Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tổng hợp các biến chứng của lọc màng bụng

Ngày 22/11/2024
Kích thước chữ

Lọc màng bụng là phương pháp lọc máu tại nhà được áp dụng phổ biến cho người bị bệnh suy thận mạn tính. Bên cạnh lợi ích đối với quá trình điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng của lọc màng bụng như biến chứng nhiễm trùng, biến chứng cơ học và biến chứng chuyển hóa.

Suy thận mạn tính là căn bệnh nguy hiểm nhiều người mắc phải. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm tới 12,8% dân số. Người bị bệnh suy thận cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Ngoài ra, một số người bệnh có thể điều trị kiểm soát triệu chứng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong thời gian chờ lọc máu, ghép thận. Trong đó, lọc màng bụng là một trong những phương pháp điều trị suy thận mạn.

Lọc màng bụng là gì?

Lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận được áp dụng phổ biến hiện nay ở người bệnh suy thận. Phương pháp này sử dụng chính màng bụng của người bệnh để làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Có 3 phương pháp lọc màng bụng gồm lọc màng bụng cấp, lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) và lọc màng bụng chu kỳ tự động.

Tổng hợp các biến chứng của lọc màng bụng 1
Suy thận mạn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh

Kỹ thuật lọc màng bụng có nhiều ưu điểm nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp biến chứng của lọc màng bụng nếu không vệ sinh đúng cách khi thực hiện như biến chứng nhiễm trùng, cơ học và chuyển hóa.

Ưu điểm và đối tượng chỉ định lọc màng bụng

Lọc màng bụng được đánh giá cao và sử dụng khá phổ biến trong điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối bởi một số ưu điểm như:

  • Khả năng lọc máu tốt, hiệu quả trong việc bảo tồn thận.
  • Người bệnh không cần dùng máy chạy thận nhân tạo nên có thể thực hiện tại nhà rất dễ dàng, thuận tiện, không ảnh hưởng đến công việc, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày.
  • Người bệnh ít bị mất máu, thiếu sắt hơn.
  • Phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
  • Phù hợp với những người có huyết động không ổn định do các chất hòa tan và lượng nước trong cơ thể sẽ thay đổi từ từ nếu thực hiện phương pháp này.
  • Người bệnh có thể ăn uống thoải mái hơn, ít bị hạn chế so với chạy thận nhân tạo.
  • Người bệnh không cần sử dụng thuốc chống đông thường xuyên, giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, đột quỵ.
  • Không cần đến bệnh viện nhiều lần, tiết kiệm thời gian và công sức.
  • Chi phí điều trị thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, biến chứng của lọc màng bụng có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Do đó, việc nắm rõ các nguy cơ để có biện pháp hạn chế biến chứng là điều vô cùng quan trọng.

Tổng hợp các biến chứng của lọc màng bụng 2
Lọc màng bụng dễ thực hiện mà không cần đến máy móc

Phương pháp lọc màng bụng thường được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Người bị suy thận cấp, suy thận mạn nhưng không áp dụng được các kỹ thuật thận nhân tạo.
  • Người bị bệnh thận mạn nhưng không tạo được đường vào mạch máu để thực hiện chạy thận nhân tạo.
  • Người có hệ tim mạch không ổn định.
  • Người có nguy cơ bị tai biến khi chạy thận nhân tạo.

Các biến chứng của lọc màng bụng

Biến chứng nhiễm trùng

Đây là một trong 3 biến chứng của lọc màng bụng thường gặp nhất. Biến chứng nhiễm trùng bao gồm viêm phúc mạc và nhiễm trùng liên quan đến catheter.

  • Viêm phúc mạc: Tình trạng này có thể xảy ra nếu người bệnh không thực hiện đúng các kỹ thuật lọc màng bụng, không đảm bảo vô trùng khi thay dịch lọc. Ngoài ra, vi khuẩn có thể đi từ chân catheter hoặc từ đường tiêu hóa vào khoang phúc mạc gây viêm phúc mạc. Người bị viêm phúc mạc thường xuất hiện triệu chứng điển hình như sốt cao, đau bụng, co cứng thành bụng, dịch lọc màng bụng có màu đục khác với dịch lọc thông thường. Lúc này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được nuôi cấy dịch lọc màng bụng tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng kháng sinh phổ rộng trong thời gian chờ kết quả nuôi cấy.
  • Nhiễm trùng liên quan đến catheter: Để thực hiện lọc màng bụng, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt một ống thông chuyên biệt vào khoang bụng được gọi là catheter. Dụng cụ này có tác dụng đưa dịch lọc từ bên ngoài vào khoang bụng, đồng thời dẫn dịch thoát ra ngoài sau khi kết thúc quá trình lọc. Chân catheter và đường hầm dưới da là 2 vị trí rất dễ gặp biến chứng của lọc màng bụng gây nhiễm trùng. Một số dấu hiệu nhiễm trùng liên quan đến catheter như sưng, tấy đỏ, đau, có mủ ở chân ống, vùng đường hầm cứng,... Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần thay băng thường xuyên, theo dõi để đánh giá tình trạng viêm hoặc rút catheter để điều trị nhiễm trùng.
Tổng hợp các biến chứng của lọc màng bụng 3
Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm do lọc màng bụng

Biến chứng chuyển hóa

Một số biến chứng chuyển hóa có thể xảy ra khi lọc màng bụng gồm:

  • Tăng đường huyết xảy ra khi lọc màng bụng trong thời gian dài khiến glucose bị hấp thu vào máu gây tăng đường huyết.
  • Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và nhiều nguy cơ tim mạch khác.
  • Mất 10 đến 20g protein mỗi ngày, đặc biệt với người có màng vận chuyển cao hoặc đang bị viêm phúc mạc.

Biến chứng cơ học

Ngoài các biến chứng của lọc màng bụng kể trên, người bệnh còn có thể gặp những biến chứng cơ học sau đây:

  • Tràn dịch màng phổi do lượng dịch lớn lưu trong ổ bụng làm tăng áp lực ổ bụng khiến dịch lọc di chuyển lên khoang màng phổi.
  • Thoát vị ở một số vị trí như rốn, bẹn, nơi đặt catheter,... do thể tích dịch lọc đưa vào cơ thể lớn.
  • Đau lưng thường xuyên do khi dịch lọc vào cơ thể sẽ làm áp lực ổ bụng tăng, cột sống sẽ có xu hướng ưỡn ra.

Trên đây là tổng hợp các biến chứng của lọc màng bụng có thể xảy ra ở người bị suy thận mạn tính. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp lọc màng bụng cũng như những nguy cơ có thể xảy ra khi áp dụng. Để tránh những biến chứng này, người bệnh hãy tuân thủ hướng dẫn thực hiện cũng như thăm khám đúng hẹn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin