Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không?

Ngày 17/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy tủy xương sống được bao lâu là một câu hỏi mở không có lời giải đáp duy nhất đúng với mọi trường hợp. Và để làm rõ điều này, chúng ta cần căn cứ vào căn nguyên của vấn đề, mức độ nghiêm trọng, giải pháp can thiệp và khả năng đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân.

Suy tủy xương được tìm thấy ở cả nam và nữ với xác suất tương đương nhau. Bệnh lý này thường xuất hiện ở 2 nhóm tuổi chính là 65 - 70 và 15 - 20. Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở người châu Á cao gấp 2 lần so với người châu Âu. Vậy suy tủy xương sống được bao lâu và có chữa được không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết ngay sau đây của Nhà thuốc Long Châu.

Suy tủy xương là gì?

Suy tủy xương là hiện tượng các tế bào tủy có hiện tượng bất sản hoặc giảm sản, từ đó làm giảm đi 1 - 3 dòng máu ngoại vi.

Theo y văn thế giới, bệnh lý này được mô tả đầu tiên vào năm 1988 bởi Paul Ehrlich, một bác sĩ người Đức sau khi theo dõi một bệnh nhân nữ có dấu hiệu sốt, thiếu máu nặng và dẫn đến tử vong.

Khi tiến hành xét nghiệm máu, các chuyên gia y tế nhận thấy bạch cầu hạt và hồng cầu của người bệnh suy giảm trầm trọng, tủy xương chủ yếu được lấp đầy bởi mỡ và rất nghèo tế bào tạo máu nhưng không tìm ra căn nguyên. Mãi đến năm 1904, sau khi làm rõ nhiều vấn đề, bác sĩ Anatole Chauffard (người Pháp) mới đặt tên bệnh lý này là suy tủy.

Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không? 1
Suy tủy xương trên hình ảnh giải phẫu xương dài

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân

Suy tủy là bệnh lý phát sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân thường gặp nhất phải kể đến:

  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy những người mắc các rối loạn di truyền như: Hội chứng Shwachman-Diamond, bệnh Fanconi, loạn sản sừng bẩm sinh, thiếu máu Diamond-Blackfan,... thường phải đối diện với tình trạng suy tủy.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc như: Chloramphenicol, Quinacrine, thuốc chống viêm không Steroid, thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư (Cyclophosphasphamide, Methotrexate, 6MP, Vincristine),... cũng được xem là có liên quan mật thiết với bệnh lý này.
  • Hóa chất độc hại: Bệnh suy tủy có thể phát sinh nếu chúng ta tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại, điển hình là: Thạch tín, chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ gỗ,...
  • Nhiễm virus: Virus viêm gan, virus EBV, Parvovirus B19,... đều được xem là những tác nhân gây suy thoái tủy xương.
Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không? 2
Virus gây viêm gan cũng có thể là tác nhân làm phát sinh bệnh lý suy tủy

Triệu chứng

Suy tủy xương thường biểu hiện ra bên ngoài thông qua một số triệu chứng điển hình sau:

  • Thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở, thường xuyên choáng, ngất;
  • Xuất hiện dấu hiệu giảm tiểu cầu: Xuất huyết dưới da, chảy máu vùng niêm mạc, rong kinh;
  • Sốt theo cơn đi kèm ớn lạnh, thường xuyên bị viêm đường hô hấp, tình trạng nhiễm trùng tái diễn liên tục;
  • Lùn, bất thường về màu da, xương dị dạng hoặc bị khuyết tật (nếu bệnh phát sinh do yếu tố di truyền).

Suy tủy xương có chữa được không?

Đối với nghi vấn này thì câu trả lời sẽ không giống nhau ở mọi trường hợp. Tùy vào nguyên nhân, giai đoạn bệnh và cơ địa của mỗi người mà kết quả điều trị sẽ có nhiều sai khác. Tuy nhiên nhìn chung hỗ trợ y tế chỉ khắc phục được phần nào chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý này.

Theo đó, sẽ có 2 phương thức can thiệp chính đối với mỗi bệnh nhân, đó là điều trị triệu chứng và điều trị đích (điều trị căn nguyên).

Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không? 3
Xuất huyết dưới da là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tủy xương

Điều trị triệu chứng

  • Trong trường hợp thiếu máu, bác sĩ sẽ truyền máu cho người bệnh. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý đến hiện tượng thải sắt. Đặc biệt với bệnh nhân vừa ghép tủy thì không truyền tiểu cầu hay hồng cầu lắng.
  • Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thì cần di chuyển ngay người bệnh đến phòng vô trùng và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Ngoài ra người bệnh sẽ được chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng nếu bị sốt. Khi bệnh nhân cấy máu âm tính và sốt kéo dài nhiều ngày mà chưa rõ nguyên nhân thì các bác sĩ sẽ dùng kháng nấm để hỗ trợ.
  • Nếu người bệnh bị xuất huyết thì truyền tiểu cầu là phương pháp can thiệp cơ bản. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng cách điều trị này (kháng tiểu cầu) thì sẽ được chỉ định dùng Gamma globulin.

Điều trị đích (can thiệp vào nguyên nhân phát sinh bệnh lý)

  • Ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay đối với bệnh lý suy tủy xương;
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như: ALG, Corticoid, CsA, ATG,...;
  • Phẫu thuật cắt lách;
  • Dùng Androgen, Cytokine.
Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không? 4
Truyền máu giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng do suy tủy gây ra

Suy tủy xương sống được bao lâu?

Suy tủy xương sống được bao lâu vốn là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân. Và cũng tương tự như khả năng chữa khỏi bệnh lý này, tiên lượng của từng trường hợp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, cách thức can thiệp và khả năng đáp ứng của người bệnh.

Thực tế cho thấy khi chưa tiến hành ép tủy hay dùng thuốc ức chế miễn dịch thì từ thời điểm phát hiện bệnh cho tới khi tròn 4 tháng sẽ có trên 25% bệnh nhân tử vong. Và trong vòng 1 năm kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên thì  bệnh nhân sống sót chỉ còn khoảng 50%.

Trong một diễn biến khác, nếu tích cực điều trị bằng việc ghép tủy, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thì thời gian sống của bệnh nhân sẽ được kéo dài đáng kể. Cụ thể như sau:

Đối với bệnh nhân ở độ tuổi trên 50, tỷ lệ sống sót sau 10 năm đạt khoảng 51%. Độ tuổi 30 - 50, 20 - 30 và dưới 20 có tỷ lệ sống sót sau 10 năm lần lượt là 68%, 73% và 83%.

Đối với bệnh suy tủy xương do yếu tố di truyền,  sống sốt cho từng trường hợp sẽ có nhiều sai khác. Theo đó với người bị thiếu máu Fanconi, nếu được ghép tủy xương bởi anh chị em ruột thì tỷ lệ sống sót sau 3 năm đạt khoảng 85%. Trong trường hợp được ghép tủy của những người thân khác thì con số này chỉ dừng lại ở mức 50%.

Người bị thiếu máu Diamond-Blackfan có khả năng đáp ứng điều trị suy tủy bằng Steroid rất tích cực. Khảo sát cho thấy tỷ lệ sống sót sau 40 năm có thể chạm ngưỡng 100% nếu bệnh nhân thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc. Trong trường hợp thuyên giảm khi đang dùng Steroid duy trì thì tỷ lệ sống sót đến 40 năm đạt khoảng 75%.

Khi được ghép tủy của anh chị em ruột, bệnh nhân thiếu máu Diamond-Blackfan có xác suất sống sót sau 3 năm là 80%, nếu ghép tủy của những người thân khác thì tỷ lệ sống sót sau 3 năm chỉ đạt khoảng 20 - 30%.

Suy tủy xương sống được bao lâu? Có chữa được không? 6
Suy tủy xương sống được bao lâu lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố

Bên cạnh các phương pháp can thiệp đích và điều trị triệu chứng thì việc hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (virus, hóa chất độc hại, thuốc,…) cũng giúp người bệnh đáp ứng điều trị tốt hơn và hỗ trợ việc kéo dài tuổi thọ.

Khi đọc đến đây hẳn bạn đã tìm ra lời giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi: “Suy tủy xương sống được bao lâu?”. Mong rằng những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ sẽ thực sự hữu ích đối với bạn và xin chân thành cảm ơn vì tham khảo bài viết của chúng tôi! Trân trọng!

Xem thêm: U tủy sống nguyên phát nội tủy: Dấu hiệu, phân loại và chẩn đoán

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm