Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trật mắt cá chân điều trị bằng cách nào? Bao lâu thì khỏi?

Ngày 25/11/2023
Kích thước chữ

Trật mắt cá chân là chấn thương rất phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng, độ tuổi, giới tính. Khi bị trật mắt cá chân người bệnh cần thực hiện sơ cứu kịp thời, tránh chủ quan gây nhiều ảnh hưởng về sau, đặc biệt là khả năng đi lại, vận động linh hoạt của chân.

Trật mắt cá chân chắc hẳn không còn là chấn thương xa lạ với nhiều người bởi đây là tình trạng chiếm đến hơn 40% tổng số các ca chấn thương nói chung. Bệnh gây đau nhức vùng mắt cá chân và khó khăn khi đi lại, vận động. Dưới đây là những thông tin bạn nên biết về trật khớp mắt cá chân.

Phương pháp chẩn đoán trật mắt cá chân

Để chẩn đoán tình trạng trật mắt cá chân bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho người bệnh dựa trên biểu hiện, triệu chứng. Ngoài ra các phương pháp khám cận lâm sàng cũng được áp dụng, cụ thể như:

  • Chụp X-quang: Chẩn đoán qua phim chụp X-quang giúp bác sĩ nắm rõ hơn tình trạng tổn thương khớp mắt cá chân của bệnh nhân.
  • Chụp cộng hưởng từ: Hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán trật mắt cá chân gây rạn xương, tổn thương dây chằng và các tổn thương nghiêm trọng khác.
  • Chụp cắt lớp: Phương pháp này cũng hỗ trợ khá nhiều trong chẩn đoán trật mắt cá chân, đưa ra hình ảnh khớp mắt cá chân dưới nhiều góc độ để dễ dàng nhận thấy tổn thương tại vị trí này.
Trật mắt cá chân điều trị bằng cách nào? Bao lâu thì khỏi? 1
Trật mắt cá chân có thể chẩn đoán bằng nhiều phương pháp

Phương pháp điều trị trật mắt cá chân

Nhiều người vẫn nghĩ rằng điều trị trật mắt cá chân rất đơn giản và nhanh chóng, tuy nhiên, bàn về phương pháp điều trị trật mắt cá chân có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm.

Các giai đoạn khi điều trị trật mắt cá chân

Sau khi chẩn đoán trật mắt cá chân, bệnh nhân điều trị qua 3 giai đoạn chính là:

Giai đoạn 1: Điều trị và chăm sóc trật mắt cá chân nhằm giúp giảm sưng đau cho người bệnh, hỗ trợ bảo vệ phần mắt cá chân bị tổn thương. Phương pháp chính được áp dụng trong giai đoạn này là tăng cường nghỉ ngơi, hạn chế vận động nhiều.

Giai đoạn 2: Áp dụng một số phương pháp điều trị trật mắt cá chân tăng tính linh hoạt và phục hồi chức năng chuyển động cho mắt cá chân.

Giai đoạn 3: Điều trị trật mắt cá chân tích cực nhằm đưa người bệnh quay trở lại chế độ sinh hoạt hàng ngày. Đến giai đoạn này, mắt cá chân đã có thể vận động ổn định.

Một số cách đơn giản để chữa trật mắt cá chân

Các phương pháp đơn giản được ứng dụng cho người bị trật mắt cá chân mức độ nhẹ và trong giai đoạn 1 của quá trình điều trị trật mắt cá chân.

Nghỉ ngơi nhiều hơn: Việc nghỉ ngơi, hạn chế vận động sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tối đa các cơn đau nhức khó chịu ở mắt cá chân. Khi này bạn không nên vận động, đi lại hoặc làm việc, tốt nhất chỉ nên nằm nghỉ, tránh khiến tình trạng trật mắt cá chân trở nên nghiêm trọng hơn.

Chườm đá: Phương pháp chườm lạnh hỗ trợ giảm sưng tấy, nóng đỏ khớp mắt cá chân. Bạn nên bọc các viên đá lạnh trong khăn sạch và chườm nhẹ lên mắt cá chân trong 15 – 30 phút, lặp lại cách mỗi lần 4 – 5 tiếng để đạt hiệu quả tốt nhất. Cách này cũng có thể dùng trong thời gian chờ đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Trật mắt cá chân điều trị bằng cách nào? Bao lâu thì khỏi? 2
Chườm đá giúp mắt cá chân giảm sưng đau

Đè ép: Sau khi mắt cá chân không còn sưng tấy nữa bạn nên dùng nẹp để băng giữ cho mắt cá được ổn định ngay cả khi cơ thể vận động. Điều này hỗ trợ trật mắt cá chân nhanh lành hơn.

Nâng cao chân: Nâng cao bên chân bị trật mắt cá chân trong 48 giờ đầu tiên sau chấn thương bằng cách nằm kê cao chân với gối, giúp chân hạn chế đau và sưng.

Điều trị trật mắt cá chân không phẫu thuật

Với các trường hợp trật mắt cá chân nhẹ có thể tiến hành điều trị không phẫu thuật bằng các cách sau đây:

Sử dụng nạng và nẹp mắt cá chân: Hỗ trợ người bệnh di chuyển, đi lại trong quá trình chữa trật mắt cá chân.

Bất động: Phương pháp này giúp giữ mắt cá chân được ổn định trong suốt quá trình chữa trị, tránh nguy cơ biến chứng dẫn đến thương tích thứ phát.

Vật lý trị liệu: Tăng cường hoạt động và khôi phục chức năng cho mắt cá chân, được bác sĩ khuyến khích khi tình trạng trật mắt cá chân cải thiện đáng kể, không còn sưng đau. Người bệnh nên tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn.

Điều trị trật mắt cá chân bằng cách phẫu thuật

Phương pháp này ít khi dùng cho người bệnh trật mắt cá chân nhưng cần thiết trong một số trường hợp. Những người trật mắt cá chân không có hiệu quả tốt sau quá trình điều trị không phẫu thuật hoặc trật mắt cá chân để lại nhiều mảnh xương vụn quanh khớp, xương và sụn lỏng lẻo, bong gân, rách dây chằng, rách gân chân hoặc gân mắt cá chân,… cần được chỉ định thực hiện phẫu thuật để chữa trị.

Bệnh nhân trật mắt cá chân bao lâu thì khỏi?

Để trả lời được câu hỏi này rất khó bởi tình trạng trật mắt cá chân ở mỗi người khác nhau, ngoài ra còn có các yếu tố khác như mức độ tiếp nhận điều trị của cơ thể, tốc độ phục hồi, tuổi tác, cách chăm sóc và dưỡng thương,…

Thông thường, với cách chữa trật mắt cá chân không phẫu thuật, người bệnh cần từ 2 – 4 tuần để các triệu chứng thuyên giảm và khớp mắt cá chân bắt đầu phục hồi. Các trường hợp bị trật mắt cá chân nặng có thể mất đến 6 – 12 tuần.

Với những bệnh nhân cần phẫu thuật điều trị trật mắt cá chân sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là vài tuần đến vài tháng để vết thương ổn định và xương khớp phục hồi, trở lại chức năng bình thường.

Để tăng tốc độ chữa lành sau điều trị trật mắt cá chân, người bệnh nên uống thuốc đúng giờ, đúng liều theo đơn thuốc của bác sĩ, tập luyện thêm vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên viên, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường các thực phẩm giàu canxi,… Việc nóng vội khi chữa trị trật mắt cá chân có thể khiến bạn dễ mắc sai lầm và tình trạng tổn thương mắt cá chân càng nặng hơn.

Trật mắt cá chân điều trị bằng cách nào? Bao lâu thì khỏi? 3
Người bị trật mắt cá chân nên bổ sung đa dạng dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, vitamin D,...

Nhìn chung, trật mắt cá chân không phải loại chấn thương nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng không nên chủ quan vì nguy cơ biến chứng, hạn chế khả năng vận động của chân,… khá cao. Ngay khi chấn thương và cảm nhận đau nhức ở mắt cá chân, bạn nên theo dõi tần suất, mức độ đau và đến bệnh viện khi có dấu hiệu bị trật mắt cá chân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin