Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Tổng hợp 10 bệnh hô hấp ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác

Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ

Các bệnh hô hấp ở trẻ em xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường đạt đỉnh và dễ bùng dịch vào thời điểm giao mùa hoặc thời tiết biến đổi bất thường. Dưới đây là 10 bệnh hô hấp ở trẻ em phổ biến và cách phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Theo số liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý về đường hô hấp. Các bệnh về đường hô hấp thường xảy ra quanh năm, phổ biến nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, có sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn.

Vì sao trẻ em dễ mắc bệnh hô hấp?

Theo các bác sĩ Nhi khoa, chúng ta đang sống trong “thời đại” của các bệnh hô hấp và trẻ em là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khỏe. Nguyên nhân do hệ hô hấp ở trẻ em chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, hít thở liên tục nhiều lần trong một phút tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.

Tổng hợp 10 bệnh hô hấp ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác 1
Trẻ dễ mắc bệnh hô hấp do hệ miễn dịch còn non yếu

Ngoài ra, sức đề kháng của trẻ em vẫn trong giai đoạn “xây dựng và củng cố”. Bởi vậy, chưa thể có đủ khả năng ngăn chặn các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể.

Đặc biệt, các yếu tố đến từ môi trường sống (thời tiết, nhiệt độ, bụi bẩn, ô nhiễm không khí, độ ẩm trong không khí,...), thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng có thể là những tác nhân dẫn đến bệnh hô hấp ở trẻ em.

10 bệnh hô hấp ở trẻ em phổ biến

Như đã trình bày ở trên, các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp thường sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Dưới đây là 10 bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ em.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hay cảm lạnh thông thường là một bệnh lý đường hô hấp do virus gây ra. Đây là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các triệu chứng cơ bản gồm đau họng, sổ mũi, hắt hơi, ho, nhức đầu, cơ thể đau nhức,...

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên không phải là bệnh quá nguy hiểm, có thể tự điều trị tại nhà và trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cúm

Cúm là một trong những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em. Khi bị cúm, trẻ có thể bị sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho, biếng ăn,... Cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc biệt với người bị cúm. Biện pháp tốt nhất là điều trị theo triệu chứng kết hợp nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ nhanh hồi phục hơn.

Viêm phổi

Viêm phổi là một trong các bệnh hô hấp ở trẻ em thường gặp. Viêm phổi xảy ra khi phổi bị các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập, gây ra tổn thương nhu mô phổi và các phản ứng kích thích. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ rất dễ chuyển biến thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng phổi, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết,...

Tổng hợp 10 bệnh hô hấp ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác 2
Ho nặng tiếng là dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể bị viêm phổi

Do đó, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ thăm khám ngay lập tức khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu như ho nặng tiếng, thở nhanh, thở rít, thở gắng sức, môi tím tái, đau tức ngực, buồn nôn, nôn,...

Viêm phế quản

Viêm phế quản xuất hiện sau khi trẻ bị cảm cúm hoặc cảm lạnh với các triệu chứng như ho liên tục trong thời gian dài (thường từ 3 - 4 tuần), sổ mũi, sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, khò khè, tức ngực,... Viêm phế quản dễ bị nhầm với hen phế quản. Do vậy, các bậc phụ huynh hãy cho trẻ đi thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản thường xuất hiện ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Trong đó, trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi sẽ có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cao hơn. Bệnh viêm tiểu phế quản có nguyên nhân do virus hợp bào hô hấp RSV, Rhinovirus, Adenovirus, virus Parainfluenza,...

Một số dấu hiệu điển hình ở trẻ viêm tiểu phế quản như sốt cao, bỏ ăn, tức ngực, khó thở,... Bệnh lý này có thể biến chứng viêm phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, hen phế quản, rối loạn chức năng hô hấp,...

Tổng hợp 10 bệnh hô hấp ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác 3
Viêm tiểu phế quản gây ra tình trạng khó thở rất nguy hiểm

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh hô hấp ở trẻ em xảy ra khi các mô nằm bên trong xoang bị sưng, viêm gây ra tình trạng tụ dịch trong túi khí sau mắt và mũi, khiến đường hô hấp bị nhiễm trùng. Khi bị viêm xoang, trẻ sẽ gặp phải các dấu hiệu như đau mắt và mũi, khó thở, ho, sổ mũi, mũi có dịch, đau họng, hôi miệng, buồn nôn,...

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra, trong đó phổ biến nhất là virus cúm, cúm A, Adenovirus,...

Viêm thanh quản có thể gây ra tình trạng sốt nhẹ, ho khan, khàn giọng, thậm chí mất giọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm khí – phế quản và đồng mắc viêm phổi, viêm tai giữa,…

Viêm họng

Viêm họng là bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ vào thời điểm giao mùa. Viêm họng xảy ra khi niêm mạc phía sau cổ họng của trẻ bị virus gây viêm nhiễm, khiến trẻ thấy ngứa, nóng rát cổ họng. Một số các biến chứng của viêm họng như áp xe thành sau họng, viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm khí quản, viêm thanh quản, viêm khớp, viêm cầu thận,...

Tổng hợp 10 bệnh hô hấp ở trẻ em ba mẹ cần cảnh giác 4
Viêm họng thường gặp khi thời tiết giao mùa

Hen phế quản

Hen phế quản hay hen suyễn là bệnh lý đường hô hấp có nguyên nhân do viêm mạn tính đường thở gây tăng tiết đờm, phù nề, co thắt,... dẫn đến hạn chế hoặc tắc nghẽn đường thở. Bệnh có các triệu chứng thường gặp như: Ho, thở gấp, thở khò khè, thở rít, khó thở, tức ngực, nặng ngực,...

Suy hô hấp cấp

Suy hô hấp là một trong những tình trạng đáng báo động bởi nguy cơ gây tử vong hàng đầu. Trẻ bị suy hô hấp cấp sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, có thể ngưng thở, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, ngưng tim,...

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bất thường để được can thiệp và điều trị kịp thời.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hô hấp ở trẻ em?

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp ở trẻ em, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời tránh để bệnh lây lan, các bậc phụ huynh cần thực hiện các biện phòng ngừa sau:

  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Việc làm này sẽ giúp ngăn chặn được bệnh lây truyền sang trẻ khác qua dịch tiết mũi hoặc nước bọt. Đồng thời, vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
  • Hướng dẫn trẻ che miệng khi hắt hơi hoặc ho, đặc biệt ở nơi đông người.
  • Nhắc nhở trẻ không nên đưa tay chạm lên miệng, mắt hoặc mũi. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với người đang có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi,...
  • Cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Luôn giữ ẩm cơ thể, nhất là vào mùa đông.
  • Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường hay đến nơi công cộng.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, không khí độc hại,…

Các bệnh hô hấp ở trẻ em có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào, đặc biệt khi giao mùa hay thời tiết thay đổi thất thường. Vì thế, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh về đường hô hấp, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc điều trị mà hãy đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin