Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tổn thương mạch máu do tiểu đường có nguy hiểm không?

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ

Mức đường huyết cao khó kiểm soát do bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trên cơ thể. Trong đó, biến chứng mạch máu của bệnh tiểu đường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Vậy tổn thương mạch máu có nguy hiểm không?

Một trong những vấn đề thường được quan tâm ở người bệnh tiểu đường là những biến chứng do tổn thương mạch máu. Mạch máu tổn thương có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như xuất huyết hoặc huyết khối. Vậy hãy cùng tìm hiểu tổn thương mạch máu ở người bệnh tiểu đường như thế nào trong bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung về bệnh tiểu đường

Glucose máu hay đường huyết là nguồn năng lượng chính của cơ thể con người. Về chuyển hóa, hormon insulin giúp các tế bào của cơ thể chuyển đổi glucose thành năng lượng. Người bệnh tiểu đường là những người có tình trạng rối loạn trong chuyển hóa đường huyết, bao gồm 2 nhóm phân loại như sau:

  • Tiểu đường loại 1: Các tế bào trong tuyến tụy không sản xuất ra insulin do sự tự tấn công theo cơ chế miễn dịch của cơ thể. Nhóm này nguyên nhân thường là do di truyền và có thể xuất hiện ở những người bệnh còn rất trẻ.
  • Tiểu đường loại 2: Cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc insulin không được tế bào sử dụng hiệu quả. Tiểu đường loại 2 phổ biến hơn, thường liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc béo phì.

Tổn thương mạch máu do tiểu đường có nguy hiểm không?

Vì sao bệnh tiểu đường lại gây tổn thương mạch máu?

Cơ chế của biến chứng mạch máu do tiểu đường có thể được giải thích là do lượng đường huyết tăng quá cao, gây nên tổn thương và rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Từ đó, lớp nội mạc mạch máu dễ bị tổn thương và co lại, tạo điều kiện cho sự hình thành huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch. 

Đồng thời, các phân tử chất béo dễ dàng đi qua và thấm vào trong lớp nội mạc, hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch. Do vậy, chức năng tuần hoàn máu trong các mạnh máu nhỏ sẽ suy giảm, kéo theo hàng loạt những rối loạn của các hệ cơ quan đích.

Tổn thương mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường nguy hiểm thế nào?

Các biến chứng tổn thương mạch máu do bệnh tiểu đường nếu không điều trị có thể tác động xấu đến mạch máu và hệ tuần hoàn. Đồng thời, điều này dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên hoặc thậm chí là đột quỵ hay các cơn đau thắt ngực.

ton-thuong-mach-mau-do-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 1
Tiểu đường có thể gây ra tổn thương trên mạch máu lớn hoặc nhỏ

Phân loại những biến chứng về tổn thương mạch máu

Tổn thương mạch máu nhỏ

Người bệnh tiểu đường có thể gặp phải biến chứng tổn thương mạch máu nhỏ sau đây:

  • Tổn thương mạch máu nhỏ trên võng mạc mắt: Gây ra những biến chứng nguy hiểm ở mắt như: viêm giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc mù lòa.
  • Tổn thương mạch máu nhỏ trên thận: Thận là cơ quan có các đơn vị lọc chứa nhiều mạch máu nhỏ. Lượng đường trong máu cao có thể khiến các mạch máu này bị thu hẹp và tắc nghẽn, giảm tưới máu đến thận. Nếu không được điều trị người bệnh dễ tiến triển đến suy thận hoặc mất chức năng thận hoàn toàn và phải chạy thận nhân tạo.
  • Tổn thương mạch máu trên hệ thần kinh: Là một biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Biến chứng thần kinh ở bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến các nhóm hệ thần kinh như thần kinh tự chủ, hệ thần kinh điều khiển các hoạt động vô thức của cơ thể như hoạt động tiêu hóa. Tổn thương hệ thần kinh ngoại biên là loại tổn thương thần kinh phổ biến nhất. Biểu hiện bắt đầu ở bàn chân, thường ở cả hai chân cùng một lúc. Các triệu chứng bao gồm: Tê bì ngoài da (cảm giác như kim châm), đau hoặc tăng cảm và thường trở nặng vào ban đêm.
ton-thuong-mach-mau-do-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 2
Biến chứng thần kinh liên quan đến tổn thương mạch máu nhỏ do tiểu đường

Tổn thương mạch máu lớn

Biến chứng trên mạch máu lớn ở người bệnh tiểu đường gây ra xơ vữa động mạch khiến mạch máu bị tắc nghẽn, dẫn đến các hậu quả sau:

  • Mạch máu não: Các mảng xơ vữa làm giảm nguồn máu đến não có thể tăng nguy cơ xảy ra các tình trạng như đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Trong đó, đột quỵ thiếu máu não được ghi nhận thường gặp ở người bệnh tiểu đường có hoặc không mắc tăng huyết áp kèm theo hơn so với người không bị bệnh.
  • Hệ tim mạch: Gây ra các bệnh mạch vành (mạch máu nuôi tim) do giảm lượng máu cung cấp đến tim, dẫn đến suy tim hoặc các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
  • Mạch máu ngoại vi: Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến tắc mạch chi dưới và gây hoại tử chi.

Ngoài ra tổn thương mạch máu lớn do tiểu đường cũng góp phần gây nên các tình trạng rối loạn cương dương, phình động mạch chủ.

ton-thuong-mach-mau-do-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 3
Biến chứng trên hệ tim mạch ở người bệnh tiểu đường

Chẩn đoán tổn thương mạch máu như thế nào?

Bên cạnh những câu hỏi về các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh gợi ý cho những biến chứng tổn thương mạch máu, bác sĩ cũng sẽ thực hiện xét nghiệm phù hợp để hỗ trợ chẩn đoán.

Vì tổn thương mạch máu do tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, nên việc chẩn đoán và điều trị thường sẽ cần sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa khác nhau. Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh mạch máu do tiểu đường bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nguy cơ bệnh thận đái tháo đường.
  • Xét nghiệm máu: Xác định mức cholesterol và các thành phần phân tử chất béo khác nhau trong máu từ đó đánh giá nguy cơ xơ vữa.
  • Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI): So sánh huyết áp ở tay và chân của người bệnh để dự đoán khả năng bệnh mạch máu ngoại biên do tiểu đường.
  • Siêu âm doppler mạch máu: Đo tốc độ lưu lượng máu và xem cấu trúc của mạch máu ở chân của người bệnh.
  • Siêu âm tim gắng sức: Người bệnh sẽ được vận động trên máy đi bộ, máy đạp xe hoặc dùng loại thuốc làm tăng nhịp tim để tạo trạng thái như khi tập thể dục. Kỹ thuật viên sẽ siêu âm tim ngay sau đó để đánh giá tình trạng lưu thông máu đến cơ tim.
  • Chụp mạch vành: Xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá khả năng động mạch lớn có bị tắc không.
  • Chụp PET: Đánh giá chức năng các mô và cơ quan, đặc biệt là giúp phát hiện khu vực giảm lưu lượng máu trong tim hoặc vùng tổn thương cơ tim.
  • Chụp cắt lớp động mạch: Hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng hẹp hay tắc động mạch, mạch máu bị phình, xác định huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc động mạch phổi.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng trường điện từ để tạo hình ảnh của tim từ đó có thể thấy được chỗ tắc của động mạch.
  • Xét nghiệm chức năng tế bào nội mô: Đánh giá liệu tổn thương mạch máu có dẫn đến sự bất thường đối với chức năng của loại tế bào này và ảnh hưởng đến khả năng co giãn của mạch máu.
ton-thuong-mach-mau-do-tieu-duong-co-nguy-hiem-khong 4
Làm ABI đánh giá nguy cơ bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh mạch máu do tiểu đường được điều trị như thế nào?

Duy trì các chỉ số về đường huyết, mức huyết áp và lipid máu thông qua chế độ ăn uống và thuốc đều đóng vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị tổn thương mạch máu do tiểu đường. Một số lưu ý về thay đổi lối sống giúp bạn kiểm soát bệnh mạch máu tiểu đường bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc;
  • Ăn chế độ ăn ít chất béo, nhất là những đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh kết hợp với luyện tập thể dục đều đặn;
  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày, bảo vệ bàn chân khỏi chấn thương và luôn giữ khô ráo.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được cân nhắc để chỉ định những can thiệp nếu cần thiết. Những thủ thuật bao gồm: Phẫu thuật bằng tia la-ze (đối với bệnh võng mạc), thủ thuật tái thông mạch máu như nong mạch, đặt stent.

Như vậy, bài viết trên vừa cung cấp một số thông tin về tổn thương mạch máu ở người bệnh tiểu đường. Đây là vấn đề sức khỏe cần được quan tâm thường xuyên để góp phần giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin