Trong đậu xanh có rất nhiều các chất tốt cho sức khỏe như protein, chất xơ, vitamin E, vitamin C, vitamin B và các khoáng chất như sắt, magie, canxi,... Để tìm hiểu cụ thể hơn các thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Đậu xanh và thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh
Đậu xanh là loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi
Đậu xanh hay còn gọi là đỗ xanh, đậu tắt, đậu chè, lục đậu và có tên khoa học là Vigna radiata. Cây đậu xanh thuộc loại cây thân thảo, mọc thẳng đứng và có chiều cao khoảng 50cm, phần lá có lông ở cả 2 mặt, hoa có màu vàng lục và mọc ở phần nách lá. Quả đậu xanh hình trụ, có chứa nhiều hạt hình trụ ngắn ở bên trong, màu xanh, có ruột màu vàng và mầm ở giữa.
Hạt đậu xanh có kích thước rất nhỏ chỉ khoảng 2 - 2.5mm. Người ta thường dùng hạt đậu xanh phơi khô để làm thực phẩm, chế biến nhiều các món ăn khác nhau như chè, bánh, xôi, cháo, ngũ cốc dinh dưỡng hoặc ủ lên mầm làm giá đỗ.
Đậu xanh là thực phẩm được tiêu thụ phổ biến ở các nước Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,...
Các thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh bao gồm:
-
328 Kcal - 1371 KJ năng lượng;
-
53.1 g carbohydrate;
-
4.7 g chất xơ;
-
23.4 g chất đạm;
-
2.4 g chất béo;
-
4.8 mg sắt;
-
270 mg magie;
-
64 mg canxi;
-
377 mg phốt pho;
-
1132 mg kali;
-
Các chất khác: Natri (6 mg), kẽm (1,1 mg), vitamin C (4 mg), vitamin nhóm B, folate, vitamin K, vitamin E, beta-carotene,...
Không những thế, đậu xanh còn chứa nhiều loại axit amin thiết yếu như phenylalanine, lysine, isoleucine, leucine, valine, arginine,...
Lợi ích đậu xanh mang lại cho sức khỏe
Đậu xanh mang lại rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe
Đậu xanh mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe, cụ thể:
-
Giúp phòng ngừa ung thư đại tràng: Ăn đậu xanh sẽ giúp hệ tiêu hóa duy trì một cách ổn định, đường ruột được giảm áp lực, ngăn ngừa được polyp đại tràng - nguy cơ dẫn tới ung thư. Ngoài ra, đậu xanh cũng giảm tái phát u xơ tuyến tiền liệt và giúp phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa.
-
Giảm huyết áp: Tăng huyết áp, huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Hàm lượng cao kali, chất xơ và magie có nhiều trong đậu xanh sẽ giúp giảm huyết áp hiệu quả.
-
Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường: Đậu xanh với các thành phần là chất xơ và lượng protein cao giúp làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu.
-
Cải thiện hệ miễn dịch: Trong đậu xanh có chứa carotenoid và flavonoid là hai chất chống oxy hóa. Hai chất này sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra đột quỵ, chống lại ảnh hưởng của các gốc tự do trong cơ thể.
-
Tốt cho tim mạch: Lượng cholesterol xấu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đậu xanh sẽ giúp giảm bớt sự hấp thu chất béo và làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Không chỉ thế. kali có trong loại thực phẩm này còn giúp duy trì mức huyết áp tốt, giữ cho bạn một trái tim khỏe mạnh.
-
Tốt cho thị giác: Trong đậu xanh có chứa carotenoid zeaxanthin và lutein sẽ giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa hoàng điểm, đây là nguyên nhân gây giảm thị lực và chức năng mắt. Carotenoid còn giúp giảm căng thẳng lên mắt, giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm thị lực, duy trì tầm nhìn tốt và chức năng hoạt động của mắt.
-
Tốt cho xương: Chất vitamin K và canxi trong thành phần dinh dưỡng của đậu xanh sẽ có ích đối với việc duy trì một bộ xương chắc khỏe, ngăn ngừa thoái hóa xương và cả loãng xương.
-
Giữ cho dạ dày khỏe mạnh: Các chất dinh dưỡng có trong đậu xanh sẽ làm giảm tình trạng trào ngược axit dạ dày - thực quản, giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ, táo bón và loét tiêu hóa, loại bỏ phân nhanh, góp phần loại bỏ nhanh các loại độc tố ra khỏi cơ thể, giúp cải thiện tốt hệ tiêu hóa.
-
Giải nhiệt tốt: Người bị nóng trong có thể ăn cháo đậu xanh hoặc chè đậu xanh để giải nhiệt bởi đậu xanh có vị ngọt, tính mát, không độc và có tác dụng giải nhiệt, mát gan, giải độc cơ thể rất tốt.
-
Giảm stress, lo âu, căng thẳng: Folate và carotenoids, flavonoids - đây là các chất tham gia tích cực vào việc giúp giảm căng thẳng và bệnh trầm cảm.
Phản ứng phụ có thể gặp khi ăn nhiều đậu xanh
Chú ý ăn đậu xanh với hàm lượng vừa phải
-
Lectin là chất có trong đậu xanh có thể gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa như gây đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi,... nếu như bạn tiêu thụ quá nhiều. Để giảm hàm lượng lectin trong loại thực phẩm này, nên nấu ở nhiệt độ cao hoặc ngâm nước trong thời gian dài.
-
Tuyệt đối không ăn đậu xanh khi chân, tay lạnh, cơ thể bị đau nhức hoặc đi ngoài ra phân lỏng, việc ăn thực phẩm này có thể sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
-
Ăn đậu xanh khi đói sẽ gây hại cho dạ dày.
-
Cần hỏi ý kiến của lương y khi đang uống thuốc Đông y trước khi ăn đậu xanh vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
-
Chú ý bệnh dị ứng: Nếu sau khi ăn đậu xanh có biểu hiện nổi mẩn ngứa, mề đay, phát ban, ngứa ngáy thì nên dừng sử dụng loại thực phẩm này và tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng loại thực phẩm này.
-
Chất phytate - axit phytic trong đậu xanh có thể làm thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cơ thể. Axit phytic sẽ liên kết với kẽm, canxi và các khoáng chất quan trọng khác và đồng thời ngăn cản cơ thể hấp thu các chất này.
Trên đây là toàn bộ các thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh mà nhà thuốc Long Châu tổng hợp đến bạn. Nhìn chung, đậu xanh sở hữu nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe của con người. Dẫu vậy, đậu xanh vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Để đảm bảo cho sức khỏe, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trong việc sử dụng đậu xanh cho những trường hợp đặc biệt, chuyên gia dinh dưỡng để dùng đúng liều lượng và có cách chế biến đúng.
Phương Thảo
Nguồn tham khảo: Tổng hợp