuốc hạ sốt có rất nhiều loại với nhiều dạng khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng loại thuốc này cho trẻ, ba mẹ cần lưu ý:

  • Trước khi cho trẻ sử dụng cần xác định rõ thành phần của thuốc.
  • Để tránh tình trạng ngộ độc do dùng quá liều, không cùng lúc dùng nhiều loại thuốc hạ sốt.
  • Thuốc hạ sốt có nhiều hàm lượng khác nhau nên cần lưu ý độ tuổi, cân nặng của trẻ để có liều dùng phù hợp.
  • Cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ sốt cao liên tục kéo dài, không được tùy tiện dùng thuốc.
  • Kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt với một số biện pháp như: Bổ sung nước cho cơ thể, mặc quần áo rộng và thoáng, chườm ấm...
  • Thuốc hạ sốt dạng viên đạn có công dụng chậm nên chỉ sử dụng khi trẻ không dùng được thuốc uống. Không dùng thuốc hạ sốt dạng viên đạn với trẻ trong trường hợp sau: Bị viêm hậu môn, trực tràng, chảy máu trực tràng, bệnh gan nặng, dị ứng với paracetamol, tiêu chảy.
  • Sau khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, ba mẹ hãy theo dõi xem bé có bị mẫn cảm với thành phần nào của thuốc hay không.
  • Aspirin có rất nhiều tác dụng phụ đối với trẻ nhỏ, vì vậy không nên dùng để hạ sốt cho bé.
  • Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi: Sốt trên 39°C, sốt kèm cứng cổ, phồng thóp, đã dùng thuốc hạ sốt tại nhà trên 3 ngày nhưng không khỏi.
Trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không? 2
Trước khi cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt cần xác định rõ thành phần của thuốc

Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp thắc mắc trẻ sốt 38 độ có nên uống hạ sốt không. Sốt thường tự khỏi và biến mất trong vòng vài ngày và sốt 38 độ được xem là sốt nhẹ và không cần dùng thuốc hạ sốt với cả người lớn và trẻ em. Trong trường hợp sốt cao hơn, bạn có thể giảm bớt sự khó chịu bằng cách dùng thuốc hạ sốt, nghỉ ngơi và bù đủ nước cho cơ thể.

Xem thêm: Các loại thuốc hạ sốt không hại gan: Giải pháp an toàn cho sức khỏe

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin