Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tại sao uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ?

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ

Việc lạm dụng rượu bia gây nên nhiều tác động xấu đối với sức khỏe, trong đó có việc uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người uống trung bình hơn 4 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc đột quỵ tăng lên 35% so với những người ít uống hoặc không uống rượu.

Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề “uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ”. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về mối liên quan giữa rượu và đột quỵ

Đột quỵ đôi khi được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị ngừng đột ngột. Khi não ngừng nhận lưu lượng máu và oxy, các tế bào não có thể bắt đầu chết. Một người bị đột quỵ trong bao lâu sẽ quyết định mức độ tổn thương lâu dài.

Rượu và đặc biệt là sử dụng rượu có thể tác động đáng kể đến nguy cơ đột quỵ của một người. Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống một đến hai ly mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ từ 10 - 15%. Bốn ly rượu trở lên mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 35%. Rượu dường như làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết nhiều hơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nguy cơ đột quỵ tăng lên theo thời gian ở những người tiếp tục uống rượu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet năm 2019, uống rượu vừa phải không bảo vệ cơ thể chống lại đột quỵ mà thay vào đó lại làm tăng nguy cơ khi so sánh với việc không uống rượu. Theo các tác giả nghiên cứu, trong nhóm dân số này, rượu góp phần gây ra 8% các ca đột quỵ do cục máu đông trong não và 16% các ca đột quỵ do xuất huyết não.

canh-bao-uong-ruou-tang-nguy-co-dot-quy 1
Sử dụng rượu có thể tác động đáng kể đến nguy cơ đột quỵ của một người

Tại sao uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ?

Có một số nguyên nhân khiến uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm:

  • Tăng huyết áp: Uống rượu có thể dẫn đến huyết áp cao. Huyết áp cao là yếu tố hàng đầu góp phần vào nguy cơ đột quỵ của một người.
  • Tăng cân: Thừa cân và béo phì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người. Uống rượu thường xuyên có thể khiến việc duy trì cân nặng phù hợp trở nên khó khăn.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Rượu có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin, góp phần phát triển bệnh tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ của một người.
  • Tăng nguy cơ tổn thương gan: Rượu là nguyên nhân gây tổn thương gan. Khi gan bị tổn thương, nó sẽ ngừng tạo ra các chất cần thiết để giúp đông máu. Điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Tăng nguy cơ rung nhĩ: Rung nhĩ là tình trạng tim đập không đều. Tiêu thụ rượu quá mức có thể gây ra tình trạng này, do đó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở một người.

Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Ngoài ra, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngay cả một lượng rượu vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo một số nghiên cứu, không có lượng rượu an toàn để tiêu thụ khi muốn giảm nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, việc uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển sang lạnh. Trong mùa đông, khi nhiệt độ giảm, điều này làm tăng sản xuất các catecholamin trong cơ thể, gây ra:

  • Co mạch ngoại biên;
  • Tăng lưu lượng máu trở về tim;
  • Tăng huyết áp.

Uống rượu càng tạo ra sự kích thích mạnh mẽ hơn cho hệ thống thần kinh giao cảm, gây cản trở cho quá trình lưu thông máu và tăng huyết áp. Sự kết hợp giữa rượu và thời tiết lạnh có thể tăng lên nhiều lần nguy cơ mắc đột quỵ.

canh-bao-uong-ruou-tang-nguy-co-dot-quy 2
Uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ do ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và tăng huyết áp

Các biện pháp ngăn ngừa đột quỵ sớm, hiệu quả

Hạn chế uống rượu

Như đã đề cập trước đó, việc lạm dụng rượu tăng nguy cơ mắc đột quỵ. Do đó, để tránh nguy cơ này, mỗi người cần kiểm soát việc sử dụng rượu. Bộ Y tế khuyến cáo:

  • Nam giới trưởng thành không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày.
  • Nữ giới trưởng thành không nên uống quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày.

Một đơn vị rượu có thể tương đương như sau:

  • 30ml rượu cồn (tương đương 1 chén nhỏ);
  • 100ml rượu vang (tương đương khoảng ½ cốc nước uống);
  • 330ml bia tươi (tương đương 1 lon bia).
canh-bao-uong-ruou-tang-nguy-co-dot-quy 3
Hạn chế tối đa việc tiêu thụ rượu bia để bảo vệ sức khỏe

Dinh dưỡng lành mạnh

Để tránh đột quỵ, việc tạo và duy trì một chế độ ăn khoa học và lành mạnh đòi hỏi tuân theo các hướng dẫn sau:

  • Đảm bảo cân bằng giữa protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin trong khẩu phần ăn.
  • Tránh việc ăn quá nhiều hoặc quá ít trong mỗi bữa, thay vào đó, nên chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa.
  • Ưu tiên thêm vào khẩu phần ăn rau củ và hoa quả tươi để tăng cường chất xơ, cũng như bổ sung dưỡng chất tốt cho cơ thể.
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu omega-3 và chất béo không bão hòa để giảm nồng độ LDL-cholesterol trong máu và ngăn chặn cục máu đông.
  • Hạn chế ăn mặn, ăn ngọt và chất béo không lành mạnh.

Tập luyện thể dục

Việc tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:

  • Giảm căng thẳng và stress;
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ;
  • Giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể;
  • Tăng cường tuần hoàn máu;
  • Kiểm soát cân nặng, ngăn chặn tình trạng béo phì;
  • Điều chỉnh huyết áp, duy trì ổn định.

Tất cả những lợi ích trên đều giúp giảm nguy cơ mắc đột quỵ và nâng cao sức khỏe. Theo sở thích và tình trạng sức khỏe cá nhân, có nhiều lựa chọn bài tập phù hợp như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, aerobics, yoga, dưỡng sinh. Để duy trì, nên tập luyện ít nhất từ 4 - 5 buổi mỗi tuần, với thời lượng khoảng 20 - 30 phút mỗi lần.

canh-bao-uong-ruou-tang-nguy-co-dot-quy 4
Tập luyện thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc đột quỵ và nâng cao sức khỏe

Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ

Mọi người, đặc biệt là những người thường xuyên uống rượu, cần thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ. Việc này giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu não hoặc chảy máu não.

Lạm dụng rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ, mà còn gây nhiều ảnh hưởng liên quan khác đến sức khỏe cơ thể. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về vấn đề “uống rượu tăng nguy cơ đột quỵ”. Bài viết này giải thích mối liên hệ giữa uống rượu và đột quỵ, đồng thời đưa ra những lời khuyên thiết thực về cách bạn có thể ngăn ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin