Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tác hại của cây chùm ngây có thể bạn chưa biết

Ngày 03/04/2024
Kích thước chữ

Chùm ngây được xem là một trong những loại cây giàu dinh dưỡng. Lá, hạt, vỏ, rễ, nhựa và hoa của cây đều có đặc tính chữa bệnh. Mặc dù được xem là an toàn nhưng chùm ngây vẫn có một số tác dụng phụ cần lưu ý. Mời bạn tìm hiểu về tác hại của cây chùm ngây trong bài viết dưới đây.

Chùm ngây là loại cây phổ biến ở Việt Nam, thường được sử dụng như một loại rau trong bữa ăn, rau chùm ngây thường mọc dại nhưng ở một số nơi lại bán với giá cao. Trong chùm ngây được biết có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin K có nhiều trong lá. Dù chùm ngây có nhiều công dụng nhưng không ít người lo lắng về tác hại của cây chùm ngây.

Cây chùm ngây là gì?

Chùm ngây hay còn gọi là cây dùi trống hay cây cải ngựa, được sử dụng nhiều với mục đích y học tiềm năng và hiện được dùng như nguyên liệu cho các viên uống bổ sung như thực phẩm chức năng.

Dưới dạng bột, lá chùm ngây được tìm thấy nhiều ứng dụng trong điều trị đau đầu, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu và đái tháo đường.

Hầu hết các bộ phận của cây chùm ngây đều được sử dụng. Lá, hạt, vỏ quả, hoa, vỏ và thân của cây chùm ngây đều có thể sử dụng được. Nhưng mỗi bộ phận có một công dụng riêng và một số có thể gây hại nếu không sử dụng đúng cách.

Tac-hai-cua-cay-chum-ngay 2.png
Cây chùm ngây có nhiều lợi ích nhưng cũng có những tác hại cần lưu ý

Lá cây chùm ngây chứa nhiều chất chống oxy hóa, rất giàu dinh dưỡng, cũng cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Lá cây chùm ngây là nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực, chế biến thành món rau xào, salad, sinh tố hoặc nấu canh. Hiểu rõ về tác hại của cây chùm ngây sẽ giúp bạn biết cách sử dụng loại cây này một cách an toàn.

Ở Việt Nam, lá chùm ngây thường được các chị em sử dụng với mục đích hỗ trợ điều trị rong kinh, tắt kinh. Ngoài ra, chùm có chứa nhiều vitamin hỗ trợ bù lượng máu đã mất trong kỳ kinh nguyệt, tăng huyết sắc tố.

Tác hại của cây chùm ngây

Bên cạnh những công dụng như giảm thiểu các tình trạng bệnh lý tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, giảm đường huyết, ngừa thiếu máu,... Thì người sử dụng cần nên biết đến những tác hại của cây chùm ngây nếu sử dụng không đúng cách, dưới đây là một số tác hại của cây chùm ngây:

Ảnh hưởng đến tiêu hóa và dạ dày

Chùm ngây khá an toàn và ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bạn ăn số lượng lớn ăn lá chùm ngây có thể làm tăng lượng chất sắt trong máu. Điều này sẽ gây khó chịu ở dạ dày, gây đau bụng, nhuận tràng và nhiều vấn đề tiêu hóa khác. Hàm lượng vitamin C cao có trong cây chùm ngây còn có thể dẫn đến tiêu chảy và gây một số vấn đề cho dạ dày như loét dạ dày nếu như sử dụng quá nhiều.

Bệnh nhiễm sắc tố sắt ở mô

Bệnh nhiễm sắc tố sắt ở mô xảy ra khi có quá nhiều chất sắt trong cơ thể, có thể gây tổn thương cho tim, gan và tuyến tụy. Vì chùm ngây có chứa sắt nên dùng quá nhiều có thể dẫn đến bệnh nhiễm sắc tố sắt mô hoặc làm nặng hơn ở người đang mắc bệnh này.

Tac-hai-cua-cay-chum-ngay 3.png
Sử dụng quá nhiều cây chùm ngây gây rối loạn tiêu hóa và đường huyết

Gây rối loạn mức đường huyết

Vì chùm ngây có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu trong cơ thể nên nó có thể nguy hiểm nếu dùng bởi những người mắc bệnh tiểu đường đã dùng insulin.

Tác hại của cây chùm ngây đối với phụ nữ mang thai

Những người mang thai nên tránh dùng chùm ngây vì trong rễ, vỏ và chiết xuất chùm ngây có chất gây co thắt tử cung, dễ dùng nhiều gây tác động dẫn đến sảy thai hoặc thai lưu. Do đó, nên cân nhắc trước khi đưa chùm ngây vào chế độ dinh dưỡng của mình. Phụ nữ đang cho con bú cũng nên tránh dùng lá chùm ngây, bởi chưa biết được có hợp chất nào trong lá truyền qua sữa sang trẻ hay không.

Hạ huyết áp và chậm nhịp tim

Chất alkaloid được tìm thấy trong thân cây và rễ chùm ngây, các chất này làm chậm nhịp tim dẫn tới hạ huyết áp. Những tác dụng điều trị cần có hàm lượng cụ thể, nếu sử dụng không đúng hoặc quá nhiều dẫn đến nhiều hệ quả như tụt huyết áp sâu dẫn đến ngất.

Đột biến tế bào

Hiện nay qua một số nghiên cứu các nhà khoa học đã nhận thấy được khả năng kháng ung thư nhờ vào khả năng gây oxy hóa và làm tổn thương ADN dẫn đến tế bào ung thư giảm khả năng nhân đôi. Nhưng điều này đồng nghĩa với một số chất trong cây chùm ngây có thể gây đột biến tế bào. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng khoa học trực tiếp.

Tac-hai-cua-cay-chum-ngay 4.png
Có thể sử dụng chùm ngây theo nhiều cách nhưng cần lưu ý liều lượng

Tương tác thuốc

Chùm ngây được ghi nhận nhiều ảnh hưởng đến gan trong việc chuyển hóa một số loại thuốc.

Những loại thuốc có thể ảnh hưởng tác dụng khi sử dụng chung với chùm ngây:

  • Thuốc điều trị tuyến giáp Levothyroxine: Trong chùm ngây có một số hợp chất có tác động lên tuyến giáp, dùng chung có thể gây tăng công dụng của thuốc dẫn đến cường giáp.
  • Thuốc được gan phân hủy: Làm chậm việc chuyển hóa thuốc ở gan dẫn đến chậm quá trình phân hủy thuốc. Điều này gây tăng thời gian thuốc hoạt động và tồn tại ở dạng tự do trong cơ thể, dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe trong đó có gây hại đến gan.
  • Bệnh tiểu đường: Cả chùm ngây và thuốc trị tiểu đường đều làm giảm lượng glucose trong máu. Việc sử dụng chùm ngây chung với các thuốc hóa dược điều trị đái tháo đường gây hạ đường huyết quá mức do cả hai đều làm giảm lượng glucose trong máu. Nếu dùng chung cả hai thì lượng đường trong máu có thể giảm xuống quá thấp và gây nguy hiểm với bệnh nhân đái tháo đường khi gây tụt đường huyết quá mức.
  • Thuốc huyết áp: Với tác động làm chậm nhịp tim, khi dùng chung chùm ngây với thuốc điều trị huyết áp có thể khiến huyết áp của bạn giảm xuống dưới mức trung bình.

Những lưu ý khi sử dụng cây chùm ngây

Cây chùm ngây có nhiều công dụng nhưng nếu sử dụng không đúng cách hay đối tượng không phù hợp sử dụng có thể gây ra những tác hại không mong muốn. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng để hạn chế những tác hại của cây chùm ngây gây ra:

  • Liều lượng an toàn được khuyến cáo của các chuyên gia là khoảng 6g/ngày trong 3 tuần. Đây chỉ là liều tham khảo vì sẽ tùy vào thể trạng của từng người mà liều lượng có thể thay đổi. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn sử dụng.
  • Tránh ăn vào buổi tối để không bị mất ngủ.
  • Cần đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn, không nên ăn quá nhiều.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú, người bị sỏi thận, viêm loét dạ dày không nên ăn chùm ngây.
  • Lá cây có thể ăn sống hoặc sử dụng như một loại rau trong bữa ăn. Bột lá chùm ngây có thể dùng để pha nước uống hoặc nấu cháo. Quả chùm ngây dùng để chế biến thành các món ăn ngon. Hoa chùm ngây phơi khô, pha với nước nóng như uống trà.
Tac-hai-cua-cay-chum-ngay 5.png
Sảy thai là một trong những tác hại của cây chùm ngây, phụ nữ mang thai không nên sử dụng

Tác hại của cây chùm ngây tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đa số là hệ quả khi sử dụng quá nhiều. Cùng với nhiều lợi ích sức khỏe, cây chùm ngây được nghiên cứu với mục đích bổ sung trong việc điều trị nhiều chứng bệnh. Nếu như bạn có ý định sử dụng các chế phẩm dạng cô đặc từ cây chùm ngây, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có cách sử dụng hợp lý nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin