Tắc ruột cơ học là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của tắc ruột cơ học
Ngày 15/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tắc ruột là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến trong các trường hợp cấp cứu ngoại khoa ổ bụng. Nguyên nhân gây tắc ruột gồm hai loại là tắc ruột cơ năng và cơ học. Trong đó, tắc ruột cơ học chiếm hơn 95% tổng số ca nhập viện do tắc ruột và là dạng thường gặp nhất. Vậy nguyên nhân gây tắc ruột cơ học là gì?
Tắc ruột là tình trạng thức ăn bị chặn lại và không thể tiếp tục di chuyển xuống dưới để hoàn thành quá trình tiêu hóa. Hội chứng tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết sau đây, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây tắc ruột cơ học cũng như một số triệu chứng nhận biết đặc trưng.
Thế nào là tắc ruột?
Tắc ruột là tình trạng các chất trong lòng ruột bị ngưng trệ, đây là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm tỷ lệ từ 9 - 19% trong các trường hợp cấp cứu bụng và từ 0,8 - 1,2% trong các bệnh ngoại khoa.
Các chất trong lòng ruột gồm:
Ruột non: Thức ăn đang trong quá trình tiêu hóa, hấp thu, dịch tiêu hóa.
Tắc ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới, nhưng nguyên nhân gây tắc ruột có thể khác nhau theo từng lứa tuổi. Tắc ruột thường được chia thành hai loại:
Tắc ruột cơ học: Chiếm tỷ lệ 95 - 97% và thường gặp hơn.
Bài viết này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào tắc ruột cơ học, đặc biệt là các nguyên nhân và triệu chứng của căn bệnh này.
Nguyên nhân dẫn đến tắc ruột cơ học
Nguyên nhân gây tắc ruột cơ học được xác định là do ruột bị bít nghẽn hoặc bị thắt lại hay một số nguyên nhân khác như:
Tắc ruột do bít nghẽn
Tắc ruột do bít nghẽn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong những nguyên nhân chính phải kể đến như:
Lòng ruột có thể bị bít, tắc nghẽn do các vật lạ trong ruột như: Búi giun đũa, u bã thức ăn, sỏi mật.
Lòng ruột bị bít tắc do các tổn thương từ thành ruột như: Sẹo xơ, teo ruột, ruột đôi, u lành tính hoặc ác tính của ruột non hay ruột già, tổn thương do viêm lao hoặc viêm trong bệnh Crohn gây ra.
Lòng ruột bị bít tắc do tác động từ bên ngoài đè vào: Thường gặp ở các trường hợp u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u sau phúc mạc, u mạc treo,…
Hậu quả của tắc ruột do bít là ruột phía trên chỗ tắc bị chướng lên, niêm mạc ruột bị tổn thương, phù nề, xung huyết. Người bệnh bị mất nước và rối loạn điện giải dễ dẫn đến suy thận cơ năng, nứt hoặc vỡ đại tràng, và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Tắc ruột do thắt
Tắc ruột do thắt thường xảy ra trong một số trường hợp như:
Xoắn ruột: Bao gồm xoắn ruột non, xoắn manh tràng, xoắn đại tràng Sigma.
Thoát vị nghẹt: Gồm thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị bịt nghẹt, thoát vị trong ổ bụng nghẹt.
Lồng ruột: Thường gặp các trường hợp lồng xuôi chiều, lồng ngược chiều, lồng đơn, lồng hỗn hợp, lồng ở nhũ nhi, và lồng ruột ở người lớn.
Dây chằng: Xuất hiện sau phẫu thuật, gây chèn ép ruột và mạch máu mạc treo.
Hậu quả của tắc ruột do thắt bao gồm xoắn ruột, hoại tử quai ruột và mạch máu mạc treo, thủng ruột, viêm phúc mạc, và xoắn quai ruột.
Tắc ruột do hiện tượng viêm
Mọi hiện tượng viêm nhiễm trong ổ bụng (khu trú hay toàn bộ) đều có thể gây tắc ruột (loại hỗn hợp là vừa liệt ruột, vừa tắc ruột cơ học). Đây là loại tắc ruột kèm theo sốt. Thường thì bệnh cảnh viêm phúc mạc nổi trội, nhưng ở người già, triệu chứng tắc ruột lại nổi trội hơn.
Tắc ruột sớm sau mổ
Sau phẫu thuật vùng bụng, có thể dẫn đến liệt ruột trong 48 giờ đầu. Tắc ruột sau mổ thường do viêm phúc mạc do bục miệng nối đường tiêu hóa. Nguyên nhân thứ hai thường gặp là thoát vị nội (phẫu thuật viên không đóng kín mạc treo sau khi cắt nối ruột).
Những triệu chứng lâm sàng phổ biến của những bệnh nhân mắc bệnh tắc ruột cơ học là:
Đau bụng quặn từng cơn: Bệnh nhân thường cảm thấy những cơn đau bụng dữ dội, có thể xuất hiện và biến mất theo từng đợt.
Nôn ra thức ăn, dịch tiêu hóa, có trường hợp nôn ra phân: Triệu chứng này xuất hiện khi dịch tiêu hóa không thể di chuyển qua đường ruột bình thường, dẫn đến việc thức ăn và dịch tiêu hóa bị đẩy ngược lên dạ dày và thực quản, thậm chí trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể nôn ra phân.
Bí trung, đại tiện: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc xì hơi hoặc đi tiêu, do sự tắc nghẽn trong ruột.
Khi khám các bác sĩ có thể phát hiện ra một số triệu chứng như: Bụng chướng, gõ vang, dấu hiệu rắn bò (+). Khi ấn bụng, bệnh nhân cảm thấy đau, có thể có đề kháng nếu ruột bị hoại tử.
Trên đây là những thông tin tham khảo về nguyên nhân và triệu chứng tắc ruột cơ học cần lưu ý. Việc hiểu rõ và nhận biết sớm những dấu hiệu của tắc ruột có thể giúp bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe định kỳ và kịp thời là chìa khóa để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.