Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tình trạng chèn ép dây thần kinh là gì? Cách nhận biết và phòng ngừa

Ngày 24/10/2023
Kích thước chữ

Hệ thống dây thần kinh có nhiệm vụ dẫn truyền thông điệp giữa não và các bộ phận trên cơ thể. Dây thần kinh có thể bị chèn ép bởi xương, đĩa đệm,… gây ra cảm giác đau đớn, tê bì thậm chí bị liệt dây thần kinh. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về hội chứng chèn ép dây thần kinh.

Chèn ép dây thần kinh là tình trạng khá nhiều người gặp phải. Người mắc hội chứng này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động. Vậy nguyên nhân khiến dây thần kinh bị chèn ép là do đâu? Triệu chứng nhận biết thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa dây thần kinh bị chèn ép ra sao?

Dây thần kinh là gì và chèn ép dây thần kinh là gì?

Dây thần kinh là một bó sợi đảm nhận nhiệm vụ dẫn truyền, trao đổi thông tin giữa não và các bộ phận khác của cơ thể con người. Các thông tin này sẽ được gửi đi nhờ các thay đổi hóa học và điện thế trong tế bào thần kinh. Tình trạng dây thần kinh bị chèn ép xảy ra khi các dây thần kinh bị tạo áp lực bởi các cấu trúc cơ, xương, sụn, khớp, dây chằng, đĩa đệm,... xung quanh. Những áp lực này sẽ làm giảm chức năng của dân thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

chen-ep-day-than-kinh-2.jpg
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị chèn dây thần kinh

Hiện tượng dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Trong đó phổ biến nhất là đau thần kinh tọathoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh, dây thần kinh cổ tay bị chèn ép, dây thần kinh ở chân, dây thần kinh trụ,... Dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta. Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị chèn ép các dây thần kinh cao hơn những người khác:

  • Người ngoài 30 tuổi có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn người trẻ hơn 30 tuổi.
  • Phụ nữ đang trong quá trình mang thai hoặc đang trong giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Người thừa cân hoặc béo phì có trọng lượng cơ thể nặng nên dây thần kinh và cột sống dễ bị tạo áp lực.
  • Những nghề nghiệp đòi hỏi người làm việc ngồi hoặc đứng quá lâu như thợ may, dân văn phòng, công nhân,... cũng có nguy cơ bị chèn ép dây thần kinh cao hơn những người khác.
  • Người đang mắc sẵn các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, viêm xương khớp, hội chứng ống cổ tay,...

Chèn ép dây thần kinh nhận biết qua dấu hiệu nào?

Người bệnh gặp tình trạng dây thần kinh bị chèn ép sẽ gặp các triệu chứng khá điển hình như:

  • Tê bì, đau nhức tại vị trí có dây thần kinh bị chèn ép hoặc đau dây thần kinh: Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là do việc chèn ép làm gián đoạn tín hiệu ở dây thần kinh. Cảm giác tê bì có thể diễn ra trong thời gian ngắn, cũng có thể lặp lại nhiều lần. Nếu không được điều trị kịp thời, tê bì có thể trở thành tê liệt vĩnh viễn.
  • Cảm giác giống bị kim châm thường gặp ở những khu vực nhất định và diễn ra trong khoảng 3 - 5 phút hoặc cùng có thể kéo dài hơn.
  • Người bệnh sẽ cảm nhận được tình trạng suy yếu các cơ cánh tay, bắp tay, bàn tay, cơ chân. Dây thần kinh vận động mang các tín hiệu từ bộ não đến các cơ. Khi dây thần kinh bị chèn ép, tín hiệu giảm dẫn đến yếu cơ.
  • Cảm giác đau ở vị trí dây thần kinh bị chèn sẽ lan ra các khớp khối và các khu vực lân cận gây triệu chứng đau khớp.
  • Nếu có triệu chứng đau cả thắt lưng, khớp gối, bắp chân, cẳng tay, có thể viêm dây thần kinh và ảnh hưởng đến chức năng kết nối.
chen-ep-day-than-kinh-4.jpg
Chèn ép dây thần kinh có triệu chứng điển hình là đau và tê bì

Lý do khiến dây thần kinh bị chèn ép

Có nhiều lý do khiến hệ thống dây thần kinh trên cơ thể bị chèn ép như:

  • Các chấn thương lặp lại thường xuyên do các cử động liên tục: Nguyên nhân này thường xảy ra với những người làm các công việc đặc thù như: Người chơi đàn, người gõ máy tính nhiều dễ bị chèn ép dây thần kinh cổ tay, công nhân phải đứng nhiều hàng ngày dễ bị chèn ép ở dây thần kinh thắt lưng,...
  • Chèn ép ở các dây thần kinh nhiều trường hợp xuất phát từ các bệnh lý sẵn có như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống, hội chứng ống cổ tay, thừa cân béo phì,...
  • Các chấn thương do tai nạn có thể gây gãy xương, bong gân, rạn xương,... cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh do: Các cấu trúc quanh dây thần kinh bị sưng viêm, lượng máu nuôi dẫn đến dây thần kinh bị giảm, tổn thương vỏ bao dây thần kinh, thay đổi cấu trúc dây thần kinh
  • Người có chức năng lưu thông máu kém hay chức năng thần kinh kém cũng có thể mắc hội chứng dây thần kinh bị chèn ép.

Cách điều trị chèn ép dây thần kinh

Khi một dây thần kinh nào đó trên cơ thể bị chèn ép, bạn có thể cảm nhận được các dấu hiệu đầu tiên. Tùy mức độ bị chèn ép và sưng viêm của các dây thần kinh, người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng với mức độ nặng hay nhẹ khác nhau.

Nếu các triệu chứng nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh. Chườm lạnh sẽ giảm triệu chứng đau nhức trong trường hợp tại vị trí dây thần kinh bị chèn có dấu hiệu sưng viêm, nóng đỏ, phù nề cấp. Chườm nóng áp dụng trong trường hợp không bị sưng viêm, giúp tăng cường lưu thông máu đến các dây thần kinh. Các bài tập kéo giãn cơ, bài tập giảm đau thần kinh tọa,... cũng sẽ giúp giảm đau khá hiệu quả.

chen-ep-day-than-kinh-3.jpg
Chườm nóng hoặc lạnh giảm đau

Nếu triệu chứng đau có xu hướng gia tăng sau vài ngày theo dõi, bạn nên đi khám bác sĩ. Thông qua việc siêu âm, điện cơ, chụp cộng hưởng từ,... các bác sĩ sẽ phát hiện ra vị trí dây thần kinh bị chèn ép. Khi đó, tùy nguyên nhân và tình trạng thực tế, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc chống viêm, tiêm thuốc steroid, dùng nẹp cố định hoặc phẫu thuật nếu các phương pháp trên đây không hiệu quả.

Phòng ngừa chèn ép dây thần kinh

Không có cách nào để phòng ngừa 100% hội chứng chèn ép các dây thần kinh. Tuy nhiên, có một số cách giúp giảm đáng kể nguy cơ mà bạn có thể áp dụng như sau:

  • Cố gắng duy trì thói quen thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Việc này giúp các cơ, xương, khớp linh hoạt. Các khớp xương, cơ, đĩa đệm, sụn,... được kéo giãn nên giảm nguy cơ chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Tăng cường ăn các thực phẩm giàu kali như chuối, cam, các loại hạt,... Hệ thống dây thần kinh trong cơ thể muốn hoạt động tốt không thể thiếu kali.
  • Việc tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, cải xoăn, rau bina,... cũng rất tốt cho xương khớp. Xương khớp khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ tác động xấu đến các dây thần kinh xung quanh.
  • Hạn chế việc ngồi hoặc đứng quá lâu mà không thay đổi tư thế. Sau khoảng 30 phút làm việc, bạn nên vận động một chút để các cơ, xương, khớp được thả lỏng.
  • Hạn chế tối đa việc tiêu thụ đồ uống có cồn, đồ uống có ga, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, đồ ăn chế biến sẵn. Chúng không tốt cho sức khỏe tổng thể, làm tăng phản ứng viêm, giảm mật độ xương, tăng nguy cơ béo phì,... Tất cả những điều đó đều làm tăng nguy cơ dây thần kinh bị chèn ép.
chen-ep-day-than-kinh-5.jpg
Cần thăm khám sớm để tình trạng chèn ép dây thần kinh không diễn tiến nghiêm trọng

Chèn ép dây thần kinh tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể bị tê bì vĩnh viễn. Hãy thăm khám nhất có thể ngay khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên của dây thần kinh bị chèn ép bạn nhé!

Xem thêm: Mẹo giảm đau dây thần kinh chân trái không phải ai cũng biết

 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin