Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tăng trương lực cơ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/03/2024
Kích thước chữ

Tăng trương lực cơ là một dấu hiệu của rối loạn hệ thần kinh trung ương, có thể ảnh hưởng đến khả năng co giãn bắp thịt tùy ý và gây ra co cứng tứ chi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tăng trương lực cơ ở trẻ.

Trong các bệnh lý rối loạn khả năng vận động do các vấn đề liên quan đến thần kinh, ngoài loạn trương lực cơ còn có tình trạng tăng trương lực cơ thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này phản ánh bất thường về hệ thần kinh trung ương và làm tăng nguy cơ bại não ở trẻ em. Việc tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tình trạng này là vô cùng cần thiết.

Tăng trương lực cơ là gì?

Trương lực cơ được hiểu là lực căng của cơ khi cơ thể đang trong trạng thái nghỉ. Ở điều kiện sức khỏe bình thường, khi trong trạng thái nghỉ, cơ sẽ chịu lực kéo từ 2 đầu bám nên luôn có trương lực nhất định. Trương lực này được duy trì nhờ có cơ chế điều hòa trương lực cơ từ hệ thần kinh trung ương. Các tín hiệu từ não sẽ truyền đến dây thần kinh và báo hiệu cho cơ. Có thể nói, trương lực cơ rất quan trọng đối với khả năng giữ thẳng người, di chuyển hay thực hiện các vận động tinh.

Tăng trương lực cơ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Tăng trương lực cơ có thể biểu hiện khi trẻ mới chào đời

Tăng trương lực cơ (Hypertonia) là tình trạng có quá nhiều trương lực cơ khiến các cơ không thể giãn tùy ý. Từ đó sẽ gây co cứng tứ chi khiến người bệnh khó di chuyển, khó thực hiện các vận động tinh và được coi là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.

Trẻ sơ sinh bị tăng trương lực cơ có thể nhận biết quá việc trẻ có vẻ cứng, khó cử động các cơ. Trường hợp tăng trương lực cơ sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ được cải thiện khi can thiệp kịp thời. Trẻ lớn hơn bị tăng trương lực cơ khó giữ thăng bằng, khó cầm nắm đồ vật, cần giúp đỡ cả trong những hoạt động đơn giản thậm chí phải sống phụ thuộc. Tăng trương lực cơ duỗi cổ và thân làm gia tăng nguy cơ bại não trẻ em.

Tăng trương lực cơ ở trẻ sơ sinh được phân thành 3 loại gồm: Tăng trương lực co cứng, loạn trương lực cơ và cứng khớp. Để biết trẻ mắc loại tăng trương lực cơ nào, bác sĩ cần phải thăm khám và đánh giá kỹ càng cả chân và tay của trẻ.

Tăng trương lực cơ xuất phát từ nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tăng trương lực cơ ở trẻ. Cụ thể là:

  • Trẻ bị chấn thương mạnh ở vùng đầu, đột quỵ hay bị nhiễm độc tố làm ảnh hưởng đến não. Các chấn thương sọ não thường là nguyên nhân chính gây tăng trương lực cơ.
  • Trẻ có khối u não hay có các bất thường về phát triển thần kinh như bại não, viêm màng não, tổn thương não do thiếu oxy khi sinh.
  • Trẻ có các xáo trộn về chuyển hóa như hạ canxi máu, hạ magie máu.
  • Trẻ có các tình trạng làm ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của các dây với cơ.
  • Các vấn đề về não bộ và hệ thần kinh của trẻ được hình thành trong giai đoạn phát triển của thai nhi.
Tăng trương lực cơ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Trẻ cần được thăm khám kỹ càng mới tìm được ra nguyên nhân gây tăng trương lực cơ

Cách nhận biết tăng trương lực cơ ở trẻ

Tăng trương lực cơ luôn là hậu quả của các vấn đề ở hệ thần kinh trung ương, điển hình nhất là bại não hoặc từ các chấn thương ở mô khác. Có thể nhận ra tình trạng trương lực cơ tăng ở trẻ qua các dấu hiệu nhận biết như:

  • Với trẻ sinh non, tay chân trẻ thường giữ sát cơ thể mà không đưa ra ngoài.
  • Lực cơ quá mạnh, lực nắm mạnh làm bàn tay luôn nắm lại thay vì mở ra, các khớp cứng nhắc.
  • Trẻ gặp khó khăn khi co các cơ quanh khớp để giữ tư thế như mong muốn, khó giữ ổn định khớp và điều khiển chuyển động theo mong muốn.
  • Quan sát các khớp của trẻ có thể thấy tình trạng duỗi khớp quá mức thậm chí “khóa khớp” ở một tư thế.

Các bác sĩ sẽ quan sát để đánh giá khả năng cân bằng và phối hợp giữa các nhóm cơ ở trẻ, kỹ năng cử động tay chân, cầm nắm, phản xạ của khớp xương, các chức năng thần kinh,…

Tiếp đến, trẻ sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung như: Chụp MRI chụp cắt lớp CT, điện cơ đồ hay ghi điện cơ,… để đo chức năng cơ và thần kinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng xem xét lịch sử y tế của gia đình. Từ tất cả những đánh giá và căn cứ trên, bác sĩ mới có thể chẩn đoán tình trạng tăng trương lực cơ ở trẻ.

Tăng trương lực cơ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Bàn tay luôn nắm chặt quá mức ở trẻ bị tăng trương lực cơ

Tăng trương lực cơ ở trẻ chữa thế nào?

Thực tế, mỗi phương pháp điều trị sẽ phù hợp với một loại tăng trương lực cơ nhất định mà không hiệu quả với các loại khác. Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng trẻ bị tăng trương lực cơ và phân loại được dạng tăng trương lực cơ mà trẻ mắc phải, bác sĩ mới đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị tăng trương lực cơ ở trẻ là tập luyện thường xuyên và tránh kích thích bất lợi. 

Phương pháp điều trị bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị tình trạng tăng trương lực cơ như: Baclofen (thường dùng trong điều trị co cứng tủy sống), Diazepam, Dantrolene (tác động lên mô cơ). Việc dùng thuốc chống co thắt cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Điều trị bằng tập phục hồi chức năng

Tập phục hồi chức năng được đánh giá là có hiệu quả trong kiểm soát tăng trương lực cơ, kích thích các tế bào thần kinh vận động. Mục đích của phục hồi chức năng là tạo cho trẻ hình thành cảm giác về vị trí và tạo điều kiện cho các vận động cơ bản. Quá trình tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cần kéo dài, kiên trì, bền bỉ và có sự hướng dẫn chi tiết từ chuyên gia.

Tăng trương lực cơ ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Khả năng vận động của trẻ bị hạn chế khi bị tăng trương lực cơ

Tăng trương lực cơ ở trẻ là do các tổn thương ở hệ thần kinh gây ra và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của trẻ. Hiện nay, chưa có cách để phòng ngừa tuyệt đối chứng tăng trương lực cơ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện bằng phương pháp dùng thuốc, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Các phương pháp can thiệp, điều trị phù hợp và kịp thời có thể giúp trẻ theo kịp các mốc phát triển thể chất đúng tuổi và có thể tự tin hơn khi lớn lên. Tuy nhiên, các gia đình có trẻ bị tăng trương lực cơ cũng cần xác định tinh thần trước, rằng tình trạng này xảy ra ở mức độ nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của trẻ mãi về sau. Tốt nhất, gia đình nên phối hợp tối đa với các bác sĩ trong việc can thiệp, điều trị để trẻ phải chịu ít ảnh hưởng nhất từ tình trạng sức khỏe này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin