Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Sốt thương hàn có lây không? Thương hàn lây nhiễm qua đường nào?

Ngày 16/07/2023
Kích thước chữ

Thương hàn là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan thành dịch bệnh. Rất nhiều người lo lắng không biết bệnh sốt thương hàn có lây không để tìm hiểu cách phòng tránh. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm thông tin về những con đường lây truyền của sốt thương hàn.

Sốt thương hàn là căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn mang tên Salmonella typhi hoặc Salmonella paratyphi A, B, C. Các biểu hiện đặc trưng của bệnh có thể kể đến là sốt cao, táo bón, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc sốt thương hàn có lây không và biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh.

Sốt thương hàn và các giai đoạn phát bệnh

Thương hàn là tên gọi của một căn bệnh nhiễm khuẩn toàn thân. Nguyên nhân của căn bệnh này là do trực khuẩn Salmonella gây nên. Thương hàn chủ yếu xảy ra vào mùa hè, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9.

Các dấu hiệu cho thấy người bệnh bị thương hàn là sốt kéo dài từ 39 đến 40 độ C, có thể kèm theo đau đầu, suy nhược cơ thể, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy, chán ăn, ho… Nếu bệnh nhân không điều trị bệnh sớm thì có thể mắc phải nhiều biến chứng nặng nề như thủng ruột, loét thanh mạc dẫn đến xuất huyết ổ bụng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt thương hàn có lây không? Thương hàn lây nhiễm qua đường nào? 1
Bệnh nhân mắc thương hàn thường bị sốt cao đến 39 độ C

Tùy theo từng giai đoạn diễn tiến mà sốt thương hàn sẽ có nhiều triệu chứng bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 15 ngày. Bệnh nhân hầu như không phát hiện triệu chứng điển hình nào cho thấy đã nhiễm bệnh.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn khởi phát diễn ra trong khoảng 1 tuần. Người bệnh sẽ gặp phải một số dấu hiệu điển hình như sốt cao từ 39 đến 41 độ C, sốt tăng dần và kéo dài. Kèm theo đó, bệnh nhân còn bị đau đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém, ù tai.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn toàn phát kéo dài khoảng 2 tuần. Bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng sốt cao liên tục từ 39 đến 40 độ C, phát ban, nhiễm độc thần kinh. Dấu hiệu điển hình của nhiễm độc thần kinh là tay run, đau đầu triền miên, ngủ gặp ác mộng, ù tai. Người bệnh nằm bất động với nét mặt vô cảm, ánh nhìn kém linh hoạt, mắt đờ đẫn. Bệnh ở tình trạng nặng có thể khiến bệnh nhân ngủ li bì hoặc hôn mê sâu.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn sốt thương hàn lui dần và chấm dứt trong khoảng 1 tuần. Lúc này, nhiệt độ thân nhiệt của bệnh nhân giảm dần và ổn định hơn. Cơ thể bắt đầu có biểu hiện hồi phục tích cực như không còn các vấn đề về đường tiêu hoá, ăn ngủ tốt hơn, hết cảm giác mệt mỏi, suy nhược.

Trong các giai đoạn của bệnh thương hàn, giai đoạn 3 là nguy hiểm và cần quan tâm nhiều nhất. Các nốt phát ban trong giai đoạn toàn phát chủ yếu là nổi ở vùng bụng, mạn sườn và trên ngực.Trong thời gian đầu, số lượng ban ít. Từ ngày 7 đến ngày 12 phát bệnh, tỉ lệ nốt ban tăng dần lên.

Sốt thương hàn có lây không? Thương hàn lây nhiễm qua đường nào? 2
Sốt thương hàn nặng khiến bệnh nhân ngủ li bì

Bên cạnh đó, khi bị sốt thương hàn nặng, bạn còn gặp những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hoá, điển hình như đi ngoài phân sệt, phân có màu vàng nâu, đi ngoài nhiều lần (5 - 6 lần). Vùng bụng có dấu hiệu bị đau nhẹ kèm theo hiện tượng chướng bụng lan ra đến vùng hố chậu phải.

Giải đáp: Bệnh sốt thương hàn có lây không?

Thương hàn là căn bệnh nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Đối với câu hỏi sốt thương hàn có lây không thì đáp án là có và rất dễ lây lan. 

Bệnh nhân có thể lây truyền vi khuẩn ra khỏi cơ thể qua đường phân hoặc nước tiểu. Trong trường hợp có người ăn phải thực phẩm hoặc uống nước có nhiễm một lượng nhỏ phân hoặc nước tiểu có chứa vi khuẩn, họ sẽ bị lây và nhiễm sốt thương hàn.

Sốt thương hàn lây truyền qua đường nào?

Biết được sốt thương hàn có lây không thôi thì chưa đủ. Bạn cần tìm hiểu các con đường lây truyền của bệnh thương hàn để có biện pháp phòng tránh thích hợp.

Lây truyền theo đường phân - miệng

Đa phần mọi người bị nhiễm vi khuẩn thương hàn trong khi đi du lịch. Bệnh nhân có thể lây truyền sang người khác thông qua con đường phân - miệng. Trung bình, một người mắc bệnh có thể thải ra khoảng 106 - 109 loại vi trùng thương hàn trong mỗi gram phân. Nếu người đó không rửa tay cẩn thận khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi đi vệ sinh thì thực phẩm bạn ăn phải có thể nhiễm khuẩn, bạn có nguy cơ nhiễm trùng.

Tại các nước có dịch bệnh thương hàn, hầu hết bệnh nhân bị nhiễm khuẩn do nguồn nước ô nhiễm. Bên cạnh đó, thương hàn có thể lây truyền qua thức ăn bị ô nhiễm hoặc do tiếp xúc với người nhiễm bệnh trực tiếp.

Sốt thương hàn có lây không? Thương hàn lây nhiễm qua đường nào? 3
Sốt thương hàn có lây không là thắc mắc của nhiều người

Lây truyền từ người sang người

Dù đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc đã chữa khỏi bệnh, một số ít trường hợp vẫn mang vi khuẩn trong cơ thể và tiếp tục thải vi khuẩn ra ngoài trong hơn 1 năm tiếp theo. Đây được gọi là những người lành mang bệnh. Dù họ không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nhiễm bệnh nào nhưng họ vẫn có khả năng lây truyền cho người khác.

Biện pháp phòng ngừa mắc bệnh sốt thương hàn

Các chuyên gia cho biết, bạn có thể ngăn ngừa bệnh sốt thương hàn qua những biện pháp như:

  • Cách ly bệnh nhân mắc thương hàn ngay lập tức để điều trị, thực hiện phương pháp phòng ngừa từ sớm để tránh bệnh lây lan thành dịch.
  • Quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục trẻ nhỏ về các thói quen ăn uống hợp vệ sinh, tránh xa các thực phẩm bẩn, thức ăn không rõ nguồn gốc.
  • Rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Thời gian hợp lý nhất cho mỗi lần rửa tay là khoảng 20 giây.
  • Rửa sạch rau củ quả tươi sống trước khi chế biến và ăn, hạn chế bốc thức ăn bằng tay.
  • Dùng dung dịch rửa tay khô có thành phần ít nhất 60% cồn.
  • Không được đưa tay lên mặt và miệng nếu chưa vệ sinh sạch sẽ.
  • Không nên uống nước chưa qua tiệt trùng hoặc đun sôi.
  • Bảo vệ nguồn nước sạch, tránh bị ô nhiễm, quản lý chặt chẽ việc xả thải phân.
  • Phát hiện sớm những bệnh nhân mang mầm bệnh.
  • Đối với người bệnh, phân phải được xử lý nghiêm ngặt. Cách thực hiện là trộn đều lượng bột tẩy gấp 2 lần, để trong vòng 4 giờ rồi mới đổ xuống hố phân.
  • Để riêng quần áo, vật dụng cá nhân, đồ chơi của người bệnh, xử lý với bột tẩy hoặc tiệt trùng qua nước sôi.
  • Người chăm sóc bệnh nhân cũng phải rửa tay, rửa chân thật sạch, tắm gội sạch sẽ, luôn mặc đồ cách ly khi tiếp xúc.
  • Tiêm phòng vacxin thương hàn để ngăn ngừa lây nhiễm tối ưu nhất.
Sốt thương hàn có lây không? Thương hàn lây nhiễm qua đường nào? 4
Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn là biện pháp phòng tránh thương hàn hiệu quả

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có được đáp án chi tiết nhất cho thắc mắc sốt thương hàn có lây không và những con đường lây lan của bệnh. Có thể đánh giá rằng, đây là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Chính vì thế, bạn hãy trang bị đầy đủ kiến thức để nhận biết và phòng ngừa bệnh từ sớm để bảo vệ an toàn cho sức khỏe nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:thương hànsốt