Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trầm cảm nội sinh là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày 18/09/2023
Kích thước chữ

Trầm cảm nội sinh là một dạng trầm cảm nghiêm trọng và cần điều trị sớm, kịp thời, tránh để lại những hậu quả nặng đối với tinh thần và sức khỏe. Để hiểu rõ hơn thế nào là trầm cảm nội sinh, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Biểu hiện đặc trưng ở người bệnh trầm cảm nội sinh là tâm trạng buồn bã, chán nản kéo dài, tinh thần uể oải,... Khi bị trầm cảm nội sinh, đa số người bệnh đều không tự phát hiện bệnh tình và người thân, bạn bè cũng khó nhận biết bệnh.

Trầm cảm nội sinh là bệnh gì?

Trầm cảm nội sinh là bệnh lý liên quan đến rối loạn cảm xúc không rõ nguyên nhân, đây cũng là tình trạng bệnh lý khá nặng, cần đặc biệt quan tâm bởi việc điều trị và kiểm soát bệnh phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý người bệnh. Triệu chứng đặc trưng khi bị trầm cảm nội sinh là tình trạng buồn bã, mệt mỏi kéo dài và liên tục dẫn đến stress, thu mình, suy nghĩ tiêu cực,...

Trầm cảm nội sinh là gì? Vì sao mắc bệnh? 1
Trầm cảm nội sinh là bệnh rối loạn cảm xúc nặng không rõ nguyên nhân

Ở bệnh nhân bị trầm cảm nội sinh, khi cảm xúc tiêu cực kéo đến nhiều lần với tần suất liên tục có thể khiến bệnh tình ngày một nặng hơn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân trầm cảm nội sinh chịu ảnh hưởng khiến cho suy nghĩ, hành động, cảm xúc, tâm trạng,... theo chiều hướng tiêu cực và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc, tình cảm gia đình,...

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm nội sinh

Cũng giống như tên gọi đặc trưng của bệnh lý, trầm cảm nội sinh bắt nguồn từ chính những nguyên nhân bên trong, đến từ người bệnh. Khoa học hiện đại hiện vẫn chưa xác minh được tác nhân cụ thể và trực tiếp gây trầm cảm nội sinh nhưng có một số yếu tố tác động như:

Căng thẳng, áp lực: Tinh thần căng thẳng, stress, áp lực trong suốt thời gian dài chính là yếu tố khiến nguy cơ trầm cảm nội sinh tăng cao. Những áp lực từ cuộc sống, gia đình, công việc, tình cảm, kinh tế,... khi vượt quá giới hạn chịu đựng hoặc diễn ra trong thời gian dài gây bệnh về rối loạn cảm xúc.

Di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy, yếu tố di truyền có ảnh hưởng nhất định đến khả năng mắc bệnh trầm cảm nội sinh. Theo kết quả nghiên cứu, ADN của bệnh nhân trầm cảm nội sinh có khá nhiều vấn đề và tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người thân, ông bà, bố mẹ,... bị trầm cảm.

Lạm dụng các loại thuốc: Một tác nhân nữa cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp gây trầm cảm nội sinh, đó là thuốc. Sử dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị bệnh về thần kinh, não bộ,... thời gian dài, lạm dụng quá nhiều thuốc dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, trong đó có trầm cảm nội sinh.

Biến cố: Tâm lý và cảm xúc là những vấn đề rất phức tạp và ở mỗi người, giới hạn của cảm xúc khác nhau. Khi trải qua biến cố quan trọng, nhiều người có xu hướng thu mình lại, buồn bã, tiêu cực, không thoát ra được khỏi cảm xúc tiêu cực, lâu dần có thể dẫn đến bệnh trầm cảm, trong đó có trầm cảm nội sinh.

Triệu chứng khi mắc bệnh trầm cảm nội sinh

Những bệnh nhân bị trầm cảm nội sinh có các dấu hiệu ban đầu khá khó nhận biết và các triệu chứng này có thể không kéo dài mà chỉ đột ngột xuất hiện khiến bệnh nhân khó kiểm soát. Muốn điều trị bệnh có hiệu quả tích cực bạn cần phát hiện bệnh sớm thông qua các biểu hiện thường gặp như:

Mệt mỏi, thiếu năng lượng: Nếu bạn cảm thấy cơ thể dạo gần đây liên tục mệt mỏi, tụt năng lượng, chán nản,... không rõ nguyên nhân thì rất có thể bạn đang bị trầm cảm nội sinh đấy. Hầu hết các bệnh nhân bị trầm cảm đều có biểu hiện này và dễ bị nhầm lẫn với việc mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Mất ngủ: Bệnh nhân trầm cảm nội sinh rất dễ bị mất ngủ và đây là triệu chứng phổ biến, có đến hơn 80% người bệnh gặp tình trạng này. Giấc ngủ của bệnh nhân trầm cảm nội sinh có thể bị rối loạn, ngủ hay tỉnh giấc hoặc mất ngủ cả đêm gây mệt mỏi nghiêm trọng hơn, lâu dần dẫn đến suy nhược thần kinh,...

Trầm cảm nội sinh là gì? Vì sao mắc bệnh? 2
Trầm cảm nội sinh khiến người bệnh mất ngủ, rối loạn giấc ngủ,...

Chán nản, buồn bã: Theo các bác sĩ, triệu chứng phổ biến khi mắc bệnh trầm cảm nội sinh có thể là việc cảm thấy chán nản, buồn bã thường xuyên. Bệnh nhân có thể không còn hứng thú với công việc hàng ngày, không còn quan tâm đến xung quanh, ngay cả những thứ mà họ thích.

Mất hứng thú với sự kiện xung quanh: Để nhận biết trầm cảm nội sinh bạn có thể dựa trên triệu chứng mất hứng thú ở người bệnh. Khi mắc bệnh trầm cảm nội sinh, bệnh nhân thường không có cảm xúc, hứng thú với những sự vật, sự việc xảy ra xung quanh, không hứng thú trong làm việc, học tập, không muốn ra ngoài, thường nhốt mình trong phòng,...

Mất tập trung, trí nhớ kém: Người mắc bệnh trầm cảm nội sinh gặp khó khăn trong việc tập trung, họ thường chìm vào những suy nghĩ của bản thân và do vậy hay gặp tình trạng nhớ nhớ quên quên, suy giảm trí nhớ kém tập trung.

Giảm chức năng sinh dục: Các nhà nghiên cứu về trầm cảm nội sinh cho thấy bệnh nhân mắc bệnh này có thể biểu hiện bệnh thông qua việc giảm sút khả năng sinh dục, chức năng sinh dục giảm. Nam giới thường bị rối loạn cương dương, không xuất tinh,...  và nữ giới thường khô rát âm đạo khi quan hệ, lãnh cảm,...

Điều trị trầm cảm nội sinh

Hiện nay có 4 phương án hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm nội sinh là trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc, sốc điện và cải thiện lối sống. Với mỗi bệnh nhân, tình trạng bệnh khác nhau bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa khác nhau.

Trị liệu tâm lý: Phương pháp này giúp người bệnh giải tỏa được những vấn đề của bản thân thông qua việc trò chuyện, tâm sự, chia sẻ, đồng cảm. Bệnh nhân có thể trò chuyện với bác sĩ tâm lý kết hợp với trò chuyện cùng người thân, gia đình để cải thiện bệnh.

Uống thuốc: Phương án uống thuốc chữa trầm cảm nội sinh không dùng ở mọi trường hợp. Người bệnh khi được chỉ định sử dụng thuốc cần phải tuân theo đúng liều lượng và hướng dẫn từ bác sĩ, không lạm dụng thuốc quá nhiều.

Sốc điện: Đây là cách điều trị cuối cùng cho người bệnh trầm cảm nội sinh khi không đáp ứng 2 phương pháp nêu trên. Thực hiện sốc điện cần bác sĩ có kinh nghiệm và nắm vững chuyên môn để mang lại hiệu quả trị liệu tâm lý an toàn, hiệu quả.

Thay đổi lối sống: Người bị trầm cảm nội sinh thể nhẹ được khuyến khích cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn, kết hợp rèn luyện thân thể, không dùng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tìm hiểu cách thư giãn tinh thần,... để giảm stress, hạn chế tiêu cực và cải thiện bệnh lâu dài. 

Trầm cảm nội sinh là gì? Vì sao mắc bệnh? 3
Lối sống lành mạnh giúp người bệnh cải thiện tâm trạng về thể chất

Mong rằng qua bài viết trên đây từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý trầm cảm nội sinh cũng như một số thông tin liên quan. Nếu nhận thấy dấu hiệu của bệnh ở người thân, bạn bè, bạn nên khuyến khích, đưa họ đi khám sớm để tiến hành chữa trị.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin