Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường bị hoại tử chân: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 18/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiểu đường bị hoại tử chân là biến chứng mà nhiều bệnh nhân đái tháo đường gặp phải và phổ biến nhất ở bệnh nhân ngoài 45 tuổi. Hoại tử chân thường dẫn đến phải cắt cụt chân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.

Theo thống kê, có khoảng 15 - 25% bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân tại một thời điểm nào đó trong đời. Có đến 60% ca bệnh bị cắt cụt chi do vết loét nhiễm khuẩn. Và tỷ lệ tử vong ở người bệnh sau năm năm cắt cụt chân là 50 - 60%. Bệnh nhân tiểu đường bị hoại tử chân là một biến chứng thực sự nguy hiểm mà chúng ta cần hiểu rõ.

Mức độ tổn thương bàn chân do bệnh tiểu đường

Theo các bác sĩ, tổn thương bàn chân do bệnh tiểu đường có 4 mức độ khác nhau gồm:

  • Tổn thương khó lành trên da: Đây là tổn thương ở các bệnh nhân tiểu đường bị tổn thương thần kinh chỉ huy. Khi đó, các hoạt động làm ẩm da, tái tạo da bị ảnh hưởng khiến da khô, nứt nẻ, bong tróc, khó lành khi có tổn thương.
  • Bị chai chân: Chai chân là tình trạng có thể gặp ở nhiều người, kể cả không mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ở bệnh nhân đái tháo đường, các vết chai dễ bị nứt, lở loét, khó lành, dễ nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ tiểu đường bị hoại tử chân.
  • Vết loét ở chân: Vết loét này hình thành do người bệnh gặp biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên. Khi đó, người bệnh mất cảm giác đau hay cảm giác với nhiệt độ nóng lạnh, làm giảm khả năng tự vệ và chữa lành vết thương. Lượng máu đến chân giảm khiến các vết loét thiếu oxy và dưỡng chất khiến vết loét càng lan rộng, nghiêm trọng và dẫn đến hoại tử.
  • Hoại tử chân: Đây là biến chứng bàn chân đái tháo đường nghiêm trọng nhất. Hoại tử xảy ra khi các tổn thương và vết loét không được điều trị đúng cách và kịp thời. Vết loét quá lớn sau thời gian dài sẽ thiếu máu nuôi khiến các mô, cơ, da chết dần và hoại tử.
Tiểu đường bị hoại tử chân: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Hình ảnh một gót chân hoại tử ở bệnh nhân tiểu đường

Tiểu đường bị hoại tử chân là gì?

Ở bệnh nhân đái tháo đường, lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao sẽ làm tổn thương các mạch máu, dây thần kinh ở bàn chân. Nếu có vết thương ở bàn chân, vết thương sẽ rất lâu lành. Điều này làm tăng cơ hội cho vi khuẩn, vi trùng xâm nhập và khiến vết thương bị nhiễm trùng. Các mạch máu tại vết thương bị tổn thương khiến khó lành, lâu ngày khiến các mô, da, cơ bị chết dần và dẫn đến hoại tử.

Hoại tử ngón chân, bàn chân nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cắt ngón chân, bàn chân hoặc một phần chân bị tổn thương. Việc cắt bỏ phần hoại tử này giúp nhiễm trùng không bị lây lan rộng hơn và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân tiểu đường bị hoại tử chân

Bệnh nhân tiểu đường bị hoại tử chân có thể do những nguyên nhân chính như:

  • Thần kinh ngoại biên bị tổn thương: Đây là biến chứng gặp phải ở 50 - 75% người bệnh. Thần kinh ngoại biên tổn thương khiến người bệnh bị mất cảm giác, không cảm thấy đau hay mất cảm giác nóng lạnh. Chính điều này làm tăng nguy cơ bị thương, trầy xước, bỏng rộp… Ngoài ra, các tổn thương thần kinh ngoại biên cũng dẫn đến những thay đổi ở da, giảm tiết mồ hôi, giảm đề kháng của da. Vì vậy, vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập làm nhiễm khuẩn bàn hơn hơn. Đây chính là nguyên nhân chân bị hoại tử do tiểu đường.
  • Bệnh nhân bị mắc các bệnh mạch máu ngoại biên (hay bệnh mạch máu ngoại vi) - bệnh liên quan đến động mạch cách xa tim. Ở các bệnh nhân tiểu đường, xơ vữa động mạch hay huyết khối sẽ khiến các mạch máu ngoại biên bị tắc nghẽn, các động mạch cung cấp máu cho chân bị tổn thương. Điều này khiến vết thương ở chân khó lành, khó chữa.
Tiểu đường bị hoại tử chân: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Các mức độ tổn thương chân ở bệnh nhân tiểu đường không giống nhau

Cách điều trị tiểu đường bị hoại tử chân

Khi phát hiện bệnh nhân tiểu đường bị hoại tử chân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị như sau:

  • Làm rộng vết thương bị hoại tử để loại bỏ áp lực tại vị trí loét.
  • Cắt các mô bị hoại tử, cắt các phần ngón chân, bàn chân, một phần chân bị hoại tử để ngăn nhiễm trùng lan rộng.
  • Dùng kháng sinh phù hợp để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ.
  • Giúp vết thương nhanh lành bằng việc sử dụng các loại băng gạc bất hoạt vi khuẩn, dùng màng biofilm, kiểm soát chảy dịch tại vết thương…
  • Sử dụng các thuốc kích thích biểu bì hóa và kích thích lên mô hạt, cung cấp oxy tại chỗ để vết thương nhanh phục hồi.

Bệnh nhân tiểu đường bị hoại tử chân sau khi xử lý vết hoại tử cần được chăm sóc cẩn thận. Cụ thể là:

  • Thay băng hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nên kiểm tra và thông báo bác sĩ nếu có tình trạng sưng, đỏ hay có các vết nứt mới.
  • Chân bệnh nhân nên được giữ khô ráo, thoáng.
  • Không tự ý thoa thuốc hay bất kỳ sản phẩm nào khác trên vết thương.
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tăng cường uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh. Người nhà bệnh nhân nên tìm hiểu người bị bệnh tiểu đường ăn gì tốt nhất để xây dựng thực đơn cho người bệnh.
Tiểu đường bị hoại tử chân: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Chân hoại tử sau khi xử lý cần được chăm sóc cẩn thận

Phòng ngừa tiểu đường bị hoại tử chân

Bệnh nhân tiểu đường có thể phòng ngừa hoặc giảm nguy cơ bị hoại tử chân bằng các cách như:

  • Luôn cố gắng duy trì mức đường huyết ổn định bằng chế độ ăn uống khoa học, vận động hợp lý và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có thói quen kiểm tra chân hàng hàng. Nếu có vết thương hoặc phồng rộp cần theo dõi kỹ. Các vết thương, vết loét khi được điều trị sớm và đúng cách sẽ không dẫn đến hoại tử.
  • Không nên đi chân đất, mang giày dép vừa vặn, tránh làm chân bị cọ xát gây tổn thương.
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc vì nó không tốt cho sức khỏe tổng thể. Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến chân, làm chậm khả năng phục hồi vết thương ở chân.

Tiểu đường bị hoại tử chân nếu nghiêm trọng dễ dẫn đến phải cắt chân để kiểm soát nhiễm trùng. Do vậy, bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi đôi chân cẩn thận hàng ngày. Nếu có vết trầy xước hoặc tổn thương trên chân dù nhỏ nhất, bệnh nhân cũng nên khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời. 

Xem thêm: Nguy cơ tử vong do hoại tử thượng bì nhiễm độc

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm