Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tầm quan trọng và quy trình thực hiện khám bàn chân đái tháo đường

Ngày 03/07/2024
Kích thước chữ

Khám bàn chân đái tháo đường đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm các biến chứng tiểu đường liên quan đến bàn chân. Cùng tìm hiểu vai trò và quy trình thực hiện khám bàn chân đái tháo đường.

Khám bàn chân đái tháo đường được coi là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường. Việc thăm khám, kiểm tra bàn chân định kỳ giúp phát hiện sớm các biến chứng tiểu đường liên quan đến bàn chân, ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng, giảm thiểu nguy cơ phải cắt cụt chân và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tìm hiểu về bệnh lý đái tháo đường

Đái tháo đường hay tiểu đường là bệnh lý mãn tính phổ biến. Tính đến cuối năm 2023 đã có khoảng 537 triệu người trưởng thành mắc căn bệnh này, chiếm khoảng 10,5% dân số thế giới. Trong đó, có đến hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường.

Khi mắc căn bệnh này, khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin để chuyển hóa glucose từ máu vào các tế bào và tạo ra năng lượng bị ảnh hưởng. Khi đó, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả. Đường huyết sẽ tăng cao gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe và biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường là các biến chứng liên quan đến bàn chân.

Khám bàn chân đái tháo đường: Tầm quan trọng và quy trình thực hiện 1
Tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường mắc các biến chứng liên quan đến bàn chân khá cao

Vấn đề thường gặp ở bàn chân của người đái tháo đường

Khám bàn chân đái tháo đường là chủ đề được các bệnh nhân quan tâm vì có nhiều vấn đề liên quan đến bàn chân ở người mắc bệnh tiểu đường như:

Mất cảm giác, rối loạn cảm giác ở chân

Bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý thần kinh dẫn đến mất cảm giác, khiến họ bị thương ở chân mà không hề hay biết. Các triệu chứng của bệnh lý thần kinh thường gồm chân ngứa ran, tê hoặc đau, chân bỏng rát.

Loét bàn chân ở người tiểu đường

Đây là biến chứng liên quan đến chân phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Các vết loét sẽ bắt đầu từ các vết thương rất nhỏ. Nhưng khi lưu thông máu kém và bị mất cảm giác, chúng dễ lớn dần lên và trở thành các nhiễm trùng nghiêm trọng. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vết loét sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm hơn.

Nhiễm trùng chân, nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng ở bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường có thể bắt nguồn từ các vết thương nhỏ, vết nứt nẻ trên da, vết cắt trên da hay điều trị vết loét bàn chân tiểu đường không đúng cách. Hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả cùng với lưu thông máu kém khiến vi khuẩn sinh sôi và gây nhiễm trùng tại vị trí tổn thương.

Bệnh nhân sẽ gặp các dấu hiệu nhiễm trùng ở chân như vết thương đỏ, sưng, nóng, đau tại chỗ, có kèm dịch hoặc mủ tiết ra tại vị trí tổn thương. Bệnh nhân có biểu hiện sốt ở các mức độ khác nhau. Nếu nhiễm trùng vết thương nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương vô cùng nguy hiểm. Cũng có trường hợp tiểu đường bị hoại tử chân xuất phát từ nhiễm trùng vết thương nhỏ mà ra.

Khám bàn chân đái tháo đường: Tầm quan trọng và quy trình thực hiện 2
Khám bàn chân đái tháo đường giúp bệnh nhân phát hiện sớm biến chứng ở chân

Biến chứng bàn chân Charcot

Bàn chân Charcot ở bệnh nhân tiểu đường tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Biến chứng xảy ra khi bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại vi. Các tổn thương diễn biến từ từ, hủy hoại các mô mềm, xương, khớp trong bàn chân hoặc mắt cá chân. Khi đó, xương yếu hơn, người bệnh dễ bị trật khớp, sai khớp, gãy xương. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chân người bệnh có thể bị biến dạng nghiêm trọng, nhiễm trùng nặng thậm chí phải đoạn chi.

Bàn chân biến dạng do bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường khi bị tổn thương dây thần kinh và cơ có thể bị biến dạng bàn chân. Các biến dạng phổ biến nhất thường là ngón chân khoèo, ngón chân búa, bắp chân co rút… Khi đó, áp lực lên bàn chân không đều làm tăng nguy cơ loét và nhiễm trùng.

Tầm quan trọng của khám bàn chân đái tháo đường

Tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng bàn chân trong suốt cuộc đời chiếm khoảng 15 - 25%. Những biến chứng này có thể bao gồm loét chân, nhiễm trùng, hoại tử thậm chí phải cắt cụt chi. Việc khám bàn chân đái tháo đường đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị sớm biến chứng bàn chân đái tháo đường.

Các biến chứng ở bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường thường xảy ra do hai nhóm nguyên nhân chính bao gồm: Tổn thương thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên. Nếu như tổn thương thần kinh có thể làm giảm cảm giác ở bàn chân, khiến người bệnh không nhận ra các vết thương nhỏ hoặc tổn thương da thì bệnh mạch máu ngoại biên làm giảm lưu thông máu đến chân, khiến quá trình lành vết thương trở nên khó khăn hơn. Kết quả là từ các vết thương nhỏ có thể dẫn đến những vết loét chân nghiêm trọng và thậm chí là nhiễm trùng lan rộng.

Khám bàn chân đái tháo đường: Tầm quan trọng và quy trình thực hiện 3
Người mắc tiểu đường cần khám chân định kỳ

Khám bàn chân đái tháo đường định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề ở bàn chân. Từ đó, bác sĩ có thể can thiệp kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, giảm nguy cơ cắt cụt chân đồng thời từ vấn cách chăm sóc bàn chân cho người tiểu đường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Quy trình khám bàn chân đái tháo đường

Quy trình thăm khám định kỳ cho bàn chân đái tháo đường gồm những bước sau:

Kiểm tra cảm giác của bàn chân

Để kiểm tra, đánh giá cảm giác của bàn chân, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng. Ví dụ như dùng monofilament để kiểm tra cảm giác tại các điểm cụ thể trên bàn chân. Khi bệnh nhân không cảm nhận được sự tác động của sợi monofilament đến vùng da nào, tức là bệnh nhân đang bị mất cảm giác ở vùng da đó.

Kiểm tra khả năng lưu thông máu ở bàn chân

Bằng cách cảm nhận nhịp đập của động mạch ở chân và mắt cá chân, bác sĩ sẽ kiểm tra được khả năng lưu thông máu ở bàn chân của người bệnh. Khi nhịp đập không có hoặc nhịp đập yếu, bệnh nên có dấu hiệu của bệnh mạch máu ngoại biên. Bên cạnh đó, thiết bị đo chỉ số ABI (ankle-brachial index) cũng giúp bác sĩ đánh giá mức độ lưu thông máu ở chân hiệu quả.

Khám bàn chân đái tháo đường: Tầm quan trọng và quy trình thực hiện 4
Qua thăm khám bác sĩ phát hiện và xử lý các tổn thương nếu có

Kiểm tra móng và da của người bệnh

Thông qua việc kiểm tra da và móng của bàn chân, bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các vết loét, vết nứt bẻ, vết cắt, mụn nước hay các dấu hiệu tổn thương có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng khác.

Khám bàn chân đái tháo đường định kỳ hay khi phát hiện bất cứ vấn đề bất thường nào đều vô cùng quan trọng. Việc này giúp phát hiện sớm các vấn đề ở bàn chân của người bệnh để xử lý kịp thời, giảm nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin