Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không?

Quỳnh Loan

25/03/2025
Kích thước chữ

Tắc ruột do bã thức ăn là một dạng tắc ruột cơ học xảy ra khi thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn, kết dính thành khối rắn và gây tắc nghẽn đường ruột. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, tắc ruột do bã thức ăn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu ruột, viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết.

Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, người có hệ tiêu hóa kém hoặc những ai tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, khiến thức ăn khó tiêu hóa hoàn toàn và dễ tạo thành khối bã gây tắc nghẽn. Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng này, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và xây dựng thói quen ăn uống khoa học là rất quan trọng.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Nguyên nhân và đối tượng nguy cơ

Tắc ruột do bã thức ăn là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa phổ biến, xảy ra khi một khối bã thức ăn hình thành trong dạ dày và di chuyển xuống ruột non, gây tắc nghẽn.

Khối bã này có thể bao gồm chất xơ thực vật, protein động vật, lông tóc hoặc hỗn hợp nhiều thành phần khác nhau. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn cần được can thiệp phẫu thuật để loại bỏ khối tắc và phục hồi lưu thông tiêu hóa.

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc tình trạng này bao gồm người đã từng phẫu thuật cắt dạ dày, người lớn tuổi bị rụng răng gây ảnh hưởng đến quá trình nhai nuốt, bệnh nhân viêm tụy mạn tính dẫn đến suy giảm chức năng tiêu hóa và trẻ em có thói quen ăn quá nhiều hoa quả hoặc thực phẩm giàu chất xơ.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? 1
Khi một khối bã thức ăn hình thành trong dạ dày, xuống ruột non sẽ gây tắc nghẽn

Nguyên nhân chính khiến bã thức ăn gây tắc ruột là do thành phần khó tiêu, chứa nhiều sợi xơ và chất dai. Khi gặp tình trạng suy giảm độ toan của dịch vị, rối loạn chức năng tụy ngoại tiết hoặc viêm xơ tụy, quá trình tiêu hóa bị suy yếu khiến thức ăn dễ tích tụ và tạo thành khối bã. Đặc biệt, những người gặp vấn đề về răng miệng như đau răng hay rụng răng làm giảm khả năng nhai cũng có nguy cơ cao bị tắc ruột do bã thức ăn.

Việc nhận biết sớm tình trạng tắc ruột do bã thức ăn và can thiệp kịp thời đóng vai trò quan trọng trong điều trị, giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Nhận biết dấu hiệu tắc ruột do bã thức ăn

Tắc ruột do bã thức ăn là một tình trạng nguy hiểm cần được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng giúp nhận biết bệnh:

Đau bụng

Đây là dấu hiệu phổ biến nhất ở bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc trở nên dữ dội theo thời gian. Vị trí đau thường khu trú tại vùng trên rốn, quanh rốn hoặc lệch sang bên trái hoặc bên phải bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan xuống vùng chậu và nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ bụng.

Buồn nôn và nôn

Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn nhiều lần khi tình trạng tắc ruột tiến triển. Ban đầu, chất nôn thường là thức ăn chưa tiêu hóa, sau đó có thể chuyển thành dịch mật hoặc dịch tiêu hóa. Trong trường hợp nghiêm trọng, khi người bệnh nôn ra dịch có mùi hôi thối giống phân, đó là dấu hiệu cảnh báo tắc ruột đã diễn biến nặng và cần can thiệp y tế ngay lập tức. Cơn buồn nôn có thể đi kèm với đau bụng do nhu động ruột tăng cường hoặc hiện tượng phản nhu động.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? 2
Tắc ruột do bã thức ăn gây nên triệu chứng buồn nôn và nôn

Bí trung đại tiện

Khi bị tắc ruột do bã thức ăn, người bệnh có thể gặp tình trạng không thể đi đại tiện hoặc trung tiện. Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh nhưng cũng dễ bị bỏ qua do tính chất chủ quan. Bí trung đại tiện cho thấy sự đình trệ hoàn toàn của các chất trong lòng ruột, đồng thời có thể kèm theo chướng bụng và cảm giác căng tức khó chịu.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu này giúp bệnh nhân có hướng xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm và đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Tắc ruột do bã thức ăn có nguy hiểm không?

Tắc ruột do bã thức ăn là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi tình trạng tắc nghẽn xảy ra, đoạn ruột phía trên vị trí tắc sẽ nhanh chóng bị rối loạn chức năng, gây tổn thương nghiêm trọng đến thành ruột và ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.

Một trong những hậu quả đầu tiên của tắc ruột do bã thức ăn là sự trướng và căng dãn của đoạn ruột phía trên do tích tụ hơi và dịch tiêu hóa. Sự gia tăng áp lực trong lòng ruột làm gián đoạn tuần hoàn tĩnh mạch, giảm tưới máu mao mạch, dẫn đến niêm mạc ruột bị phù nề, xung huyết và tổn thương nghiêm trọng. Khi quá trình hấp thu tại ruột bị suy giảm hoặc ngừng lại, dịch và hơi tiếp tục ứ đọng trong lòng ruột, làm tình trạng tắc nghẽn trở nên trầm trọng hơn.

Nôn nhiều cũng là một dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân tắc ruột do bã thức ăn. Việc nôn liên tục giúp giảm bớt lượng dịch bị ứ đọng nhưng đồng thời cũng làm mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng. Nếu không được bù nước kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng kiềm toan, tăng nguy cơ suy thận cơ năng và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ tuần hoàn.

Ngoài ra, khi ruột bị căng trướng, lượng dịch và hơi tích tụ trong lòng ruột có thể tràn ra ổ bụng, khiến bụng bị trướng căng và làm tăng áp lực lên cơ hoành. Điều này gây khó khăn trong quá trình hô hấp, làm giảm thông khí phổi và ảnh hưởng đến khả năng bù trừ của cơ thể.

Nếu không được xử lý kịp thời, tắc ruột do bã thức ăn có thể dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột và nhiễm trùng ổ bụng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe người bệnh.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? 3
Tắc ruột do bã thức ăn có thể dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột và nhiễm trùng ổ bụng

Biện pháp phòng ngừa tắc ruột do bã thức ăn

Người cao tuổi và những đối tượng có nguy cơ cao cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan hoặc có kết cấu cứng, khó tiêu hóa. Khi chế biến thức ăn, nên ưu tiên các món mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa như cháo, súp, thực phẩm hầm nhừ. Đặc biệt, không nên ăn khi bụng đói vì lúc này nồng độ axit trong dạ dày cao, dễ làm kết tủa nhựa và chất xơ có trong một số loại trái cây như hồng xiêm, ổi hoặc mít, tạo thành khối bã cứng gây tắc ruột.

Để phòng ngừa tắc ruột do bã thức ăn hiệu quả, cần lưu ý một số biện pháp sau:

Chế biến thực phẩm đúng cách

Nên nấu chín kỹ, ninh nhừ và nhai kỹ trước khi nuốt để giảm nguy cơ hình thành khối bã thức ăn trong đường ruột.

Bổ sung đủ nước hàng ngày

Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa tình trạng táo bón - một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tắc ruột.

Duy trì thói quen vận động

Tập thể dục thường xuyên giúp kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ hình thành khối bã thức ăn.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? 4
Tập thể dục thường xuyên có thể giảm nguy cơ hình thành khối bã thức ăn

Tránh ăn thức ăn quá cứng hoặc dai

Những thực phẩm như thịt nướng, mực khô hoặc xương cá có thể tạo thành lõi cứng, khiến các thành phần thức ăn khác dễ bám vào và hình thành khối bã lớn.

Ưu tiên rau xanh có độ nhớt cao

Các loại rau như mồng tơi, rau đay hoặc đậu bắp có tác dụng nhuận tràng, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa, từ đó hạn chế nguy cơ tắc ruột.

Hạn chế trái cây có vị chát

Các loại quả như hồng xiêm, ổi hoặc sung có thể gây kết tủa chất xơ khi kết hợp với thức ăn giàu đạm. Không nên ăn các loại trái cây này lúc đói hoặc kết hợp với thực phẩm chứa nhiều protein như thịt bò, trứng hoặc sữa.

Tắc ruột do bã thức ăn là gì? Có nguy hiểm không? 5
Các loại quả như hồng xiêm có thể gây kết tủa chất xơ khi kết hợp với thức ăn giàu đạm

Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn đều cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, rối loạn điện giải hoặc nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng dữ dội, trướng bụng hoặc nôn ói bất thường, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan hay tự ý dùng thuốc giảm đau mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin