Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thoái hóa cột sống ở người già có nguy hiểm không?

Ngày 09/07/2022
Kích thước chữ

Sự lão hóa là nguyên nhân chính gây nên thoái hóa cột sống ở người già. Nếu để lâu có thể để lại các biến chứng như đau, yếu, tê bì tứ chi, teo cơ, đi lại khó khăn hoặc liệt các chi không vận động được.

Khi bị thoái hóa cột sống, người già thường chủ quan, lơ là trong việc điều trị vì cho rằng những cơn đau chỉ là thoáng qua. Thoái hóa cột sống ở người già gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. 

Thoái hóa cột sống ở người già là gì?

Thoái hóa cột sống ở người già có nguy hiểm không? 1 Thoái hóa cột sống ở người già ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt

Thoái hóa cột sống là tổn thương mạn tính, dạng các thân đốt sống và đĩa đệm nằm giữa các đốt sống cùng các dây chằng cột sống bị thoái hóa. 

Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là đoạn cột sống hay bị thoái hóa nhất. Đây là những vùng linh hoạt nhất của cột sống nhưng thường phải hoạt động nhiều và phải chịu tải trọng nặng. Bị tổn thương đầu tiên là đĩa đệm nằm giữa hai thân đốt sống. Trên 30 tuổi, đĩa đệm bắt đầu bị thoái hóa, khiến nhân nhày bị mất nước, làm rách vòng sợi bao quanh nhân nhày, đĩa đệm bị thoát vị, xẹp xuống, có thể thoát vị ra phía sau thân đốt sống, khiến dây thần kinh bị chèn ép, gây đau, người bệnh sẽ đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày khó khăn. Mâm đốt sống bị xơ, rìa mâm sống mọc ra các gai cột sống hay gọi là gai xương. Cơ cạnh cột sống cũng bị co cứng, dây chằng cạnh cột sống cũng bị kéo căng quá mức, làm cho cột sống thường bị vẹo về một phía, trở nên biến dạng.

Nguyên nhân thoái hóa cột sống

Bệnh thoái hóa cột sống ở người già xảy ra do tuổi tác, ngoài ra còn do bị ngã, bị tai nạn gây chấn thương hay do nghề nghiệp tác động đến cột sống nhiều như bưng bê, mang vác, nhấc xách các đồ vật. Bệnh cũng có thể do mắc phải một số bệnh lý về cột sống như viêm đốt sống đĩa đệm, dị dạng cột sống, đau thần kinh tọa...

Ngoài ra, những người bị béo phì, suy giáp, cường cận giáp, đái tháo đường, gút cũng dễ mắc thoái hóa cột sống sớm.

Quá trình thoái hóa khớp xảy ra nhanh hơn do các yếu tốt như di truyền từ bố mẹ, dinh dưỡng không đầy đủ chất để xây dựng khung xương khớp hoàn chỉnh, lao động nặng nhọc từ nhỏ, mang vác đồ vật nặng, tập các môn thể thao nặng. Ngược lại, ít vận động, đứng hoặc ngồi quá lâu hoặc luôn phải làm việc ở một tư thế gò bó làm tăng tải trọng lên khớp và làm cho khớp bị thoái hóa sớm.

Biểu hiện của thoái hóa cột sống

Có 3 thể lâm sàng của thoái hóa cột sống thắt lưng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của đĩa đệm:

  • Thể thứ nhất là đau lưng cấp tính. Nguyên nhân là do động tác mạnh, đột ngột và trái tư thế gây đau. Để chống đau, bệnh nhân có tư thế lom khom, cong vẹo cột sống. Cơn đau có thể bớt dần sau 1 - 2 tuần.
  • Thể thứ hai là đau thắt lưng mạn tính. Người bệnh bị đau âm ỉ ở vùng thắt lưng, hay bị tái phát do đĩa đệm thoái hóa nhiều khiến sức đàn hồi của đĩa đệm kém, khả năng chịu lực giảm, phần lồi ra phía sau kích thích các nhánh thần kinh.
Thoái hóa cột sống ở người già có nguy hiểm không? 2 Đau lưng cấp tính gây đau đột ngột khiến tư thế lom khom, vẹo cột sống
  • Thể thứ ba là đau thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa một hay hai bên. Cơn đau cột sống từ thắt lưng lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, khoeo, cẳng chân, có thể lan xuống tận gót chân đến các ngón chân. Nếu bị thoái hóa cột sống cổ, người bệnh đau chủ yếu ở vùng cổ gáy.
  • Trường hợp nặng, cơn đau có thể lan lên phía sau đầu hay thậm chí đau phía hốc mắt với triệu chứng thấy nuốt khó, thường được chẩn đoán nhầm là loạn cảm họng. Khi rễ thần kinh cánh tay có dấu hiệu bị chèn ép, người bệnh thấy đau cột sống cổ lan xuống vai, tay. Nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng đau, tê bì, yếu, teo cơ tay do tổn thương các rễ thần kinh cổ chi phối cánh tay, nặng thì bị liệt khi bị chèn ép tủy cổ. Cơn đau khiến bệnh nhân ăn ngủ không ngon, gầy sút và có tâm lý buồn chán, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc.

Cách điều trị bệnh thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống ở người già gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần được chăm sóc đúng cách để nhanh chóng được phục hồi. 

Lựa chọn chế độ ăn phù hợp

Một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh thoái hóa cột sống điều trị hiệu quả. Tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý thoái hóa cột sống lưng nên ăn gì và nên kiêng gì để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Những loại thực phẩm cần bổ sung 

  • Sữa đậu nành, sữa bò.
  • Cá diêu hồng, cá thu, cá chẽm.
  • Rau muống, rau mồng tơi, rau cải.
  • Thịt heo, thịt gà.
  • Trứng gà, trứng vịt.
  • Khoai lang, khoai tây.

Những loại thực phẩm nên kiêng

  • Bia, rượu, thuốc lá, cafe.
  • Các loại nước ngọt có gas.
  • Thực phẩm nhiều muối: Dưa muối, cá muối...
  • Thức ăn đóng hộp hay món ăn nhiều dầu mỡ.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiến triển của bệnh thoái hóa cột sống. Người bệnh cần điều chỉnh lối sống như sau:

  • Không làm những công việc nặng đè nén nhiều lên các khớp.
  • Lên lịch làm việc khoa học và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Nên ngủ sớm trước 22 giờ, tránh thức khuya.
  • Nên giữ cân nặng ổn định, không để thừa cân, béo phì.
  • Không thay đổi tư thế đột ngột hay ngồi lâu một chỗ.
  • Ngủ đủ giấc 8 tiếng/ngày.
  • Giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ.
Thoái hóa cột sống ở người già có nguy hiểm không? 3 Ngủ sớm, đủ giấc là cách hỗ trợ tốt cho việc điều trị thoái hóa cột sống

Massage hỗ trợ giảm đau nhức

Bệnh thoái hóa cột sống ở người già gây đau nhức nhiều khiến người bệnh khó chịu. Dùng biện pháp massage có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp.

Cách thực hiện đơn giản như sau: Thoa mỏng một lớp dầu nóng lên vùng cần massage của người bệnh, dùng hai lòng bàn tay với lực vừa đủ massage từ trong ra ngoài theo chiều kim đồng hồ. Mỗi ngày thực hiện hai lần cho đến khi các triệu chứng dần thuyên giảm.

Chườm nóng

Đây là biện pháp rất an toàn và mang đến hiệu quả cao. Nước nóng làm giãn mạch, giúp máu lưu thông tốt hơn, làm giảm cơn đau, viêm ở các khớp. Chú ý rằng không nên dùng nước quá nóng, thời gian chườm không quá 30 phút vì có thể gây bỏng da.

Luyện tập thể dục thể thao

Các bài tập thể dục có tác dụng giảm đau nhức các khớp, tăng khả năng vận động, giúp xương chắc khỏe hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn những môn thể thao phù hợp với tình trạng bệnh, tránh gắng sức hay vận động mạnh. Những bộ môn như yoga, đi bộ, bơi lội… thích hợp cho người bị thoái hóa cột sống.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin