Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu về mỡ nội tạng và mỡ dưới da

Ngày 12/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mỡ nội tạng và mỡ dưới da là gì? Loại mỡ nào gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Dù cho bạn có sở hữu một thân hình thon gọn đến đâu, việc có một ít mỡ trên cơ thể vẫn là điều hoàn toàn tự nhiên. Tùy thuộc vào vị trí mà các tế bào mỡ tích tụ, sức khỏe của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng theo cách khác nhau. Ví dụ như mỡ dưới da không gây ra quá nhiều vấn đề sức khỏe. Nhưng ngược lại mỡ nội tạng là tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các bệnh lý nguy hiểm. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về mỡ nội tạng và mỡ dưới da.

Mỡ nội tạng và mỡ dưới da là gì?

Trong cơ thể, mỡ đóng vai trò vô cùng cần thiết để đệm và hỗ trợ các cơ quan, xây dựng các tế bào và dự trữ năng lượng. Mỡ chiếm một tỷ lệ linh hoạt trong trọng lượng cơ thể của mỗi người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, cấu trúc cơ thể và trạng thái sức khỏe. Thông thường, mỡ chiếm khoảng 15 - 30% trọng lượng cơ thể của phụ nữ và khoảng 10 - 25% ở nam giới.

Mỡ trong cơ thể có thể phân bổ ở nhiều khu vực khác nhau, nhưng phần lớn tập trung ở dưới da và nội tạng:

  • Mỡ dưới da: Đây là loại mỡ được tích tụ dưới lớp da, thường nằm ở vùng bụng, mông, đùi và các khu vực khác trên cơ thể. Mỡ dưới da thường dễ nhìn thấy và nhận ra hơn.
  • Mỡ nội tạng: Đây là loại mỡ dự trữ trong khoang bụng, tích tụ xung quanh các nội tạng như tim, gan, phổi và ruột non. Mỡ nội tạng không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận từ bên ngoài. Để đánh giá tỷ lệ mỡ nội tạng, cần phải chụp CT scan hoặc MRI. Đây là loại mỡ có thể gây hại cho sức khỏe trong trường hợp tích tụ quá nhiều.

Tỷ lệ mỡ nội tạng trong tổng lượng mỡ cơ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người và tình trạng sức khỏe. Trong một số trường hợp, mỡ nội tạng có thể chiếm đến 10 - 20% tổng lượng mỡ cơ thể. Vì vậy, việc kiểm soát mỡ nội tạng cũng rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể.

Tìm hiểu về mỡ nội tạng và mỡ dưới da 1
Mỡ nội tạng và mỡ dưới da chiếm đa phần tỷ lệ mỡ của cơ thể

Mỡ nội tạng gây ra những ảnh hưởng như thế nào cho cơ thể?

Các bác sĩ đã chỉ ra rằng việc theo dõi mỡ nội tạng có dư thừa không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, chiều cao, cân nặng, cấu trúc cơ thể và tình trạng sức khỏe tổng thể của mỗi người. Mỡ nội tạng dư thừa nhiều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cụ thể hơn:

  • Bệnh tim mạch: Mỡ nội tạng có liên quan chặt chẽ đến các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh lý van tim và nhồi máu cơ tim. Nó có thể làm viêm nhiễm và xơ vữa trong mạch máu, gây ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề tim mạch.
  • Tiểu đường tuýp 2: Mỡ nội tạng được cho là có ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin và quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể. Mỡ nội tạng tích tụ nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
  • Bệnh gan mỡ không cồn (NAFLD): Mỡ nội tạng tích tụ trong gan sẽ gây ra bệnh gan mỡ không cồn. Nếu không được điều trị sớm, thì bệnh này có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan
  • Bệnh thận: Tích tụ mỡ nội tạng lâu ngày cũng dẫn đến bệnh thận mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng thận và quá trình lọc chất thải.
  • Huyết áp cao: Mỡ nội tạng cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
  • Bệnh mỡ máu cao: Mỡ nội tạng có khả năng làm tăng mức cholesterol và triglyceride trong máu, góp phần vào bệnh mỡ máu cao (dyslipidemia).
  • Các bệnh ung thư: Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng mỡ nội tạng có liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư ruột non, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt.
Tìm hiểu về mỡ nội tạng và mỡ dưới da 2
Mỡ nội tạng gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn mỡ dưới da

Làm thế nào để giảm mỡ nội tạng hiệu quả và an toàn?

Giảm mỡ nội tạng thường đòi hỏi sự cố gắng và kiên nhẫn hơn so với việc giảm mỡ dưới da. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn giảm mỡ cơ thể tổng thể, bao gồm cả mỡ dưới da và mỡ nội tạng:

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Bạn nên thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối. Bao gồm tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, chất dinh dưỡng, hạn chế dung nạp thụ calo quá mức, giảm đường và thực phẩm chế biến sẵn. Đồng thời, đừng quên ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, đậu và các nguồn chất béo lành mạnh như hạt chia và dầu ô liu.

Tập thể dục đều đặn

Kết hợp nhiều hoạt động khi tập thể thao như chạy bộ, bơi lội, nhảy dây và tập luyện sức mạnh như tạ đạp, tạ tay để đốt cháy calo và giảm mỡ cơ thể tổng thể.

Kiểm soát cân nặng

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, thì việc giảm cân tổng thể sẽ đồng thời giúp giảm mỡ nội tạng. Bạn nên xây dựng một kế hoạch giảm cân hợp lý, bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống và tập luyện thể thao phù hợp. Bên cạnh đó, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, hoặc huấn luyện viên thể thao để đạt được mục tiêu giảm cân an toàn và hiệu quả.

Tìm hiểu về mỡ nội tạng và mỡ dưới da 3
Tập thể thao thường xuyên, ăn uống điều độ và khoa học, kiểm soát cân nặng tốt,... để giảm mỡ

Tuy nhiên, quá trình giảm mỡ nội tạng có thể phức tạp hơn so với mỡ dưới da. Mỡ nội tạng thường được xem là mỡ "kín", vì nó nằm xung quanh các nội tạng quan trọng trong cơ thể. Để đối phó với mỡ nội tạng, bạn có thể cân nhắc các yếu tố sau:

  • Giảm căng thẳng: Tuy rằng stress không gây ra mỡ nội tạng trực tiếp, nhưng có thể kích thích sự sản xuất cortisol - một hormone liên quan đến tích tụ mỡ nội tạng. Bạn nên hạn chế căng thẳng kéo dài, đồng thời có thể tập yoga, thiền, nghe nhạc,... để giảm căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ sẽ làm rối loạn hormone và tăng cường tích tụ mỡ nội tạng. Bạn nên ngủ đủ giấc mỗi đêm và duy trì chế độ ngủ đều đặn, chất lượng.
  • Hạn chế đồ uống có cồn: Thức uống có cồn sẽ đóng góp vào việc tích tụ mỡ. Bạn cần hạn chế các loại đồ uống có cồn để giảm mỡ nội tạng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Trong bài là các thông tin cung cấp giúp bạn hiểu rõ hơn về mỡ nội tạng và mỡ dưới da. Mong rằng qua đó bạn sẽ nắm bắt được những nguy hại tiềm ẩn khi cơ thể tích tụ nhiều mỡ dư thừa. Từ đó sẽ xây dựng thực đơn ăn uống khoa học và chế độ sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tích tụ mỡ thừa, nâng cao sức khỏe của mình.

Xem thêm: Tìm hiểu về tỷ lệ mỡ cơ thể lý tưởng ở nam và nữ

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin