Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Top các loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu mà bạn nên tránh

Ngày 28/08/2024
Kích thước chữ

Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây là việc làm cần thiết trong thai kỳ. Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng phù hợp với thai phụ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất. Đây là thời điểm thai nhi có sự phát triển nhanh chóng và hình thành các cơ quan quan trọng. Do đó, chỉ cần một chút bất cẩn hay sai sót trong chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến bé. Dưới đây là danh sách trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu các chị em cần biết.

Mặc dù đa số các loại hoa quả đều có lợi cho sức khỏe, nhưng vẫn có một số loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn cần tránh hoặc hạn chế sử dụng. Những loại trái cây này thường chứa lượng đường, axit cao hoặc các chất khác có thể gây rối loạn tiêu hóa, co thắt tử cung thậm chí ảnh hưởng, đe dọa hoặc kìm hãm sự phát triển của thai nhi.

Những loại trái cây phụ nữ mang thai không nên ăn

  • Trái cây có dấu hiệu hư hỏng: Chứa nhiều vi khuẩn gây hại như: Salmonella, E. coli, và Clostridium botulinum có thể gây ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Trái cây không rõ nguồn gốc: Có thể chứa dư lượng hóa chất và thuốc trừ sâu độc hại trong những loại trái cây không rõ nguồn gốc. Khi mẹ hấp thụ vào cơ thể có thể làm gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như: Hở hàm ếch ở trẻ. Đồng thời có thể gây các triệu chứng như: Đau đầu, nôn mửa, phát ban và thậm chí sảy thai.
  • Trái cây có hàm lượng đường cao hoặc tính nóng: Ví dụ như xoài chín, nho, hoa quả sấy khô sẽ làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, có thể dẫn đến sinh non và vấn đề về hô hấp ở trẻ sơ sinh.
  • Trái cây chưa chín: Loại này thường chứa nhiều axit và tanin, có thể gây đau bụng, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn và tiêu chảy. Ngoài ra, trái cây chưa chín, đặc biệt là những loại không được chăm sóc đúng cách, có thể chứa kim loại nặng như: Chì, thủy ngân, cadmium và asen. Những kim loại nặng này có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, dẫn đến dị tật bẩm sinh.
Top loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh - 1
Phụ nữ mang thai cần tránh hấp thụ trái cây chưa chín đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ

Những loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu

Nhãn

Bầu 3 tháng đầu ăn nhãn được không? Trong số các loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu, nhãn là loại quả có tính nóng cùng hàm lượng đường khá cao (15g đường/100g nhãn). Việc tiêu thụ nhiều nhãn có thể dẫn đến sự gia tăng đột ngột lượng đường glucose trong máu, khiến thân nhiệt tăng, gây cảm giác nóng nực, khó chịu đặc biệt ở người bệnh tiểu đường thai kỳ và đường huyết thiếu ổn định. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đau bụng, ra máu, động thai và cả nguy cơ sảy thai.

Bên cạnh đó, nhãn cũng có thể gây ra một số vấn đề tiêu hóa như: Ợ chua và tiêu chảy, gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà bầu. Mặc dù nhãn có nhiều lợi ích, bà bầu nên tránh ăn quá nhiều loại trái cây này, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, để giảm nguy cơ sảy thai và duy trì sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé.

Vải thiều

Vải thiều là một loại trái cây khác mà bà bầu 3 tháng đầu nên hạn chế tiêu thụ. Mặc dù ăn một lượng nhỏ vải có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe như: Tăng cường hệ miễn dịch, cân bằng điện giải, hỗ trợ tiêu hóa và tuần hoàn máu, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Ăn vải thiều với số lượng lớn có thể dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ, chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Top loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh - 2
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu ăn nhiều vải thiều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng

Dứa

Bầu có được ăn dứa không? Dứa là loại trái cây ngọt ngào và thơm ngon, nhưng lại nằm trong danh sách các loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu. Nguyên nhân chính là do dứa tươi có chứa bromelain - chất có khả năng làm mềm tử cung, hỗ trợ chuyển dạ và gây ra một số vấn đề sức khỏe nếu thai phụ tiêu thụ quá nhiều. 

Một số tác dụng phụ của dứa bao gồm: Tiêu chảy, co thắt tử cung, sảy thai hoặc dị ứng ở phụ nữ mang thai. Do đó, dứa thường được khuyến cáo không nên ăn nhiều trong thai kỳ nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên.

Đu đủ xanh

Đu đủ xanh chứa lượng lớn mủ và enzyme papain, hai thành phần có thể gây co thắt tử cung, dẫn đến chuyển dạ sớm và sinh non. Papain trong đu đủ xanh có thể làm cơ thể mẹ bầu phản ứng như với prostaglandin – một hormone kích thích chuyển dạ. Hệ quả chính của việc tiêu thụ đu đủ xanh là tăng nguy cơ sinh non. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi các lớp bảo vệ thai nhi chưa đủ chắc chắn, điều này có thể dẫn đến sảy thai. Do đó, bà bầu nên kiêng ăn đu đủ xanh để tránh những rủi ro như: Sinh non và sảy thai ngoài ý muốn.

Nho

Bà bầu ăn nho được không? Nho là loại trái cây có hàm lượng đường khá cao (16g đường/100g nho). Tiêu thụ quá nhiều nho khi mang thai 3 tháng đầu có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Trong quá trình canh tác, nho có thể được xử lý bằng sulfur dioxide, một hóa chất dùng để bảo vệ cây khỏi sâu bệnh. Thai phụ ăn nho chứa sulfur dioxide có thể gặp các vấn đề về hô hấp như: Khó thở và viêm phế quản.

Ngoài ra, vỏ nho chứa hợp chất resveratrol, có khả năng ức chế quá trình tổng hợp DEHA – một hormone quan trọng trong việc điều hòa nội tiết tố nữ estrogen. Thiếu hụt estrogen khi mang thai có thể làm gián đoạn quá trình cung cấp máu cho thai nhi. Vì vậy, bà bầu 3 tháng đầu nên hạn chế ăn nho, tốt nhất là không tiêu thụ quá 160g nho mỗi ngày để tránh dung nạp quá nhiều đường và giảm nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe liên quan.

Top loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh - 3
Nho có thể tác động làm thiếu hụt estrogen khi mang thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi

Quả thị

Quả thị là loại trái cây mà các mẹ bầu 3 tháng đầu nên tránh do chứa hàm lượng cao tanin - một hợp chất cũng có mặt trong trà đặc và cà phê. Tanin có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt và kẽm, dẫn đến nguy cơ thiếu máu và suy dinh dưỡng trong thai kỳ. Đồng thời, tanin còn cản trở quá trình vận chuyển axit folic đến thai nhi, làm tăng nguy cơ các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng về hệ thần kinh và não bộ.

Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều quả thị có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như: Ợ nóng, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tối ưu hóa khả năng hấp thụ dưỡng chất, bà bầu nên kiêng ăn loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu này.

Hồng giòn

Có bầu ăn hồng giòn được không? Chất tanin tìm thấy trong hồng giòn chứa có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt, kẽm và hạn chế việc vận chuyển axit folic tới thai nhi. Tiêu thụ quá nhiều hồng giòn có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu hay suy dinh dưỡng cho mẹ bầu, đồng thời làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi do thiếu hụt axit folic.

Để giảm thiểu những rủi ro, mỗi ngày mẹ bầu trong 3 tháng đầu chỉ nên ăn khoảng 100g - 200g hồng giòn. Đồng thời, mẹ không nên ăn vỏ hồng hoặc kết hợp hồng giòn với hải sản và thực phẩm giàu đạm để tránh tình trạng tanin trong hồng làm cản trở sự hấp thụ sắt từ các thực phẩm khác, từ đó làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

Me

Me cũng là một loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu. Loại quả này chứa axit oxalic, một hợp chất tự nhiên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Khi tiêu thụ quá mức, axit oxalic có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và các khoáng chất khác trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng chất cho mẹ và bé trong thai kỳ.

Top loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh - 4
Me là một trong nhiều loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh

Ngoài ra, me còn có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như: Ợ chua, buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi và khó tiêu. Vì lý do này, bà bầu nên tránh ăn me để không gây áp lực cho hệ tiêu hóa và đảm bảo rằng bé nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.

Những điều mẹ bầu 3 tháng đầu cần lưu ý khi bổ sung trái cây

Bên cạnh việc nắm rõ ăn quả gì tốt cho bà bầu và các loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu, thai phụ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau khi bổ sung nhóm thực phẩm này vào chế độ ăn hàng ngày:

  • Không ăn hoa quả chưa rửa: Tương tự thịt sống, trái cây chưa được rửa sạch có thể chứa ký sinh trùng, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất độc hại khác. Những tác nhân này có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
  • Cần súc miệng sau khi ăn hoa quả: Nhiều loại trái cây chứa carbohydrate lên men và axit có thể gây mòn răng. Nếu không súc miệng sau khi ăn hoa quả, axit và đường còn sót lại có thể làm hại men răng.
  • Không ăn quá nhiều hoa quả: Mặc dù trái cây giàu dinh dưỡng, nhưng không chứa đầy đủ các chất cần thiết như: Protein và chất béo. Chỉ ăn nhiều trái cây có thể khiến cơ thể mẹ thiếu hụt những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.
  • Không nên ăn hoa quả ngay sau bữa ăn: Ăn trái cây ngay sau bữa ăn chính có thể gây đầy bụng và táo bón, những vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Nên ăn trái cây ít nhất 2 giờ sau bữa ăn chính và 1 giờ trước bữa ăn tiếp theo.
  • Không nên ăn hoa quả để lạnh: Trái cây vừa lấy ra từ tủ lạnh có thể gây đau bụng và tiêu chảy cho mẹ bầu. Để tránh điều này, nên để trái cây ra ngoài khoảng 1 giờ trước khi ăn.
  • Không ăn trái cây hư hỏng: Hoa quả hư hỏng có thể chứa vi khuẩn gây hại như: E. coli, Salmonella hay Clostridium botulinum… gây ra các bệnh lý nghiêm trọng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, trái cây hư hỏng cũng có thể dẫn đến stress oxy hóa, gây thiểu sản và rối loạn chức năng nhau thai.
Top loại trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu bạn nên tránh - 5
Chú ý khi bổ sung trái cây trong 3 tháng đầu mang thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi

Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi, các chị em nên tránh những loại trái cây trái cây không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu kể trên. Bên cạnh đó, nhằm duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học, mẹ bầu có thể cân nhắc bổ sung các loại trái cây tốt cho sức khỏe như: Cam, bưởi, đu đủ chín, dưa hấu và chuối… để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin