Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về nhóm kháng sinh peptid và cơ chế tác dụng của kháng sinh

Ngày 17/11/2024
Kích thước chữ

Mỗi nhóm kháng sinh khác nhau tác động lên một hoặc một vài vị trí trong thành phần cấu tạo hay phản ứng chuyển hóa của vi khuẩn, từ đó gây ra chết tế bào hoặc ngăn không cho tế bào vi khuẩn nhân lên. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhóm kháng sinh peptid qua bài viết dưới đây nhé!

Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cần được cân nhắc và theo dõi cẩn thận, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Việc sử dụng kháng sinh cần có sự chỉ định của bác sĩ, đúng bệnh, đúng liều và đúng cách. Vậy nhóm kháng sinh peptid được chỉ định trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn nào?

Khái niệm về kháng sinh

Kháng sinh là thuốc có tác dụng kìm hãm sự phát triển hoặc tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, góp phần làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể. Mỗi loại kháng sinh khác nhau có thể có đáp ứng khác nhau đối với một hoặc nhiều loại vi khuẩn, nếu kháng sinh diệt được nhiều chủng vi khuẩn thì gọi là kháng sinh phổ rộng. Ngược lại, nếu kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với một vài chủng vi khuẩn cụ thể, được gọi là kháng sinh phổ hẹp.

Kháng sinh được chỉ định trong các bệnh nhiễm có nguyên nhân do vi khuẩn tấn công, như là viêm da, viêm xoang, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường tiểu, nhiễm khuẩn đường hô hấp,...

Nhóm kháng sinh peptid 01
Kháng sinh được chỉ định trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn

Tuy vậy, kháng sinh không phải là “thần dược” không có tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp nhất của kháng sinh bao gồm: Nôn ói, đau bụng, tiêu chảy,... Do kháng sinh diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi sinh tại đây.

Ngoài ra, kháng sinh còn có thể gây ra các tác dụng phụ trên hệ tạo máu, thần kinh, tiết niệu, tim mạch,... nhất là khi sử dụng quá liều, không đúng cách. Vậy nhóm kháng sinh peptid có các tác dụng phụ nào?

Nhóm kháng sinh peptid

Các thuốc kháng sinh có bản chất hóa học là peptid được gọi chung là nhóm kháng sinh peptid, bao gồm các phân nhóm như Glycopeptid, Lipopeptid, Polypeptid.

  • Kháng sinh nhóm glycopeptid: Đại diện của nhóm này là 2 kháng sinh thường gặp trên lâm sàng: Vancomycin và teicoplanin. Đây là nhóm kháng sinh tự nhiên, có phổ tác động chính trên vi khuẩn gram dương như S. aureus, Bacillus spp., Corynebacterium spp. Glycopeptid còn tiêu diệt được trực khuẩn gram âm và Mycobacteria nên được chỉ định điều trị nhiễm tụ cầu vàng (S. aureus) đã đề kháng với methicillin.
  • Kháng sinh Polypeptid: Polymyxin B và Colistin là hai loại kháng sinh được sử dụng điều trị thuộc nhóm polypeptid. Nhóm polypeptid chỉ tác dụng đối với trực khuẩn gram âm như E. coli, Salmonella, Shigella hay Klebsiella
  • Kháng sinh Lipopeptid: Nhóm kháng sinh Lipopeptid có phổ kháng khuẩn trên chủng vi khuẩn gram dương cả hiếu khí và kỵ khí như Enterococcus, Propionibacteria, Peptostreptococcus, Clostridium perfringens... Đặc biệt, kháng sinh nhóm Lipopeptid còn có tác dụng trên các chủng vi khuẩn đã đề kháng kháng sinh vancomycin.

Nói về tác dụng phụ của nhóm kháng sinh peptid, vancomycin nổi bật do có thể xuất hiện hội chứng người đỏ, sốt, chóng mặt, viêm tĩnh mạch, tụt huyết áp, đau cơ, sốc phản vệ. Đối với Teicoplanin, kháng sinh này thường gây ra phản ứng quá mẫn, nổi ban đỏ, giảm bạch cầu,...

Nhóm kháng sinh peptid 02
Teicoplanin thường gây ra phản ứng quá mẫn, nổi ban đỏ, giảm bạch cầu,...

Nhóm kháng sinh polypeptid có thể gây ra một số tác dụng phụ như ức chế hệ dẫn truyền thần kinh cơ hoặc tổn thương thận. Còn nhóm lipopeptid thường làm gây tổn thương cơ và xương.

Cơ chế tác dụng của kháng sinh

Mỗi nhóm kháng sinh khác nhau có cơ chế tiêu diệt vi khuẩn không giống nhau. Sau khi kháng sinh thấm được vào tế bào vi khuẩn, kháng sinh sẽ di chuyển đến vị trí mà nó phát huy tác dụng, diệt khuẩn hoặc kìm khuẩn bằng một số cơ chế như:

  • Ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn: Bao gồm kháng sinh nhóm beta-lactam, fosfomycin hay vancomycin (nhóm kháng sinh peptid), tác động tế bào vi khuẩn theo cách này. Kháng sinh ngăn không cho lớp vách tế bào vi khuẩn - peptidoglycan được hình thành, từ đó tế bào vi khuẩn dễ bị ly giải hơn (đặc biệt là nhóm vi khuẩn gram dương).
  • Rối loạn chức năng màng bào tương: Màng bào tương có khả năng thẩm thấu chọn lọc, do đó khi bị rối loạn thì các ion bên trong tế bào vi khuẩn thoát ra ồ ạt, từ đó tế bào vi khuẩn bị tiêu diệt. Kháng sinh đại diện cho cơ chế này là Polymyxin B hoặc Colistin.
Nhóm kháng sinh peptid 03
Mỗi nhóm kháng sinh khác nhau có cơ chế tiêu diệt vi khuẩn không giống nhau
  • Ức chế tổng hợp protein: Vi khuẩn cần tổng hợp các protein có hoạt tính sinh học để sinh trưởng và phát triển. Do vậy, nếu ức chế quá trình tổng hợp protein, đặc biệt là quá trình dịch mã của ribosom, có thể khiến vi khuẩn không nhân lên được. Kháng sinh tác động theo cơ chế này có thể kể đến nhóm aminoglycosid và tetracyclin (tác động vào tiểu phần 30S) hay nhóm macrolid, chloramphenicol, clindamycin (tác động vào tiểu phần 50S).
  • Ức chế sinh tổng hợp acid nucleic: Kháng sinh tác động theo cơ chế này gồm ba cấp độ: (1) Ngăn cản ADN từ mẹ sao chép di truyền sang con, ví dụ như kháng sinh nhóm quinolon gắn với enzyme gyrase làm cho ADN không mở được. (2) Ngăn không cho quá trình tổng hợp ARN được diễn ra, ví dụ như kháng sinh rifampicin gắn với enzyme ARN–Polymerase. (3) Ức chế tổng hợp các chất cần thiết cho sự hình thành tế bào vi khuẩn, ví dụ như quá trình tổng hợp nhân purin và pyrimidin cần có acid folic đóng vai trò như một co-enzyme, bị ức chế bởi bộ đôi kháng sinh sulfamid và trimethoprim.
Nhóm kháng sinh peptid 04
Kháng sinh nhóm beta-lactam làm ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn

Vậy là bạn đọc đã biết nhóm kháng sinh peptid bao gồm những thuốc nào và cơ chế kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn của kháng sinh. Cần lưu ý rằng, kháng sinh chỉ có hiệu quả trên vi khuẩn (mà không diệt được vi rút). Bên cạnh đó, kháng sinh là thuốc kê đơn cần có chỉ định và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ, nhằm đảm bảo việc điều trị an toàn và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin