Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu nguyên nhân và biểu hiện của bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Ngày 19/02/2022
Kích thước chữ

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn khiến nhiều người rơi vào tâm lý sợ hãi khi ngủ, ngủ không ngon giấc, dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Căn bệnh này phổ biến ở các bệnh nhân phải thức khuya tăng ca hoặc làm đêm thường xuyên.

Rối loạn giấc ngủ không thực tổn tuy rằng không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng lại là tiền đề dẫn đến các căn bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Vậy làm sao để nhận biết cơ thể có đang bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn không? Biểu hiện của chứng bệnh này ra sao? Cách điều trị bệnh như thế nào? Tất tần tật mọi thông tin về bệnh sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì?

Hiểu một cách đơn giản hơn, rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng bạn khó đi vào giấc ngủ nhanh và ngủ không sâu. Nhắc đến đây, chắc chắn ít nhiều trong chúng ta sẽ có đôi lần rơi vào trạng thái này mà không biết rằng đây là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh. Có thể đánh giá đây là một "bệnh hiện đại" mà nhiều người mắc phải, nhất là các bạn trẻ.

Thông thường, một người trưởng thành cần ngủ từ 7 tiếng đến 9 tiếng/ngày, nhưng khi bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn, họ sẽ ngủ ít hơn và khó ngủ hơn.

rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là căn bệnh khó phát hiện, diễn ra âm thầm nhưng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Việc ngủ không đủ giấc mỗi đêm dẫn đến tình trạng người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, khó tập trung hơn vào ngày hôm sau. Khi tình trạng này kéo dài, không chỉ cản trở cho công việc, học tập và sinh hoạt, nó còn khiến sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh vặt như cảm lạnh, sổ mũi, viêm hô hấp,... Những người thường xuyên làm ca đêm hoặc thức khuya tăng ca sẽ dễ bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn hơn là các đối tượng khác.

Đi tìm lý do dẫn đến bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Thông thường, khi đang gặp áp lực, stress, ăn quá no vào buổi tối, xem điện thoại trước khi ngủ,... mới khiến chúng ta khó ngủ hoặc mất ngủ. Nhưng đối với các người bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn, sự thay đổi bất thường về thời gian và chất lượng giấc ngủ mới là yếu tố dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm. Các lý do gây ra rối loạn giấc ngủ không thực tổn:

  • Các vấn đề về bệnh tim mạch như suy tim, hở van tim,...
  • Các vấn đề về đường hô hấp như viêm hô hấp, viêm phế quản, hen suyễn,..
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Hệ thần kinh trung ương bị tổn thương.
  • Các vấn đề về nội tiết tố chuyển hóa như bệnh cường giáp, Cushing, hạ đường huyết,...
nguyên nhân của bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn 3 Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn.
  • Tổn thương tâm lý dẫn đến stress, trầm cảm, căng thẳng kéo dài,...
  • Các vấn đề do tuổi già.
  • Rối loạn khí sắc.
  • Môi trường sống thay đổi đột ngột.

Các dấu hiệu nhận biết phổ biến bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn

Bạn có thể dựa vào các dấu hiệu này để nhận biết bản thân có đang bị rối loạn giấc ngủ không thực tổn hay không:

Mất ngủ không thực tổn: Người bệnh sẽ không ngủ đủ 7 tiếng đến 9 tiếng/ngày, mà thời gian ngủ có khi còn ít hơn 5 tiếng. Tình trạng này sẽ xảy ra thường xuyên ít nhất 3 lần trong tuần, kéo dài hơn 30 ngày. Việc mất ngủ sẽ không liên quan đến các căn bệnh khác như tim mạch, hô hấp, thần kinh, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực,...

Ngủ nhiều bất thường: Ngược lại với chứng mất ngủ, khó ngủ, việc bạn ngủ nhiều cũng là một trong những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ không thực thể. Khi rơi vào tình trạng này, cơ thể của bạn sẽ luôn cảm thấy buồn ngủ bất kỳ lúc vào ở mọi thời điểm. Dù rằng bạn đã ngủ đủ giấc hoặc thậm chí ngủ nhiều hơn bình thường vào đêm trước đó. Bạn vẫn sẽ cảm giác "thèm ngủ", uể oải, mệt mỏi và kém tập trung.

Tìm hiểu nguyên nhân và biểu hiện của bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn 3 Khó ngủ, ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều, gặp ác mộng, hoảng sợ khi ngủ,... đều là những biểu hiện của bệnh rối loạn giấc ngủ không thực tổn.

Rối loạn nhịp thức - ngủ: Dấu hiệu bệnh này sẽ gặp nhiều ở các đối tượng thường xuyên thay đổi múi giờ như phi công, tiếp viên hàng không, hoặc những người phải làm đêm nhiều. Họ sẽ khó ngủ về đêm nhưng lại ngủ nhiều về ban ngày. Giấc ngủ của họ sẽ không sâu, dễ thức giữa chừng, và luôn cảm thấy "ngủ bao nhiêu cũng không đủ".

Mộng du: Tình trạng này cũng là một trong những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Thường thì chứng mộng du sẽ xuất hiện vào khoảng 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ. Trong lúc mộng du, người bệnh sẽ không thể nhớ những hành động mình đã làm. Tuy rằng mộng du không nguy hiểm, nhưng khi mộng du sẽ rất dễ gây tổn thương lên cơ thể.

Một số biểu hiện khác của bệnh như hoảng sợ khi ngủ, chứng ngủ rũ, ác mộng khi ngủ,...

Nhìn chung, rối loạn giấc ngủ không thực tổn sẽ tác động rất nhiều đến tinh thần và sức khỏe của bạn. Vì thế, để chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập luyện thể thao,... Việc này không chỉ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, tích cực hơn trong cuộc sống, mà còn phòng ngừa được nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Bảo Vân

Nguồn: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin