Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tìm hiểu về kháng sinh nhóm cyclin và các lưu ý khi sử dụng kháng sinh

Ngày 13/11/2024
Kích thước chữ

Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm trùng cần được cân nhắc, theo dõi và quản lý chặt chẽ. Sử dụng đúng loại kháng sinh, đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng thời gian giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng hơn. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về kháng sinh nhóm cyclin qua bài viết dưới đây nhé!

Kháng sinh là thuốc giúp kìm hãm sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn, sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Mỗi loại kháng sinh khác nhau sẽ có tác động trên từng loại vi khuẩn chuyên biệt (kháng sinh không diệt được virus), do đó việc lựa chọn đúng kháng sinh cho đúng bệnh nhiễm trùng là rất quan trọng. Vậy kháng sinh nhóm cyclin tác động trên những loại vi khuẩn nào?

Tổng quan sử dụng kháng sinh

Đa phần hệ vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể chúng ta thường không gây hại, vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại cùng tồn tại với nhau trong một tỷ lệ cân bằng, ở đó chúng giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Một số chủng vi khuẩn còn có lợi do chúng tham gia vào quá trình chuyển hóa, bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây bệnh.

Kháng sinh là thuốc giúp kìm hãm sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, thường sử dụng trong các bệnh lý nhiễm trùng như viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng da,...

Vài bệnh lý thường gặp, nhất là trong giai đoạn giao mùa như cảm sốt, đau họng, cúm, ho, viêm phế quản,... có nguyên nhân thường do virus, chính vì vậy việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này không cho hiệu quả. Thay vào đó, bác sĩ sẽ thăm khám và cho bạn sử dụng thuốc kháng viêm hoặc thuốc kháng virus nếu cần thiết.

Kháng sinh nhóm cyclin 01
Kháng sinh cho tác dụng kìm hãm sự phát hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại

Kháng sinh nhóm cyclin

Dựa trên cấu trúc hóa học, kháng sinh có thể được phân loại thành nhiều nhóm. Một số nhóm kháng sinh phổ biến có thể kể đến như kháng sinh nhóm cyclin, nhóm beta-lactam, nhóm macrolid, nhóm quinolon, nhóm aminoglycosid,...

Kháng sinh nhóm cyclin bao gồm cả kháng sinh có nguồn gốc tự nhiên và bán tổng hợp. Các hoạt chất nhóm thuốc kháng sinh cyclin bao gồm Clotetracyclin, Oxytetracyclin, Tetracyclin, Doxycyclin và Minocyclin.

Cyclin là nhóm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng trên cả các vi khuẩn Gram-âm và vi khuẩn Gram-dương bao gồm: Bacillus anthracis, H. influenzae, H. pylori, Listeria, Brucella, Vibrio cholerae, Campylobacter jejuni, Actinomyces,...

Kháng sinh nhóm cyclin cũng cho có tác dụng trên vi khuẩn không điển hình như Coxiella burnetii, Mycoplasma pneumoniae, Rickettsia, Chlamydia spp., Legionella spp., Ureaplasma,… Và các loại xoắn khuẩn như Borrelia burgdorferi (gây bệnh Lyme), Treponema pallidum (gây bệnh giang mai).

Kháng sinh nhóm cyclin 02
Kháng sinh nhóm cyclin là kháng sinh phổ rộng, tiêu diệt được cả vi khuẩn kị khí và hiếu khí

Tuy là kháng sinh phổ rộng, nhóm kháng sinh cyclin ngay nay bị giới hạn sử dụng do tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh cao (Ví dụ như S. pneumoniae, Enterobacteriaceae, P. aeruginosa). Kháng sinh nhóm cyclin thế hệ 2 (như doxycyclin hay minocyclin) thường có hiệu quả tốt hơn trên các chủng vi khuẩn đã đề kháng tetracyclin trước đó.

Tác dụng phụ của kháng sinh nhóm cyclin

Vậy là bạn đã biết được tên các kháng sinh trong nhóm cyclin cũng như phổ kháng khuẩn của chúng. Điều quan trọng là cần liên hệ ngay với nhân viên y tế, nếu trong quá trình sử dụng thuốc cơ thể bạn xảy ra phản ứng bất thường. Dưới đây là một số tác dụng phụ của kháng sinh nhóm cyclin, bao gồm:

  • Tác dụng phụ đặc trưng của kháng sinh nhóm cyclin là thuốc gắn mạnh vào răng và xương, từ đó gây ra các vấn đề như chậm phát triển ở trẻ, hư răng, răng đổi màu. Tác dụng phụ này thường gặp ở trẻ dưới 8 tuổi và mẹ bầu sử dụng thuốc khi mang thai.
  • Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa bao gồm kích ứng, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét thực quản (nếu bị đọng thuốc tại đây),...
  • Độc tính trên gan và thận, có thể gây suy thận, viêm gan hoặc ứ mật.
  • Tăng áp lực nội sọ có thể gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi phối hợp với vitamin A liều cao.
  • Nhạy cảm với ánh sáng là tác dụng phụ hiếm gặp.
Tìm hiểu về kháng sinh nhóm cyclin và các lưu ý khi sử dụng kháng sinh3
Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa bao gồm kích ứng, đau bụng, buồn nôn, nôn,...

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh

Uống kháng sinh đúng theo toa thuốc

Kháng sinh thường được kê đơn uống từ 1 đến 3 lần/ngày. Tốt hơn hết, bạn nên giữ khoảng thời gian giữa các liều trong ngày bằng nhau và uống vào cùng thời điểm mỗi ngày. Điều này giúp lượng thuốc trong cơ thể bạn được duy trì ổn định.

Nếu bạn được kê đơn kháng sinh, một số lưu ý bạn cần nhớ bao gồm:

  • Dùng kháng sinh đúng liều và đúng cách như mô tả trên đơn thuốc.
  • Không đưa thuốc kháng sinh của bạn cho người khác dùng.
  • Không giữ lại thuốc kháng sinh đợt này cho đợt điều trị kế tiếp.
  • Không dùng chung thuốc kháng sinh được kê đơn cho người khác. Việc này có thể làm bệnh tình của bạn trở nặng hơn hoặc xuất hiện tác dụng phụ, do sử dụng kháng sinh không đúng bệnh lý.
Kháng sinh nhóm cyclin 03
Một số lưu ý để việc sử dụng kháng sinh được an toàn và hiệu quả

Xử trí khi quên 1 liều thuốc

Trong đa số trường hợp, bạn không được tăng liều thuốc gấp đôi, để bù cho liều kháng sinh trước đó đã quên. Dùng gấp đôi liều thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng sức khỏe.

Thay vào đó, bạn cần uống liều đã quên ngay khi vừa nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ chưa uống thuốc gần với thời gian uống liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên.

Luôn nhớ uống đủ liều kháng sinh

Nếu bạn cảm thấy khó nhớ thời điểm uống thuốc kháng sinh, có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây:

  • Kết hợp việc uống thuốc với một hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như sau khi đánh răng hoặc dùng bữa - chắc chắn rằng bạn đã hỏi bác sĩ loại kháng sinh này cần uống trước ăn hay sau ăn.
  • Đặt báo thức vào thời điểm cần uống liều tiếp theo.
  • Sử dụng loại hộp có nhiều ngăn được dán nhãn, bỏ kháng sinh vào đó giúp nhắc bạn uống thuốc vào các thời điểm thích hợp trong ngày.

Trên đây là bài viết giúp bạn đọc biết được kháng sinh nhóm cyclin là gì, phổ kháng khuẩn như thế nào và các lưu ý để việc sử dụng kháng sinh được an toàn. Đặc biệt, bạn cần trao đổi ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ, nếu trong quá trình sử dụng kháng sinh bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng nào. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin