Thịt thực vật là gì? Lợi ích và rủi ro khi sử dụng thịt thực vật
Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thịt thực vật trong những năm gần đây đã trở thành cơn sốt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ngày càng có nhiều người biết đến và sử dụng loại thịt này để thay thế cho thịt động vật. Vậy thịt thực vật là gì và mang đến lợi ích gì khi sử dụng?
Tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới, dùng thịt thực vật thay cho thịt động vật đã và đang trở thành xu hướng trong nhiều năm gần đây. Nếu bạn chưa hiểu rõ thịt thực vật là gì? Loại thịt này được sản xuất theo quy trình ra sao? Lợi ích và rủi ro khi sử dụng loại thịt này là gì? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Thịt thực vật là gì? Vì sao nhiều người chọn thịt thực vật?
Thịt thực vật (plant based meat) còn được gọi là thịt chay vì nó được làm hoàn toàn từ thực vật, không phải loại thịt có nguồn gốc động vật. Thành phần hóa học của loại thịt này về cơ bản gần giống thịt động vật. Chỉ có điều cấu tạo các đơn vị đạm, acid amin được chiết xuất từ các loại thực vật.
Thịt thực vật hiện là lựa chọn hoàn hảo của những người ăn chay, ăn thuần thực vật, những người ủng hộ xu hướng sống xanh bảo vệ môi trường. Nó khá đa dạng về chủng loại và hương vị từ vị thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm, cá…
Lý do ngày càng có nhiều người lựa chọn thịt thực vật thay vì thịt động vật thường là:
Một bộ phận người tiêu dùng cho rằng nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan đến các bệnh mãn tính có nguồn gốc từ thịt đỏ, mỡ động vật. Và họ cũng nhận ra rằng nếu sử dụng nhiều rau củ quả sẽ tốt hơn cho sức khỏe nên chuyển dần sang dùng thịt nguồn gốc thực vật.
Một bộ phận khác lại theo xu hướng sống xanh, bảo vệ môi trường. Họ nhận thức được rằng việc chăn nuôi quá nhiều sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Việc giảm chăn nuôi sẽ góp phần giảm biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Nếu không tiêu thụ thịt động vật, họ có thể góp phần vào điều đó.
Một số vấn đề liên quan đến an ninh lương thực cũng khiến các nhà sản xuất tìm kiếm sự thay thế cho thịt động vật. Và khi thịt có nguồn gốc thực vật xuất hiện, người tiêu dùng cũng tò mò muốn thử.
Quy trình sản xuất và chế biến thịt thực vật
Thịt có nguồn gốc thực vật được sản xuất qua quy trình gồm những bước cơ bản như sau:
Các protein thực vật được chiết xuất và tinh chế để sản xuất thành bột, chất cô đặc và chất phân lập. Có thể chúng sẽ được xử lý bằng cách thủy phân, đun nóng, liên hợp… để nâng cao chức năng.
Protein từ thực vật được kết hợp với các thành phần khác để tạo hương vị, màu sắc, kết cấu, độ dai tương đồng với loại thịt động vật mà nó đang mô phỏng. Các chất dinh dưỡng cũng sẽ được bổ sung để thịt thực vật có hàm lượng dinh dưỡng bằng hoặc cao hơn thịt động vật.
Hỗn hợp thành phần sẽ được chế biến qua nhiều công đoạn trộn, ép, đùn, tạo khuôn, cắt tỉa, in 3D… để thành phần có cấu trúc và đặc tính giống thịt thật.
Thịt từ thực vật thành phẩm được kiểm tra chất lượng, đóng gói, bảo quản và chuyển đi phân phối.
Lợi ích của thịt thực vật với sức khỏe người tiêu dùng
Một trong số những lý do khiến thịt nguồn gốc thực vật ngày càng phổ biến là vì loại thịt này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
Dùng thịt từ thực vật sẽ giảm được nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, vi sinh vật gây bệnh thường có trong thịt động vật như Escherichia coli và Salmonella.
Các nghiên cứu cũng cho thấy dùng protein đơn giản từ thực vật cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư.
Thịt nguồn gốc thực vật hầu như không có cholesterol và có ít calo hơn thịt thật. Vì vậy, nó cũng tốt cho người đang bị cao huyết áp hay mắc bệnh tim mạch.
Rủi ro tiềm ẩn khi dùng thịt thực vật
Ngoài những lợi ích sức khỏe kể trên, dùng thịt thực vật cũng có những rủi ro nhất định., điển hình như:
Một số nhà sản xuất có thể sử dụng hàm lượng chất phụ gia, dung môi hữu cơ cao trong thịt chay. Đây là những chất không có lợi cho sức khỏe.
Một số người dùng thịt thực vật thay thế thịt động vật hoàn toàn đồng nghĩa với việc chuyển từ chế độ ăn tạp sang chế độ ăn nhiều thực vật hơn. Điều này có thể gây ra những rủi ro sức khỏe liên quan đến mất cân bằng dinh dưỡng.
Có thể nhà sản xuất sẽ sử dụng nguyên liệu biến đổi gen để sản xuất thịt chay.
Chức năng của protein thực vật có thể bị thay đổi qua quá trình chiết xuất và tinh chế.
Một số loại protein thực vật có thể gây dị ứng như protein từ đậu nành, đậu Hà Lan, lúa mì, đậu lupin…
Trong một số loại thực vật có các độc tố tự nhiên do chính thực vật sản xuất ra để tự bảo vệ khỏi nấm, vi khuẩn, côn trùng… Ví dụ như chất lectin trong đậu trắng, đậu đỏ, glycoside cyanogen trong hạt lanh hay glycoalkaloid trong khoai tây. Các chất này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số sản phẩm thịt chay có công thức cao, được coi như sản phẩm được chế biến kỹ sẽ chứa nhiều muối, chất béo bão hòa, chất bảo quản… không tốt cho sức khỏe.
Có thể thấy, thịt thực vật hoàn toàn có thể được coi như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng nếu bạn có thể chọn được sản phẩm an toàn và sử dụng đúng cách. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã có thêm thông tin về thịt có nguồn gốc thực vật cũng như những ưu điểm và hạn chế của nó. Vậy là từ nay bạn sẽ có thêm một lựa chọn cho chế độ ăn uống hàng ngày đúng không nào?
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.