Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung gồm những gì?

Ngày 29/08/2023
Kích thước chữ

Có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả bệnh lạc nội mạc tử cung, trong đó phương pháp điều trị bằng thuốc vẫn được bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên dùng. Vậy thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung là thuốc gì?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa rất phổ biến. Nhưng do các triệu chứng thường không rõ rệt trong giai đoạn đầu nên phải mất từ 3 - 11 năm để phát hiện ra bệnh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm vì bệnh này khiến phụ nữ khó mang thai, thậm chí vô sinh. Vậy nếu điều trị bằng thuốc thì nên dùng thuốc gì? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về các loại thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Trước khi tìm hiểu về các loại thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung, bạn nên hiểu rõ về căn bệnh này. Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc lót bên trong tử cung. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc trong tử cung phát triển ở ngoài tử cung hoặc tại tử cung, thường là phát triển trên các cơ quan khác bên trong khoang bụng hoặc khung chậu. Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu.

Nếu khối lạc nội mạc cổ tử cung tiếp tục phát triển, sẽ gây ra một loạt triệu chứng như:

  • Khi khối u bao phủ hoặc làm tổn thương buồng trứng sẽ làm tắc ống dẫn trứng. Máu bị kẹt trong buồng trứng tạo thành u nang.
  • Viêm, sưng, đau bụng nhiều khi trong kì hành kinh.
  • Hình thành mô sẹo và kết dính, gây đau vùng chậu và khiến người bệnh khó thụ thai.
  • Gây các vấn đề về ruột và bàng quang.
Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung 1
Các khối u lạc nội mạc tử cung có thể sưng lên và chảy máu

Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung

Đến nay, chưa xác định được nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung nhưng có khả năng là do các nguyên nhân sau:

  • Khi đang hành kinh, máu và mô thoát ra khỏi âm đạo, vào khoang chậu, bên trong bụng dưới;
  • Khi có kinh, do giao hợp, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược vào bên trong;
  • Do quá trình mổ lấy thai hoặc can thiệp vào lòng tử cung khiến niêm mạc tử cung lạc vào ổ bụng;
  • Tác động bất thường của nội tiết tố sinh dục như progesterone hay estrogen lên nội mạc tử cung;
  • Hệ miễn dịch suy yếu không ngăn được các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở các vị trí bất thường trong khung chậu.

Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung

Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung khác nhau ở mỗi người, có thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng. Những biểu hiện thường gặp gồm:

Đau là triệu chứng phổ biến nhất, có nhiều loại cơn đau khác nhau gồm:

  • Đau bụng kinh có thể ngày càng trở nên nặng dần hơn;
  • Đau mạn tính tại vùng lưng dưới và xương chậu;
  • Có cảm giác đau “sâu” trong hoặc sau khi quan hệ tình dục;
  • Đau ruột;
  • Đau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong thời kỳ có kinh. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bạn sẽ thấy máu lẫn trong nước tiểu hoặc phân;
  • Đau chân do lạc nội mạc tử cung có khả năng ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với hông, háng và chân, khiến bạn có thể đi khập khiễng hoặc phải nghỉ ngơi thường xuyên;
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt;
  • Các vấn đề về dạ dày (tiêu hóa) bao gồm táo bón, tiêu chảy, đầy bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong kỳ hành kinh.
Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung 2
Lạc nội mạc tử cung gây nên triệu chứng đau bụng ở nhiều vị trí

Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung

Để bảo tồn khả năng sinh sản cho những phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn nhất, nhưng có hiệu quả và ít nguy cơ về lâu dài. Đó là dùng thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung.

Với những trường hợp mắc bệnh lạc nội mạc tử cung có triệu chứng, người bệnh có thể dùng thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung bên cạnh phương pháp phẫu thuật, phương pháp hỗ trợ sinh sản hay kết hợp các phương pháp này. 

Với những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có triệu chứng đau và hiếm muộn, việc chọn lựa phương pháp điều trị trở nên khó khăn.

Riêng với phương pháp điều trị nội khoa, thuốc trị lạc nội mạc tử cung được chia thành 2 nhóm là thuốc giảm đau và liệu pháp hormon.

Nhóm thuốc giảm đau gồm

  • Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt (aspirin, paracetamol...);
  • Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen, meloxicam, diclophenac...);
  • Nhóm thuốc giảm đau opioid (fentanyl, hydrocodone, tramadol...).

Nhóm liệu pháp hormon

  • Viên uống ngừa thai dạng phối hợp (chứa progestin và estrogen) hoặc dạng đơn độc (chỉ có progestin), được sử dụng để làm giảm nhẹ các triệu chứng khi hành kinh (đau, chảy máu bất thường). Người dùng thuốc tránh thai có thể gặp tác dụng phụ gồm buồn nôn, căng ngực, tăng cân, nhức đầu, chảy máu bất thường, thay đổi tâm trạng...
  • Nhóm thuốc chủ vận GnRH gồm những hoạt chất tương tự như hormon phóng thích gonadotropin (buserelin, nafarelin, goserelin, leuprorelin, và triptorelin), có tác dụng ức chế tuyến yên giải phóng gonadotropin, giảm khả năng sản sinh estrogen tại buồng trứng, ngăn chặn rụng trứng và nội mạc tử cung phát triển... Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm khô âm đạo, bốc hỏa, thiếu xương.
  • Danazol là một androgen có những tác dụng tương tự như nhóm thuốc chủ vận GnRH như ức chế tuyến yên giải phóng gonadotropin, khả năng sản sinh estrogen giảm tại buồng trứng. Các tác dụng phụ của thuốc Danazol bao gồm: Nổi mụn, rậm lông, đau cơ.
  • Thuốc ức chế enzym Aromatase (anastrozole, letrozole...) có tác dụng ức chế sự sản sinh estrogen trong cơ thể. Có thể phối hợp nhóm thuốc này với thuốc tránh thai trong trường hợp các dạng thuốc khác hoặc với phương pháp phẫu thuật không đáp ứng điều trị như mong muốn.
Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung 3
Thuốc đặc trị lạc nội mạc tử cung gồm thuốc giảm đau và liệu pháp hormon

Việc sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ do hầu hết thuốc chữa lạc nội mạc tử cung đều là thuốc kê đơn, có những tác dụng phụ nguy hiểm, người bệnh tránh tự ý uống thuốc.

Cách phòng bệnh lạc nội mạc tử cung

Tuy không thể ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung nhưng bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh khi giảm nồng độ hormone estrogen trong cơ thể bằng cách:

  • Nhờ bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.
  • Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 4 giờ/tuần) để duy trì tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể thấp. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.
  • Tránh uống nhiều rượu: Các nghiên cứu đã chứng minh rượu làm tăng nồng độ estrogen. Do đó, bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày.
  • Hạn chế thức uống chứa caffeine: Dung nạp nhiều hơn 1 loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày, đặc biệt là cà phê và trà xanh, có thể làm tăng nồng độ estrogen.

Tóm lại, bệnh nội mạc tử cung là căn bệnh thường gặp ở nữ giới nếu không được thăm khám điều trị sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Vì thế việc thăm khám và phát hiện sớm các bệnh phụ khoa rất quan trọng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin