Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu chi tiết về EV71 - Thủ phạm gây bệnh chân tay miệng

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều virus khác nhau gây ra bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, có một loại virus tuy không mới nhưng lại có độc tính mạnh, thường gây bệnh tay chân miệng với triệu chứng nặng, nguy cơ biến chứng cao. Đó chính là EV71 - loại virus mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.

Bệnh tay chân miệng không còn xa lạ với hầu hết chúng ta vì cứ từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hằng năm lại bùng lên những đợt dịch khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về EV71 - loại virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính được gây ra bởi virus. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt, đau họng, nổi ban, nổi mụn nước ở tay, chân và miệng và tiến triển thành vết loét. Các tổn thương có thể xuất hiện ở tay, chân, lưỡi, nướu, bên trong má. Và cũng chính những tổn thương này khiến các bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh thủy đậu, ghẻ lở…

Bệnh tay chân miệng xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thường xuyên là điểm nóng của dịch này. Bệnh có ở hầu hết các địa phương trên cả nước, xuất hiện rải rác tại nhiều thời điểm trong năm. Mùa bùng phát của bệnh thường thứ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Bệnh tay chân miệng thường mắc ở trẻ dưới 10 tuổi, ít khi mắc ở người lớn. Trẻ từ 1 - 2 tuổi là đối tượng mắc tay chân miệng nhiều nhất, sau đó đến trẻ dưới 3 tuổi rồi mới đến nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Tìm hiểu chi tiết về EV71 - “Thủ phạm” gây bệnh chân tay miệng 1
Bệnh tay chân miệng đã không còn xa lạ ở nước ta

EV71 là gì? Có liên quan gì đến bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng do một các virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Nhóm virus Enterovirus gồm 4 loại: Coxsackie A virus (CA), Coxsackie B virus (CB), Poliovirus và Echovirus. Các serotype thuộc loài Coxsackie A virus (CA) gồm: EV92, EV91, EV90, EV68, EV89, EV76, EV71. Như vậy EV71 là một loại virus thuộc họ Picornavirus, thuộc nhóm Enterovirus và là một trong những nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng. EV71 còn được gọi là Enterovirus A71 (EV - A71).

Virus EV71 có hình cầu, đường kính khoảng 27-30 mm. EV71 có thể bị bất hoạt bởi nhiệt độ ở mức 56 độ C trong vòng 30 phút hoặc bởi tia cực tím, tia gamma. Nó cũng bị bất hoạt bởi nước javen, cồn, phenol, ether…

Tuýp virus EV71 được các nhà nghiên cứu tìm thấy ở Đài Loan vào năm 1968. Nó cũng từng xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines, Singapore. Đây không phải tuýp virus gây bệnh tay chân miệng mới nhưng nó có độc tính rất mạnh. Ngoài khả năng gây bệnh tay chân miệng, nó còn có thể gây ra các bệnh ở hệ thần kinh trung ương và biến chứng tay chân miệng cũng khá nghiêm trọng.

Tìm hiểu chi tiết về EV71 - “Thủ phạm” gây bệnh chân tay miệng 2
EV71 còn được gọi là Enterovirus A71 là một trong những loại virus gây bệnh tay chân miệng

EV71 gây bệnh tay chân miệng bằng cách nào?

Sau khoảng 24 giờ khi xâm nhập vào cơ thể, virus EV71 di chuyển đến các hạch bạch huyết xung quanh, sau đó xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng máu trong một khoảng thời gian. Từ máu, virus EV71 mới di chuyển đến miệng và da. Chúng tập trung sống ở vùng niêm mạc má, niêm mạc ruột vùng hồi tràng. 

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào? Virus gây bệnh tay chân miệng này được đào thải từ ra bên ngoài môi trường qua dịch hắt hơi, sổ mũi, nước bọt và phân của người bệnh hoặc người lành mang virus. Tiếp xúc với các thành phần này có thể khiến người lành mắc bệnh.

Với độc tố mạnh, Enterovirus 71 có thể gây ra bệnh cảnh lâm sàng nặng và có thể làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách. Nguồn gốc của bệnh tay chân miệng chính là người bệnh hoặc người lành mang bệnh. Quá trình lây nhiễm xảy ra ngay từ thời gian ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 7 ngày trước khi phát bệnh. Thời kỳ lây truyền bệnh sẽ kéo dài đến khi bệnh nhân hết các vết phỏng nước và loét miệng. Thời điểm dễ lây nhiễm nhất chính là tuần đầu của bệnh.

Nguồn gốc của bệnh là những người bệnh, người lành mang virus Lây nhiễm ngay từ thời gian ủ bệnh (từ 3 - 7 ngày) trước khi phát bệnh và thời kỳ lây truyền kéo dài cho đến khi hết loét miệng và các bọng nước, dễ lây nhất là trong tuần đầu của bệnh.

Tìm hiểu chi tiết về EV71 - “Thủ phạm” gây bệnh chân tay miệng 3
Bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra dễ lây nhiễm

Triệu chứng bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra

Người mắc bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Trong miệng xuất hiện các bọng nước nhỏ, đường kính từ 2 - 10mm, có hình bầu dục.
  • Bọng nước vỡ ra gây loét miệng. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy đau mỗi khi nuốt nước bọt, khi ăn và nói chuyện. Miệng trẻ cũng tăng tiết nước bọt.
  • Các bọng nước nếu xuất hiện ở đầu gối hay mông sẽ có nền hồng ban.
  • Bọng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân thường lồi lên trên bề mặt da, khi sợ tay cảm nhận được cảm giác cộm lên nhưng thường không thấy đau. Cũng có những mụn không lồi lên mà ẩn dưới da.
  • Triệu chứng không điển hình là các bóng nước có thể xen kẽ với hồng ban. Có những trường hợp bệnh nhân không có bóng nước mà chỉ có hồng ban. Cũng có bệnh nhân chỉ có duy nhất triệu chứng loét miệng.

Biến chứng bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra

Một số biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, phù phổi cấp… Ở một số bệnh nhân còn gặp các biến chứng phối hợp. Điển hình như một bệnh nhân có thể vừa bị phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não màng não cùng một lúc. Nếu gặp biến chứng, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng khác theo từng biến chứng cụ thể.

Tìm hiểu chi tiết về EV71 - “Thủ phạm” gây bệnh chân tay miệng 4
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra từ giai đoạn sớm

Theo nghiên cứu, các biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng đa số là các trường hợp mắc bệnh do virus EV71. Các biến chứng nặng như trên thường diễn tiến nhanh trong 24 giờ và nguy cơ tử vong khá cao.

Hiện nay không có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Việc điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu nhắm vào mục đích điều trị triệu chứng, tăng cường đề kháng và phòng ngừa biến chứng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ sẽ giúp bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, giảm nguy cơ biến chứng.

Hiện nay, chưa có chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu với bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra. Cách phòng bệnh tốt nhất của mỗi gia đình là giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sạch sẽ, chủ động nâng cao đề kháng để giảm nguy cơ mắc bệnh. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm