Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thuốc Exomuc uống như thế nào? Một số lưu ý khi sử dụng Exomuc

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Exomuc (acetylcystein) là thuốc gì? Thuốc được uống như thế nào để có thể mang lại hiệu quả điều trị? Cần nên lưu ý những điều gì trong quá trình sử dụng thuốc? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này nhé.

Exomuc là thuốc có chứa hoạt chất acetylcystein thuộc phân nhóm thuốc ho - long đờm. Exomuc giúp làm loãng dịch tiết từ niêm mạc phế quản và khí phế quản do thay đổi cấu trúc chất nhầy, giảm độ đặc của chất nhầy, nhờ đó chất nhầy có thể bị tống ra ngoài qua đường hô hấp. Vậy "thuốc Exomuc uống như thế nào?" sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

Giới thiệu thuốc Exomuc

Thành phần, công dụng

Thuốc Exomuc hay còn gọi là thuốc long đờm, thuốc tiêu nhầy với thành phần hoạt chất là acetylcystein (N-acetylcysteine), hàm lượng 200mg, được bào chế dưới dạng cốm pha dung dịch uống.

Acetylcystein là một hợp chất amino acid tự nhiên, dẫn xuất của cystein gắn trực tiếp với một nhóm acetyl tại vị trí nhóm amino. Với cơ chế cắt đứt cầu nối disulfide của các glycoprotein, Exomuc có công dụng làm loãng chất nhầy phế quản, giảm độ đặc của chất nhầy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bài tiết dịch tiết ra ngoài qua phản xạ ho. Thuốc này được khuyên dùng trong tình trạng tắc nghẽn phế quản, đặc biệt trong các đợt viêm phế quản cấp tính.

Thuốc Exomuc uống như thế nào và những điều cần biết 3
Exomuc hay còn gọi là thuốc long đờm, thuốc tiêu nhầy

Chỉ định

Thuốc Exomuc được sử dụng điều trị trong các trường hợp:

  • Bệnh lý hô hấp có đờm nhầy quánh như viêm phế quản phổi, viêm phế quản cấp và mãn tính.
  • Phòng ngừa các biến chứng sau nhiễm khuẩn hô hấp, đa tiết phế quản và khí thũng.

Ngoài ra, Exomuc còn được chỉ định trong các bệnh tai mũi họng như viêm xoang, viêm họng, viêm mũi hoặc viêm tai giữa.

Hướng dẫn sử dụng Exomuc

Thuốc Exomuc uống như thế nào để an toàn và đạt hiệu quả? Cùng tham khảo các thông tin bên dưới.

Cách dùng

  • Dùng đường uống.
  • Hòa tan hoàn toàn 1 gói bột cốm trong khoảng nửa ly nước, uống ngay sau khi pha.
  • Có thể dùng thuốc trước hoặc sau bữa ăn vì thức ăn không gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc.
  • Sử dụng Exomuc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tăng liều, giảm liều hoặc dùng lâu hơn chỉ định.
  • Thời gian dùng thuốc không quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu bạn bị nôn trong vòng 1 giờ sau khi dùng thuốc, hãy cho bác sĩ biết. Lúc này bạn có thể cần dùng một liều thay thế.

Liều dùng

Người lớn

  • Điều trị tiêu đờm: Dùng liều 1 gói/lần x 3 lần/ngày.
  • Điều trị tăng tiết dịch nhầy: Dùng liều 1 gói/lần x 3 lần/ngày.

Trẻ em

Trong tiêu đờm, tùy vào từng độ tuổi của trẻ, cụ thể:

  • Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: Dùng với liều 1/2 gói, ngày 2 đến 3 lần.
  • Trẻ em từ 6 đến 14 tuổi: Cho trẻ uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/2 gói.
  • Trẻ em từ 14 tuổi trở lên: Cho trẻ uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 gói.

Điều trị tăng tiết dịch nhầy:

  • Trẻ em 2 đến 5 tuổi: Cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần 1/2 gói.
  • Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 gói.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để có liều dùng phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Cách xử trí khi quên liều, quá liều

Quên liều

  • Uống thuốc ngay khi nhớ ra.
  • Bỏ qua liều đã quên nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo và tiếp tục dùng thuốc theo như chỉ dẫn.
  • Không uống gấp đôi liều Exomuc với mục đích bù liều đã quên.

Quá liều

Chưa có báo cáo nào về tình trạng quá liều Exomuc.

Tuy nhiên, nếu thấy bất kỳ triệu chứng khác thường nào có thể liên quan đến vấn đề quá liều Exomuc, cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử trí thích hợp

Trường hợp không nên dùng thuốc Exomuc

  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Bệnh phenylketo niệu (do thành phần thuốc chứa aspartam).
  • Người bệnh hen suyễn (do nguy cơ phản ứng co thắt phế quản với tất cả các dạng thuốc chứa acetylcystein).
  • Dị ứng với acetylcystein hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
thuốc exomuc uống như thế nào 2.jpg
 Không nên dùng thuốc Exomuc cho người hen suyễn

Tác dụng không mong muốn của thuốc Exomuc

Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận trong quá trình sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như buồn nôn, nôn. Dùng liều thấp hơn trong trường hợp này có thể giảm bớt cảm giác buồn nôn.
  • Phản ứng dị ứng da như phát ban, nổi mề đay, sưng mặt.
  • Buồn ngủ, đau đầu, ù tai.
  • Viêm loét miệng, chảy nước mũi nhiều.
  • Co thắt phế quản kèm phản ứng dạng phản vệ toàn thân, sốt, rét run (rất hiếm khi xảy ra).

Hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn bạn gặp phải để được khắc phục kịp thời.

Một số lưu ý khi sử dụng Exomuc

Sử dụng trên phụ nữ mang thai và cho con bú

Dữ liệu hiện tại chưa đủ chứng minh tính an toàn để sử dụng thuốc ở đối tượng phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Các kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không có tác dụng gây quái thai. Tuy nhiên không thể áp dụng kết luận này trên người, do đó cần thận trọng khi kê toa cho phụ nữ mang thai. Tránh dùng cho phụ nữ cho con bú do chưa có số liệu về sự bài tiết qua sữa mẹ. Vì vậy, cần thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ điều trị trong trường hợp này.

Người lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo nào cho thấy tác động bất lợi của thuốc đối với khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.

Lưu ý đặc biệt khác

  • Theo dõi chặt chẽ người bệnh có nguy cơ khởi phát cơn hen đối với người đã bị dị ứng trước đó. Trường hợp xảy ra co thắt phế quản, phải dùng giãn phế quản như salbutamol hoặc ipratropium và phải ngừng acetylcystein ngay.
  • Khi điều trị với Exomuc, cần phải hút để lấy ra nếu người bệnh hạn chế khả năng ho do xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản,
  • Thường trong thời gian 30 – 60 phút sau khi dùng thuốc, có thể xảy ra tình trạng sốc phản vệ và gây đe dọa tính mạng. Do đó, cần theo dõi, ngưng thuốc và xử trí kịp thời nếu phản ứng xảy ra.
  • Nếu người bệnh bị nôn dữ dội sau khi dùng thuốc thì cần theo dõi tình trạng xuất huyết dạ dày hoặc giãn thực quản, loét dạ dày.
  • Cần thận trọng, theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc ở bệnh nhân có tiền sử bị viêm, loét dạ dày - tá tràng.
  • Trong thành phần tá dược có chứa Sorbitol, do đó chú ý theo dõi chặt chẽ nếu người bệnh bị tiểu đường.
thuốc exomuc uống như thế nào 3.jpg
Cần chú ý theo dõi chặt chẽ nếu dùng thuốc cho người bệnh bị tiểu đường

Điều kiện bảo quản

  • Thuốc phải được bảo quản trong điều kiện khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, không quá 30℃.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.

Trên đây là thông tin thuốc Exomuc uống như thế nào và những điều cần lưu ý khi dùng thuốc. Hãy dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng để quá trình điều trị đem lại hiệu quả tốt nhất. Nếu tình trạng của bạn trở nặng hoặc xuất hiện các triệu chứng khác thường trong quá trình dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ để được hỗ trợ nhé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm